1. Dòng sự kiện:
  2. Chuyển động bất động sản 2024

Sau Hà Nội và TPHCM, Gamuda Land tiến đến chinh phục các đô thị vệ tinh

Trường Thịnh

(Dân trí) - Sau gần 15 năm thâm nhập thị trường bất động sản với tổng quỹ đất phát triển hơn 350 ha ở 2 đại đô thị tại Hà Nội và TPHCM, Gamuda Land - chủ đầu tư tên tuổi từ Malaysia - bắt đầu phát triển sang các khu vực vệ tinh.

Sau Hà Nội và TPHCM, Gamuda Land tiến đến chinh phục các đô thị vệ tinh - 1

Gamuda City - khu đô thị sinh thái hiện đại, quy mô được Gamuda Land đầu tư bài bản tại Hà Nội (Ảnh: Gamuda Land).

Trong quá trình hình thành những khu đô thị mới, hiện đại với quy hoạch bài bản theo tiêu chuẩn quốc tế những năm gần đây tại Việt Nam, các nhà phát triển bất động sản nước ngoài đóng vai trò quan trọng. Trong đó tiêu biểu là Gamuda Land, nhánh phát triển bất động sản thuộc Gamuda Berhad - một trong những tập đoàn hàng đầu Đông Nam Á về phát triển cơ sở hạ tầng và khu đô thị - có dự án trải rộng khắp khu vực và còn vươn xa đến Anh, Australia và khu vực Trung Đông.

Biến những vùng lau sậy thành khu đô thị sinh thái

Bước chân vào thị trường Việt Nam từ năm 2007, Gamuda Land đã đầu tư 2 dự án lớn là Gamuda City rộng 274 ha tại quận Hoàng Mai, Hà Nội và Celadon City rộng 82 ha tại quận Tân Phú, TPHCM. Đây là 2 dự án ấn tượng với tầm nhìn kiến tạo đô thị sinh thái cho cư dân với tỷ lệ không gian xanh cao và hệ thống tiện ích sinh hoạt toàn diện, từ đó hình thành nên các đô thị vệ tinh kéo giãn dân cư, góp phần đảm bảo quy hoạch bền vững cho các thành phố lớn của Việt Nam.

Tiền thân của các dự án này đều là những vùng đồng không mông quạnh, bị lãng quên và lạc lõng ở khu vực ngoại ô, đìu hiu những mái nhà liêu xiêu của người dân lao động nghèo tiếp giáp với chốn phố thị phồn hoa. Những vùng đất dường như không có tiềm năng và hiển nhiên là không hề hấp dẫn đối với các chủ đầu tư dự án. Tuy nhiên, với chiến lược "tạo lập địa điểm" (place-making), sau hơn một thập kỷ, Gamuda Land đã biến những khu vực này trở các khu đô thị sinh thái theo chuẩn quốc tế, một môi trường phát triển hài hòa cho con người và thiên nhiên. Nhà kiến tạo đô thị đến từ Malaysia đã đánh thức tiềm năng của các khu vực này, đón đầu sự phát triển nhanh chóng của tiến trình đô thị hóa và nhu cầu nhà ở tăng như vũ bão của người dân.

Sau Hà Nội và TPHCM, Gamuda Land tiến đến chinh phục các đô thị vệ tinh - 2
Celadon City - khu đô thị sinh thái hiện đại, quy mô được Gamuda Land đầu tư bài bản tại TPHCM (Ảnh: Gamuda Land).

Nhờ triết lý kiến tạo đô thị độc đáo này, Gamuda City và Celadon City ngày nay không chỉ là những "lá phổi xanh" trong lành của Hà Nội và TPHCM, mà còn trở thành những đô thị vệ tinh sầm uất, có giá trị tăng trưởng cao. Theo khảo sát do Gamuda Land thực hiện, giá bất động sản tại Gamuda City đã có sự tăng trưởng mạnh mẽ, đang ở mức 50-60 triệu đồng/m2, tăng gấp 5 lần so với thời điểm 2007; và với mức 30-40 triệu đồng/m2, giá căn hộ tại Celadon City đã tăng gấp 3 lần. Điều ấn tượng tại 2 dự án này là tỷ lệ hấp thụ của mỗi đợt ra mắt sản phẩm mới đều đạt mức 100%. 

Với những thành công đó, Gamuda Land hiện được ghi nhận là một trong Top 5 Nhà phát triển bất động sản nước ngoài hàng đầu Việt Nam. Tiếp nối những thành tựu đã đạt được và để củng cố vị thế doanh nghiệp, Gamuda Land cho biết sẽ mở rộng quy mô kinh doanh tại Việt Nam với chiến lược phát triển dài hạn đầy tham vọng.

Ông Angus Liew - Chủ tịch Hội đồng thành viên Gamuda Land Việt Nam chia sẻ: "Từ lâu, Gamuda Land đã xem Việt Nam là ngôi nhà thứ 2 của mình, bên cạnh quê hương Malaysia. Với cam kết phát triển bền vững tại đất nước tươi đẹp này, Gamuda Land còn có nhiều kế hoạch tham vọng hơn nữa tại Việt Nam sẽ sớm được triển khai trong những năm tới".

Việt Nam đang là thị trường lớn thứ 2 của ông lớn bất động sản Malaysia, theo báo cáo tài chính do doanh nghiệp công bố. Dù gặp nhiều khó khăn vì đại dịch Covid-19 nhưng trong năm 2021, thị trường Việt Nam vẫn mang về khoản doanh thu hơn 5.640 tỷ đồng cho tổng công ty, chiếm đến 75% tổng doanh thu từ thị trường nước ngoài của Gamuda Land.

Hướng đến các khu vực vệ tinh

Vị lãnh đạo doanh nghiệp bất động sản Malaysia đánh giá Việt Nam là một trong những thị trường có tiềm năng phát triển bậc nhất khu vực ở thời điểm hiện tại, bất chấp những ảnh hưởng nghiêm trọng của đại dịch vừa qua và các biến động kinh tế - chính trị trên thế giới. Trong bối cảnh Chính phủ Việt Nam đang đẩy mạnh vốn đầu tư cho các dự án hạ tầng kết nối như loạt dự án hạ tầng giao thông ở TPHCM, điều này sẽ giúp các khu vực giáp ranh trở thành điểm đến mới hấp dẫn đối với các chủ đầu tư. 

Chia sẻ về chiến lược mở rộng quỹ đất trong thời gian tới, ông Angus Liew cho biết Gamuda Land sẵn sàng hợp tác với các doanh nghiệp khác cả trong nước và nước ngoài, bằng những hình thức M&A, liên doanh, chuyển nhượng hay đấu thầu… tùy vào tình hình thực tế của dự án nhắm đến. Ông chia sẻ thêm công ty mình đang để mắt đến những khu vực có cơ sở hạ tầng kết nối tiềm năng và có điều kiện kinh tế - xã hội phát triển như Bình Dương, Đồng Nai, Long An.... 

Trong đó, Bình Dương được đánh giá là điểm đến tiềm năng nhất và sẽ được ưu tiên cân nhắc do đây là khu vực hứa hẹn. Chủ tịch Gamuda Land Việt Nam còn tiết lộ một thông tin thú vị đó là doanh nghiệp sẽ sớm công bố ra thị trường dự án mới của mình ở khu vực thành phố mới Bình Dương (thuộc TP Thủ Dầu Một) ngay trong năm nay.

Sau Hà Nội và TPHCM, Gamuda Land tiến đến chinh phục các đô thị vệ tinh - 3
Bình Dương - một trong những thị trường đầy hứa hẹn, thu hút các nhà đầu tư bất động sản trong thời gian tới. Trong ảnh là 1 dự án ở Bình Dương (Ảnh: Shutterstock).

Số liệu của Savills Việt Nam cho thấy trong năm 2021, nguồn cung căn hộ sơ cấp của Bình Dương cao hơn TPHCM 5% và lượng giao dịch nhiều hơn TPHCM 42%. Nguồn cung căn hộ tương lai dự kiến đến năm 2024 tại Bình Dương ước tính lên đến 48.000 căn, trong đó Thuận An và Dĩ An chiếm đến 83% thị phần. Với quy mô dân số lớn, tốc độ đô thị hóa cao đi kèm sự tăng trưởng nhanh tầng lớp trung lưu ở khu vực TPHCM và phụ cận, phân khúc bất động sản nhà ở sẽ tiếp tục là điểm sáng, phân khúc tiềm năng cho các nhà đầu tư cá nhân.