Thầy giáo bỏ nghề, cải tạo “vũng nước” ven nhà thành “tiểu Bali” thu chục triệu mỗi tháng

(Dân trí) - Sau 2 năm nỗ lực bền bỉ, anh Vũ Mạnh Cường (Trạm Tấu, Yên Bái) đã hiện thực hóa giấc mơ, với hành trình cải tạo vũng nước ven nhà thành "tiểu Bali" giữa lòng Tây Bắc.

Nằm cách thị trấn Trạm Tấu (Yên Bái) khoảng 2 km, suối nước khoáng nóng được mệnh danh là “tiểu Bali” phiên bản Việt thu nhỏ, với đặc trưng nổi bật là dòng nước trong, xanh vắt, bao quanh là bản làng, núi đồi và khung cảnh nên thơ.

Thầy giáo bỏ nghề, cải tạo “vũng nước” ven nhà thành “tiểu Bali” thu chục triệu mỗi tháng - 1

Nước suối khoáng nóng có màu xanh ngọc, trong vắt tạo nên một khung cảnh nên thơ, trữ tình

 Đặc biệt, nguồn nước nóng ở đây là hoàn toàn tự nhiên, nước chảy lộ thiên và trực tiếp tuôn ra từ lòng đất. Tác giả của công trình độc đáo này là anh Vũ Mạnh Cường – một thầy giáo dạy văn ở một trường học ở Yên Bái.

Thầy giáo bỏ nghề, cải tạo “vũng nước” ven nhà thành “tiểu Bali” thu chục triệu mỗi tháng - 2

Cảnh tượng lãng mạn nơi rẻo cao Tây Bắc

Anh Cường tâm sự, khu suối nóng trước khi được cải tạo chỉ là vũng nước tự nhiên, hoang sơ, trơ trọc giữa núi rừng. Nếu không được đánh thức, kiến thiết lại thì địa danh này sẽ mãi bị lãng quên. Hiểu được điều đó, người thầy giáo vùng cao quyết dốc hết vồn liếng mua lại mảnh đất có khu suối nóng của người dân về tôn tạo lại.

Thầy giáo bỏ nghề, cải tạo “vũng nước” ven nhà thành “tiểu Bali” thu chục triệu mỗi tháng - 3

Suối khoáng nóng Trạm Tấu được du khách mệnh danh là "tiểu Bali" phiên bản Việt giữa lòng Tây Bắc

“Thấy tôi ngày nào cũng hì hục, vật lộn với mảnh đất giữa núi rừng, ai cũng phản đối và bảo tôi điên. Nhưng tôi thiết nghĩ, nếu mình không làm thì ai sẽ làm” – anh nói.

Tháng 4/2017, anh Cường ngỏ lời mua lại 1.000m2 diện tích khu vực có sở hữu suối khoáng nóng của người dân. Để tiết kiệm chi phí, toàn bộ công việc từ khuân đá, xây dựng, cải tạo, tu sửa khu khoáng nóng đều do anh đích thân thực hiện. Nhiều khi cạn vốn, anh phải chạy khắp nơi vay mượn, xin khất nợ để tiếp tục hành trình mà anh gọi là giấc mơ vĩ đại.

Thầy giáo bỏ nghề, cải tạo “vũng nước” ven nhà thành “tiểu Bali” thu chục triệu mỗi tháng - 4

Sau 2 năm nỗ lực không ngừng nghỉ, anh Cường đã thành công với hành trình cải tạo vũng nước ven nhà 

“Ngày ấy, tôi có đồng nào là đổ hết vào suối khoáng nóng, cứ chắt chiu, vay mượn mà cố làm. Công sức bỏ vào đó thì nhiều lắm, tôi cũng không nhớ nổi là bao” – anh Cường nhớ lại.

Sau 2 năm nỗ lực không ngừng nghỉ, anh Cường đã thành công với hành trình cải tạo vũng nước ven nhà thành “tiểu Bali” giữa lòng Tây Bắc.

Thầy giáo bỏ nghề, cải tạo “vũng nước” ven nhà thành “tiểu Bali” thu chục triệu mỗi tháng - 5

Anh Cường cho biết, trung bình mỗi tháng anh đón 700 - 1.000 lượt khách đến tham quan.

Khu suối khoáng nóng gồm 4 bể bơi, phòng nghỉ dạng bungalow, dịch vụ chăm sóc sức khỏe và nhà hàng.

Đặc biệt, khu bể bơi sử dụng nguồn nước khoáng hoàn toàn tự nhiên với 4 cấp độ nước từ khoáng lạnh, khoáng nóng, khoáng nóng già, khoáng tắm. Hiện nay, anh còn mở rộng thêm diện tích lên đến 40.000 m2 để phục vụ du khách.

“Khách đến nhà tôi 90% là dân Hà Nội, họ rất khoái chỗ này, bởi đây là chốn có thể rời xa khói bụi, ồn ào, tấp nập nơi thị thành để hòa mình với thiên nhiên”- anh tâm sự.

Anh Cường cho biết, trung bình mỗi tháng anh đón 700 - 1.000 lượt khách đến tham quan. Giá vé vào cửa là 50.000 đồng/lượt/người, đối với khách lưu trú sẽ có thêm tiền phòng.

Thầy giáo bỏ nghề, cải tạo “vũng nước” ven nhà thành “tiểu Bali” thu chục triệu mỗi tháng - 6

Toàn bộ công việc từ khuân đá, xây dựng, cải tạo, tu sửa khu khoáng nóng đều do anh Cường đích thân thực hiện.

Vào dịp nghỉ lễ, cuối tuần, các phòng đều kín chỗ, khách ở các nơi nườm nượp kéo về nơi bản làng Tây Bắc để nghỉ dưỡng và chiêm ngưỡng cảnh quan.

Nhằm phát triển và mở rộng mô hình, tháng 8/2019, anh Cường chính thức từ bỏ công việc giáo viên dạy học. Với anh, việc xây dựng mô hình du lịch mới tại chính quê hương vừa là trách nhiệm vừa là tâm nguyện cả đời của người con Tây Bắc.

 “Tôi không muốn một địa danh đẹp như quê mình bị lãng quên, tôi muốn sau này, mỗi khi nhắc đến, ai cũng biết đến Trạm Tấu”- anh nói.

Chủ nhân suối khoảng nóng chia sẻ, anh dự định sẽ tiếp tục cải tạo nơi đây thành điểm du lịch xanh, thân thiện với môi trường, là bến đỗ an nhiên dừng sau tiếng còi xe, sự tấp nập và khói bụi nơi thị thành.

An Chi

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm