“Sống xanh” - xu hướng hòa mình với thiên nhiên tưởng khó mà dễ
(Dân trí) - Sống xanh không hề khó, cái khó nhất là khi bạn bắt đầu nghĩ tới nó và bắt tay vào thực hiện.
Sống xanh là lối sống cân bằng giữa bảo tồn, gìn giữ nguồn tài nguyên thiên nhiên và các giá trị văn hóa.
Hiểu đơn giản, sống xanh là lối sống thân thiện với môi trường, hài hòa với thiên nhiên, đáp ứng được nhu cầu sống hiện tại mà không ảnh đến thế hệ tương lai. Sống xanh còn đảm bảo gây ra ít tác động nhất với môi trường.
Nhiều người cho rằng, sống xanh là phải làm một điều gì đó to tát bằng các chiến dịch có sự tham gia của cả cộng đồng. Tuy nhiên, sống xanh bắt nguồn từ những việc làm đơn giản của từng cá nhân trong cuộc sống hàng ngày.
Tiết kiệm nước
Thiếu nước đang là một vấn đề lớn trên toàn thế giới, sự việc càng trở nên nghiêm trọng khi con người đang làm ô nhiễm nguồn nước ngọt ít ỏi còn lại. Vì thế tiết kiệm nước là điều cần thiết ngay cả ở những nơi có nguồn nước dồi dào.
Bạn nên rèn luyện những thói quen bảo vệ nước như: kiểm tra và sửa các vòi nước rò rỉ, không xả nước mạnh khi đánh răng, nấu nướng và tắm gội... Bên cạnh đó, khi xây nhà hãy sử dụng các thiết bị vệ sinh đời mới có chức năng tiết kiệm nước.
Hạn chế phương tiện cá nhân
Khi ra ngoài, nếu không quá vội vã, bạn hãy đi bộ, đi xe đạp hoặc các phương tiện công cộng.
Điều này không chỉ giúp bạn tiết kiệm năng lượng, giảm khí thải mà còn hạn chế chi tiêu đáng kể. Ngoài ra đi các phương tiện công cộng cũng góp phần làm giảm ùn tắc giao thông trong giờ cao điểm.
Nếu cần thiết phải sử dụng phương tiện cá nhân, bạn hãy ưu tiên sử dụng các loại xe điện. Hiện nay các loại xe điện có giá cả rất phải chăng và quan trọng chúng không gây hại cho môi trường.
Phân loại rác
Phân loại rác thải đóng vai trò quan trọng trong việc quản lý chất thải, làm giảm thiểu nguy cơ phát tán các tác nhân gây bệnh, các yếu tố độc hại, nguy hiểm. Phân loại đúng còn giúp tiết kiệm tài nguyên, giảm chi phí thu gom và xử lý rác thải.
Mô hình phân loại rác bạn cần biết:
Rác hữu cơ: Là các loại rác thực phẩm sau khi bạn chế biến đồ ăn như rau, củ, quả… Các loại rác này vẫn có thể được chế biến thành phân hữu cơ, vì vậy bạn có thể phân loại riêng trước khi bỏ chúng vào thùng rác.
Rác vô cơ: Là các loại rác như sành sứ, gạch, xỉ than, nilong, gỗ… Đây là những lọai rác không thể sử dụng được nữa cũng không thể tái chế được mà chỉ có thể mang ra khu chôn lấp rác thải. Chính vì vậy, để chung tay bảo vệ môi trường bạn nên hạn chế sử dụng các loại rác này.
Rác tái chế: Là các loại rác như giấy, kim loại, vỏ hộp… Chúng sau khi được thu gom sẽ được vận chuyển đến các làng nghề để tái chế thành các loại sản phẩm mới. Vì vậy, khi dùng xong một chai nước mắm hay chai dầu ăn bạn đừng tiện tay vứt nó vào thùng rác, hãy gom lại để bán đồng nát vừa giúp có thêm thu nhập lại vừa bảo vệ môi trường
Trồng cây
Cây xanh giúp không khí trong lành hơn bằng cách hấp thụ các khí độc hại như NO2, CO2, CO,… Theo một số nghiên cứu cho thấy cây xanh có thể hấp thụ tới khoảng 6% các loại khí độc, không những thế nó còn giúp loại bỏ bụi bẩn, đồng thời thải ra O2 khi quang hợp, rất có lợi cho quá trình hô hấp của con người.
Mỗi cây xanh được trồng sẽ là một cam kết về hành động cụ thể nhằm chống lại biến đổi khí hậu cũng như xây dựng lối sống xanh, sạch, đẹp.
Hạn chế đồ nhựa
Mỗi lần đi chợ, siêu thị, cửa hàng tạp hóa, chúng ta có thể mang về hàng chục túi nilon miễn phí. Tuy nhiên, toàn bộ sẽ thải ra môi trường và trở thành rác vì không thể tái sử dụng. Hơn nữa, loại túi này mất khoảng 500 năm để phân hủy nên đem lại những tác hại kinh khủng với môi trường xung quanh.
Trong khi đó, một số loại túi vải hoặc chế tạo từ nguyên liệu thiên nhiên có thể tái sử dụng, độ bền cao và ít tạo ra rác thải hơn. Hiện nay trào lưu hạn chế đồ nhựa, hướng tới mục tiêu sống không rác thải bằng cách mang theo túi và cốc có sẵn khi mua hàng đang được rất nhiều bạn trẻ ủng hộ.
Sử dụng đồ tái chế
Trung bình mỗi năm có 8 triệu tấn rác thải nhựa được thải ra đại dương. Các chuyên gia cảnh báo, nếu con người không thay đổi thói quen sử dụng đồ nhựa, đến năm 2050, các đại dương của chúng ta sẽ nhiều nhựa hơn cá. Theo nghiên cứu, thời gian để một chai nhựa phân huỷ hoàn toàn kéo dài từ 70 - 450 năm.
Bảo vệ môi trường là điều rất quan trọng trong cuộc sống, trong đó sử dụng đồ tái chế, tận dụng những chai nhựa đã qua sử dụng là một trong những cách vô cùng hiệu quả và hữu ích.
Vận động người khác cùng "sống xanh"
Thuyết phục những người xung quanh mình sống xanh hơn, cùng tham gia những hoạt động tuyên truyền vì một môi trường xanh - sạch - đẹp. Hãy nhớ là chăm sóc trái đất, bảo vệ môi trường không chỉ là trách nhiệm mà còn là đặc ân dành cho chúng ta.
Chỉ mất ít thời gian, điều chỉnh thói quen một chút nhưng bạn có thể tạo nên những sự khác biệt lớn.
Thương Minh
Tổng hợp