Thị trường xẹp, đất đấu giá ở nhiều địa phương ế ẩm

Hà Phong

(Dân trí) - Từ đầu năm nay, nhiều địa phương đã ồ ạt tổ chức đấu giá đất, nhưng không ít lô bị ế vì không có người trả giá. Tình cảnh này trái ngược hoàn toàn so với thời điểm hơn 1 năm trước.

Trong năm 2021 và đầu năm 2022, hầu hết phiên đấu giá đất ở các địa phương đều nhận được sự quan tâm từ nhà đầu tư. Các lô đất đấu giá được trả giá cao hơn so với giá khởi điểm. Tuy nhiên, từ cuối năm ngoái tới nay, tình hình không còn sôi động như trước. Giá trúng các lô đất chênh thấp so với giá khởi điểm, thậm chí nhiều lô còn không có người tham gia trả giá.

Đơn cử, tại Bắc Giang, trong phiên đấu giá đất tại các phường Trần Phú, Đa Mai và xã Tân Tiến, Đồng Sơn, Tân Mỹ (thuộc TP Bắc Giang) diễn ra đầu tháng 3 vừa qua có tới 40 lô không có khách trả giá. Số lô ế khách này chiếm gần 41% tổng số lô đem ra đấu giá.

Trong đó, lô có giá trúng cao nhất có diện tích hơn 141m2, trị giá gần 3,4 tỷ đồng, tăng so với giá khởi điểm khoảng 320 triệu đồng. Hầu hết lô còn lại có giá trúng dao động từ 1,1 đến 1,3 tỷ đồng, chênh lệch không nhiều so với giá khởi điểm.

Trước đó, cũng tại Bắc Giang, ngày 26/2, tại phiên đấu giá đất khu dân cư mới xã Cảnh Thụy và khu dân cư thị trấn Nham Biền (huyện Yên Dũng), có 24 lô không có khách hàng trả giá, chiếm gần 67% tổng số lô được đưa ra đấu giá.

Thị trường xẹp, đất đấu giá ở nhiều địa phương ế ẩm - 1

Đất đấu giá ở nhiều địa phương đang có ế ẩm (Ảnh minh họa: Hà Phong).

Tại Nam Định, chỉ hơn 1 năm trước, hầu hết phiên đấu giá đất đều tấp nập nhà đầu tư thì nay cũng rơi vào cảnh ế ẩm. Giá chênh thấp hơn nhiều so với giá khởi điểm. Trong tháng 3 này, Công ty Đấu giá hợp danh Xuân Trường phải phối hợp với một số đơn vị, cơ quan liên quan của huyện Hải Hậu đấu giá lại quyền sử dụng đất hàng chục lô đất tại các xã Hải Lộc, Hải Phúc, Hải Thanh, Hải Giang, Hải Sơn… do các phiên đấu giá trước chưa có người trả giá.

Tương tự, tại Hải Phòng, Trung tâm Dịch vụ đấu giá tài sản cũng đã 2 lần tổ chức đấu giá quyền sử dụng đất thuê và đấu giá tài sản công gắn liền với đất để thực hiện dự án khu du lịch, dịch vụ thương mại Vịnh trung tâm Cát Bà (huyện Cát Hải) nhưng đều không có đơn vị đăng ký tham gia.

Hay đầu năm nay, các xã An Hưng, An Hòa và Đồng Thái, huyện An Dương có 85 lô đất đấu giá thì chỉ có 15 hồ sơ đăng ký. Số lô được trả giá cao hơn giá khởi điểm không cao.

Theo đánh giá của giới chuyên gia, việc các phiên đấu giá không còn sôi động cũng phản ánh đúng thực trạng của thị trường bất động sản hiện tại. Từ giữa năm 2022, thị trường đã rơi vào trầm lắng. Sức mua giảm. Số lượng giao dịch thành công rất ít.

Bên cạnh đó, đất đấu giá ở thời điểm trước bị thổi lên cao, trong khi nhu cầu ở thực lại không có. Thanh khoản trên thị trường kém cũng là lý do nhiều nhà đầu tư không mặn mà với đất đấu giá như giai đoạn trước.

Ông Nguyễn Thế Điệp - Phó chủ tịch Câu lạc bộ Bất động sản Hà Nội - cho rằng chuyện thổi giá đất thông qua đấu giá nhằm kéo giá trong khu vực không còn mới. Không ít người tham gia đấu giá chủ yếu là đầu cơ, đầu tư kiếm lời, còn nhu cầu thực thì rất ít. "Ở giai đoạn thị trường thanh khoản kém như hiện nay việc lướt sóng bán chênh khó nên nhà đầu tư cũng không tham gia nữa. Mức giá trước kia phải gấp 2-3 lần khởi điểm mới trúng thì nay chỉ cần chênh 5-10%, ông Điệp nhấn mạnh.

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm