Sanno Matsuri - Lễ hội thần đạo Shinto lớn nhất Edo

Minh  Hằng

(Dân trí) - Sanno cùng với Kanda và Fukagawa Hachiman mệnh danh là "tam đại lễ hội Edo", được tổ chức vô cùng hoành tráng và sôi động.

Tokyo, thủ đô của Nhật Bản ngày nay, khi xưa được gọi là Edo. Những người sống lâu đời ở Edo được gọi là "Edokko", họ ưa thích sự sặc sỡ và nhộn nhịp, hay nói cách khác, họ rất thích những lễ hội, tiếng Nhật gọi là "matsuri". Cho đến tận bây giờ, rất nhiều matsuri vẫn được tổ chức ở Tokyo. 

Sanno Matsuri - Lễ hội thần đạo Shinto lớn nhất Edo - 1
Lễ hội Sanno thời Edo được tái hiện qua tranh ảnh. Nguồn ảnh: Library Tokyo

Trong đó, Sanno cùng với Kanda và Fukagawa Hachiman mệnh danh là "tam đại lễ hội Edo", được tổ chức vô cùng hoành tráng và sôi động. Trong khi Fukagawa Hachiman của đền Tomioka Hachimangu tổ chức thường niên thì lễ hội Kanda Matsuri của đền Kanda Myojin diễn ra vào các năm lẻ và Sanno được tổ chức vào năm chẵn luân phiên nhau.

Ra đời từ thế kỷ 17, Sanno là lễ hội của thần đạo Shinto để tưởng nhớ tới công lao của vị thần bảo hộ thành phố này. Lễ hội được tổ chức tại đền Hie. Người ta bảo rằng ngôi đền Hie này đã tồn tại từ thế kỷ 14. Về sau, khi Tokugawa Ieyasu lập nên Mạc phủ Edo, đền Hie đã thành nơi thờ vị thần bảo hộ cho thành Edo và gia tộc Tokugawa, từ đó trở thành một trong những ngôi đền quan trọng của Nhật Bản.

Sanno Matsuri - Lễ hội thần đạo Shinto lớn nhất Edo - 2
Bên trong đền Hie. Nguồn ảnh: Pinterest

Lễ hội Sanno diễn ra vào giữa tháng 6 trong suốt hơn một tuần lễ, từ ngày 7 đến ngày 17. Sanno hội tụ nhiều sự kiện với hoạt động nổi bật nhất là buổi lễ diễu hành quy mô hoành tráng diễn ra vào một ngày cuối tuần trong thời gian diễn ra lễ hội. Nghi lễ diễu hành này có quy mô toàn thành phố, ngay cả giao thông cũng tạm dừng hoạt động cho sự kiện này. 

Sanno Matsuri - Lễ hội thần đạo Shinto lớn nhất Edo - 3
Lễ hội Sanno diễn ra vào giữa tháng 6. Nguồn ảnh: Matsuri

Đoàn diễu hành của Sanno có sự tham gia của khoảng 300 người. Họ khoác lên mình những bộ trang phục truyền thống từ thời Edo, mang theo đền thờ di động mikoshi được trang hoàng lộng lẫy và bắt đầu cuộc diễu hành gần 20km trong suốt hơn 10 giờ đồng hồ. Trong quan niệm của người Nhật, mikoshi là để chở linh hồn các Shinto. Lễ hội là dịp để người dân Nhật Bản tưởng nhớ công lao của thần đạo Shinto.

Sanno Matsuri - Lễ hội thần đạo Shinto lớn nhất Edo - 4
Đoàn diễu hành của Sanno có sự tham gia của khoảng 300 người. Nguồn ảnh: YouTube
Sanno Matsuri - Lễ hội thần đạo Shinto lớn nhất Edo - 5

Người diễu hành trong trang phục truyền thống từ thời Edo. Nguồn ảnh: Fantastic places in cool Japan

Đám rước rời đền Hie, nơi thờ thần đạo Shinto để diễu hành khắp quận Chiyoda của Tokyo, sau đó dừng lại tại Cung điện Hoàng gia Tokyo vào đúng giữa trưa để các chủ lễ vào hoàng cung cầu nguyện cho hoàng đế và hoàng gia. Sau đó trở về đền Hie trước 5 giờ chiều.

Sanno Matsuri - Lễ hội thần đạo Shinto lớn nhất Edo - 6

Đoàn diễu hành kiệu theo mikoshi chở linh hồn các Shinto. Nguồn ảnh: Japan Today

Mặc dù quy mô của lễ diễu hành đã giảm dần trong những năm gần đây nhằm tránh làm gián đoạn giao thông thành phố nhưng đối với người dân Nhật Bản, ý nghĩa truyền thống của nó vẫn vẹn nguyên không hề thay đổi. Khoảng giữa năm 1871 đến 1946, đền Hie là một trong những ngôi đền chính thức được xếp hạng hàng đầu trong cả nước.

Sanno Matsuri - Lễ hội thần đạo Shinto lớn nhất Edo - 7
Đền Hie là một trong những ngôi đền chính thức được xếp hạng hàng đầu trong cả nước thời Edo. Nguồn ảnh: Savvy Tokyo

Trong thời kỳ này, hoàng đế thay thế shogun làm người cai trị Nhật Bản và được nhà nước Shinto tôn thờ như một vị thần sống. Sau đó, trong thời kỳ chiến tranh mặc dù Mỹ đã ra tay giải tán hệ thống xếp hạng đền thờ chính thức vì nó góp phần vào chủ nghĩa quân phiệt, hoàng đế cũng từ bỏ thần tính, nhưng ý nghĩa của ngôi đền vẫn được coi trọng. Cuộc diễu hành của Sanno dừng lại ở cung điện hoàng gia là để ghi nhớ công ơn của hoàng đế và hoàng gia.

Sanno Matsuri - Lễ hội thần đạo Shinto lớn nhất Edo - 8

Ý nghĩa truyền thống của lễ hội vẫn vẹn nguyên không hề thay đổi. Nguồn ảnh: Japan Wonder Travel Blog

Mặc dù lễ hội Sanno không còn được hoành tráng như ở thời Edo, nhưng nó vẫn chứa đựng cái nhìn sâu sắc về lịch sử của Nhật Bản và rất đáng để chiêm ngưỡng.