Tầng hầm nhà liền kề triệu đô "ngụp" sâu trong nước sau mưa lớn
(Dân trí) - Nằm tại khu đô thị mới được quy hoạch đồng bộ, nhưng nhiều căn nhà liền kề mặt đường Lê Trọng Tấn (Hoài Đức, Hà Nội) thường xuyên bị ngập nước sau các trận mưa lớn, cá biệt như trận mưa sáng 28/9.
Mưa lớn sáng 28/9 đã khiến nhiều khu đô thị phía tây Hà Nội xảy ra tình trạng ngập úng.
Ghi nhận của phóng viên Dân trí vào sáng nay (sau khoảng 1 ngày Hà Nội xảy ra mưa lớn) nhiều căn liền kề mặt đường Lê Trọng Tấn thuộc khu đô thị Geleximco Lê Trọng Tấn, xã An Khánh, huyện Hoài Đức vẫn trong tình trạng tầng hầm bị ngập nước sâu. Trên thị trường, giá trị những căn liền kề này có giá tới hàng chục tỷ đồng.
Thực tế, nhiều năm qua, tình trạng ngập úng sau mưa lớn đã liên tục xảy ra, nhưng chưa có hướng khắc phục triệt để. Thực trạng ngập úng này khiến cuộc sống người dân bị đảo lộn.
Tình trạng ngập úng thường xảy ra xung quanh khu đô thị Nam An Khánh, khu đô thị Bảo Sơn. Đáng chú ý, khu vực trước cổng khu đô thị Nam An Khánh Sudico, khu đô thị Geleximco, khu đường gom Láng Hòa Lạc... thường có mức độ ngập úng sâu.
Theo anh Trần Văn Hướng - một cư dân sống tại khu đô thị Nam An Khánh - từ khi chuyển về sinh sống tại Khu đô thị An Khánh, năm nào anh cũng phải đối mặt với tình trạng ngập úng.
Theo anh Hướng, do hệ thống thoát nước của cả khu vực Nam An Khánh này chưa tốt, cứ xảy ra mưa lớn, nước dồn về lại gây ngập úng.
"Chỉ cần một trận mưa lớn như hôm qua, nước ngập ở nhiều tuyến đường giao thông và tràn vào tầng hầm những căn liền kề. Chủ nhà nào nhanh thì cũng mới chuyển được ô tô, xe máy lên. Dù chủ nhà đã dùng máy bơm để hút hết nước ra khỏi tầng hầm, nhưng đồ đạc bên trong đa phần sẽ bị hư hỏng và không thể sử dụng", anh Hướng nói thêm.
Cũng theo chị Phạm Thị Hạnh - một người dân sống tại khu đô thị Geleximco Lê Trọng Tấn - gia đình chị chuyển về đây ở từ năm 2019, nhưng đã chứng kiến nhiều vụ ngập úng. Việc khắc phục sau ngập úng phải mất 2-3 ngày, bên cạnh đó luôn thường trực nguy cơ ngập úng khác.
"Người dân đi lại khó khăn khi xảy ra ngập úng. Bên cạnh đó, không ít chủ nhà liền kề mặt đường Lê Trọng Tấn còn thiệt hại cả về tài sản khi nước ngập vào tầng hầm và ảnh hưởng tới hoạt động kinh doanh, sinh hoạt", chị Hạnh chia sẻ.
Theo nhận định của các chuyên gia lĩnh vực quy hoạch - đô thị về tình trạng ngập úng tại các khu đô thị phía Tây Hà Nội, nguyên nhân của tình trạng này là việc phát triển đô thị tùy tiện, chưa quan tâm đúng mức tới hệ thống hạ tầng kỹ thuật.
Chia sẻ về vấn đề này, KTS Phạm Thanh Tùng - Hội Kiến trúc sư Việt Nam - nhấn mạnh, thứ nhất, quy hoạch nào cũng có cốt nền khu vực, nhưng khi thực hiện, điều này chưa được quan tâm.
Thứ hai, khi xây dựng, chủ đầu tư phải làm hệ thống cấp - thoát nước, xác định lượng nước thải một ngày, tính toán lượng nước mưa. Trừ các khu đô thị xen kẽ trong nội đô, hầu hết các khu đô thị mới đều có đặc điểm là đất ruộng.
Do vậy, theo ông Tùng, việc xác định cốt nền, tính toán xây dựng hạ tầng kỹ thuật phải được làm trước, phải có sự giám sát chặt chẽ của cơ quan chuyên môn, rồi sau đó mới cho xây dựng nhà. Các chủ đầu tư chỉ quan tâm đến việc làm sao bán nhà thật nhanh. Thậm chí, việc giám sát thiếu chặt chẽ, nên việc các khu đô thị bị ngập thời gian qua là tất yếu.