Để có đô thị chuẩn “xanh”, Việt Nam cần làm gì?
(Dân trí) - Các chuyên gia trong nước cho rằng, Việt Nam hoàn toàn có thể xây dựng được các đô thị xanh, tuy nhiên, lúc nào xuất hiện thì còn phụ thuộc vào nhiều yếu tố.
Trong vài năm trở lại đây, ô nhiễm môi trường đang trở thành vấn nạn tại các thành phố lớn như Hà Nội và TP.HCM.
Ngay trong năm 2019, người dân Hà Nội bị “sốc” khi chứng kiến 2 sự kiện khủng hoảng về môi trường là ô nhiễm không khí và sự cố nhiễm dầu thải sông Đà.
Hơn lúc nào hết, không chỉ người dân sống tại Hà Nội, mà tất cả mọi người đều muốn được sống trong một đô thị xanh với không khí trong lành, chất lượng cuộc sống được đảm bảo.
Việt Nam có thể phát triển đô thị xanh hay không?
Định nghĩa về đô thị xanh còn khá mơ hồ với mọi người. Nhiều người đang lầm tưởng, chữ “xanh” là ám chỉ cây cối. Tức là, chỉ cần sống trong môi trường thật nhiều cây xanh, trồng thật nhiều cây cối, thì đó là đô thị xanh. Điều này đúng nhưng chưa đủ
Thực tế, một đô thị xanh là sự đồng bộ của 2 yếu tố môi trường xanh và xã hội xanh.
Trả lời phóng viên báo Dân trí, PGS.TS Bùi Thị An, nguyên ĐBQH khóa 13, Viện trưởng Viện Tài nguyên môi trường và phát triển cộng đồng, Chủ tịch Hội hóa học Hà Nội cho rằng, nếu dựa vào các tiêu chí trên, Việt Nam chưa có đô thị nào có thể gọi là “xanh”, nhưng hoàn toàn có thể xây dựng được trong thời gian tới.
“Để nói Việt Nam có xây dựng được đô thị xanh không. Tôi cho rằng làm được, nhưng lúc nào xuất hiện đô thị xanh thì còn phụ thuộc vào nhiều yếu tố cần được giải quyết”.
Bà An cho rằng, ở các đô thị lớn như Hà Nội và TP.HCM để đạt chuẩn là đô thị xanh thì khó, nhưng không phải là không làm được. Trong khi đó, các đô thị khác nhỏ và mới được quy hoạch, việc đạt chuẩn xanh sẽ đơn giản hơn.
Bởi vì, Hà Nội và TP.HCM đang bị quá tải về dân số. Dưới áp lực của đô thị hóa, hai thành phố lớn nhất Việt Nam đang gặp phải rất nhiều vấn đề về ô nhiễm môi trường như ô nhiễm không khí khói bụi, nguồn nước không đảm bảo, rác thải không qua xử lý, giao thông luôn trong tình trạng tắc nghẽn,...
“Nếu tính các khách vãng lai, thì trong nội đô Hà Nội đang quá tải với 10 triệu người đang cùng thở. Mật độ như vậy là quá cao, riêng điều đó đã không thể gọi là xanh”, PGS.TS Bùi Thị An cho biết.
Dưới áp lực của việc đô thị hóa quá, quỹ đất trong nội đô Hà Nội hoặc TP.HCM đang cạn kiệt theo thời gian.
Mặc dù vậy, thay vì phát triển các công trình mang tính cộng đồng như công viên, khu vui chơi giải trí,... thì chung cư cao tầng xây mới lại chiếm tỷ lệ áp đảo. Điều này là quy luật tất yếu, nhưng hệ quả là làm mất đi sự cân bằng sinh thái.
Làm thế nào để xây dựng được các đô thị xanh?
Theo gợi ý của PGS.TS Bùi Thị An, để tạo ra sự cân bằng giữa tốc độ đô thị hóa và không gian sống, chủ đầu tư có thể phủ xanh chung cư, biến khối bê-tông xấu xí thành các công trình xanh.
Để phủ xanh công trình, chủ đầu tư có rất nhiều phương án lựa chọn, ví dụ từ nguyên vật liệu xây dựng công trình phải “xanh”, có thể dùng nguyên, vật liệu tái chế; đẩy mạnh việc trồng cây trong chung cư. Đặc biệt, chủ đầu tư nên phát triển nguồn năng lượng tái tạo, thay thế cho nguồn năng lượng đang gây ô nhiễm hiện nay.
PGS.TS Bùi Thị An cho rằng, các thành phần kinh tế phải có trách nhiệm cùng nhau xây dựng đô thị xanh. Để làm được điều này bắt buộc phải xã hội hóa.
Tức là, các nhà quản lý phải xã hội hóa, để mọi thành phần kinh tế cả tư, lẫn công cùng tham gia vào xây dựng đô thị xanh.
“Nếu chúng ta có ý thức, biết tổ chức và xây dựng ngay từ đầu thì không tốn kém lắm. Nhưng bây giờ, môi trường bị ô nhiễm, chi phí cải tạo tốn kém hơn nhiều”, PGS.TS Bùi Thị An nói.
Theo bà An, để làm được điều đó thì bắt buộc, cơ quan quản lý phải có cơ chế ưu đãi nào đó cho các thành phần kinh tế tư nhân có động lực hưởng ứng vào việc xây dựng đô thị xanh.
Theo bà Bùi Thị An, người dân và người làm công tác quản lý phải cùng nhau xây dựng đô thị xanh. Đối với người dân, trước hết phải có ý thức bảo vệ môi trường từ hành động nhỏ nhất như không vứt rác bừa bãi,...
Trong khi đó, người làm công tác quản lý phải thay đổi tư duy để tạo ra một thành phố xanh.
Có cùng quan điểm trên, ông Nguyễn Xuân Hải, thành viên cố vấn Tổng hội Xây dựng cho rằng yếu tố quyết định để xây dựng một đô thị xanh chính là con người.
“Nếu con người vẫn có tư duy nhiệm kỳ, lợi ích nhóm, lợi ích của nhà đầu tư, tầm nhìn hạn hẹp, không vì lợi ích của thế hệ mai sau thì sẽ không thể xây dựng được đô thị xanh”, ông Hải nói.
Để giải quyết vấn đề này, ông Hải mong muốn tất cả mọi người phải là “con người xanh”:
“Con người xanh là cơ quan quản lý Nhà nước, các kiến trúc sư, các nhà quy hoạch đô thị, các chủ đầu tư và cả người dân. Mọi người phải đồng lòng mới tạo ra được đô thị xanh”, ông Hải nói
Việt Vũ