Sốt đất Long Thành: Thiếu thông tin, thừa lòng tham
Đất Long Thành vẫn sốt và tăng giá từng ngày bất chấp thị trường chung lao đao do dịch bệnh dù lượng giao dịch thực tế không tăng.
Thực trạng này đang đặt ra lo ngại bong bóng “nổ” và nhà đầu tư nhỏ lẻ, tay ngang sẽ... thi nhau “chết”.
Theo khảo sát mặt bằng giá đất tại khu vực Long Thành đang được các nhà môi giới BĐS thông tin cho khách hiện thấp nhất cũng ở mức 15 - 16 triệu đồng/m2 đối với vị trí nằm trong hẻm nhỏ. Tại các vị trí dự án, cạnh đường (lộ) lớn, dù mới đang xin cấp sổ nhưng nhưng cũng đã được chào bán ở mức 20 - 25 triệu đồng.
Tăng giá “có chủ ý”
Theo quảng cáo của một số “sàn” (mà theo tìm hiểu của PV thì hầu hết chỉ là các trung tâm môi giới BĐS mới mở ra từ khi có cơn sóng sốt đất) thì giá đất tại đây có tăng một cách rất có “có lộ trình”. Trong 2 năm 2018-2019, giá đất khu vực gần dự án sân bay Long Thành tăng hơn 35%. Đặc biệt, giá nhà đất tại các khu vực phụ cận phía Nam sân bay để phát triển dịch vụ như Bàu Cạn, Tân Hiệp... liên tục "đua top" tăng giá trong thời gian ngắn.
Từ thời điểm cuối năm 2019 đến nay, bất chất tình hình dịch bệnh Covid-19 nhưng giá BĐS tại đây vẫn tăng. So với thời điểm trước Tết Nguyên đán 2020, giá bán trên thị trường thứ cấp của các dự án đất nền đã tăng ít nhất 15%, có một số dự án tăng đến 20% mặc dù giao dịch không mấy nhộn nhịp.
Trong quý 2/2020, mặc dù lượng giao dịch ít nhưng giá đất tại khu vực Long Thành vẫn tiếp tục tăng lên theo thông tin sân bay Long Thành sắp khởi công. Giá đất ở một số khu vực chạm mốc 30 - 40 triệu đồng/m2, ngang ngửa với khu vực ven TP HCM.
Ông Thái Phạm, chuyên gia phân tích thị trường BĐS nhận định, những cơn sóng tăng giá dồn dập vừa qua được hậu thuẫn bởi những thông tin mà giới “cò” đất vẽ ra như gộp Long Thành về TP HCM, sẽ xây dựng khu văn phòng tòa nhà Quốc Hội phía Nam quy mô 42ha, KCN Long Đức mở rộng 292ha, Đại học Giao thông Vận tải 28ha, Đại học An Ninh 23ha, Đại học Kinh tế Kỹ thuật Phương Nam 25ha tại Long Thành để quảng cáo cho khách hàng… đây đều là những thông tin “đồn thổi”.
Từ phía chính quyền địa phương, ông Cao Tiến Dũng - Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Nai khẳng định: Thông tin sát nhập các huyện của tỉnh Đồng Nai trong đó có sân bay Long Thành vào TP HCM, UBND tỉnh Đồng Nai khẳng định là không có thực. Trong đó, đích cuối cùng được các đối tượng này nhắm tới chính là huyện Long Thành, với dự án sân bay quốc tế Long Thành đang gấp rút triển khai để lợi dụng “thổi giá đất”, làm “méo mó” bản chất sự việc là rất đáng lưu ý.
Đừng chết vì thiếu hiểu biết
Trên thế giới và ngay cả trong khu vực, nhìn sang các sân bay quốc tế như Suvarnabhumi; Phuket (Thái Lan), Changzi (Singapore), Thượng Hải (TQ), Đào Viên (Đài Loan)... thì quanh khu vực sân bay, trong bán kính khoảng khoảng 10km hầu như không hoặc rất ít có nhà cửa hoặc đô thị mọc lên.
Do đó, câu chuyện tăng giá BĐS xung quanh khu vực sân bay là rất ảo, ví dụ như Long Hưng đất lên 24 triệu đồng/m2 là điều vô lý, thậm chí có những nơi bán 26-27 triệu đồng/m2, đó là điều không có cơ sở.
Theo phân tích của ông Thái Phạm thì câu chuyện tăng giá đất Long Thành và vùng ven hiện nay gần như có thể nói là kết quả của hàng loạt động thái “bơm thổi” của giới “cò” đất, tạo giao dịch ảo, khan hiếm giả để kích thích vào lòng tham của các nhà đầu cơ.
Ông Nguyễn Văn Đính - Phó Chủ tịch Thường trực, Tổng Thư ký Hội Môi giới Bất động sản Việt Nam khẳng định: Giá đất nền ở nhiều khu vực đang bị đầu nậu "thổi giá" tăng cao bất thường so với giá trị thực tế của lô đất, dẫn đến nhiều rủi ro đang tiềm ẩn với các nhà đầu tư. Bên cạnh đó, việc sốt đất cũng dẫn tới khó khăn cho cơ quan quản lý nhà nước trong việc quản lý thị trường, quy hoạch, đền bù.
Theo đó, về phía Chính quyền cần sớm có những biện pháp kiểm soát hoạt động mua bán, các sàn giao dịch, các nhà môi giới không chuyên cũng như cần phải đẩy mạnh công bố những thông tin quy hoạch dự án, thông tin giá thị trường sẽ giúp ngăn chặn được việc đầu cơ giá đất.
Theo Lê Sáng
Diễn đàn Doanh nghiệp