Sai phạm hiến đất làm đường: Số phận gần 2.400 thửa đất được định đoạt

Trung Thi

(Dân trí) - Chính quyền tỉnh Khánh Hòa vừa có phương án định đoạt "số phận" cho gần 2.400 thửa đất ở huyện Cam Lâm liên quan đến sai phạm "hiến đất làm đường" tại địa phương này.

Ngày 18/9, Ban Cán sự Đảng UBND tỉnh Khánh Hòa có văn bản gửi Thường trực Tỉnh ủy báo cáo kết quả giải quyết các vướng mắc của UBND huyện Cam Lâm đối với xử lý sai phạm liên quan đến vụ việc "hiến đất làm đường".

Theo số liệu của báo cáo, tại huyện Cam Lâm có 114 khu vực phân lô, tách thửa, hiến đất làm đường giao thông với tổng diện tích là hơn 55ha, được tách thành 2.385 thửa. Diện tích "hiến tặng" để làm đường giao thông hơn 97.400m2.

Sai phạm hiến đất làm đường: Số phận gần 2.400 thửa đất được định đoạt - 1

Một góc trung tâm huyện Cam Lâm (Ảnh: Trung Thi).

Trong 114 khu vực có 7 khu vực "hiến đất" để tự làm đường, tách thửa, chuyển nhượng phù hợp với quy hoạch giao thông; 107 khu vực còn lại không có đường, không phù hợp với quy hoạch giao thông, sau đó "hiến đất" tự làm đường.

Cho phép tồn tại

Theo báo cáo, sau khi huyện Cam Lâm đề xuất hướng xử lý, Sở TN&MT tỉnh họp với các đơn vị chức năng và báo cáo UBND tỉnh. Qua đó, thống nhất chủ trương cho phép tồn tại 2.385 thửa đất, thuộc 114 khu vực có liên quan đến sai phạm "hiến đất làm đường".

Hướng xử lý cụ thể như sau, đối với 7 trường hợp "hiến đất làm đường" phù hợp với đường giao thông theo quy hoạch đã được phê duyệt, giữ nguyên mục đích sử dụng đất được thể hiện trên giấy chứng nhận quyền sử dụng (GCNQSD) đất.

Người dân được thực hiện các quyền, nghĩa vụ đối với GCNQSD đất đã được cấp theo quy định của luật; được xin phép và cấp giấy phép xây dựng nhà ở (đối với trường hợp phải xin phép) và được phép xây dựng nhà ở (đối với trường hợp không phải xin phép) nếu người dân có nhu cầu.

Cho phép tồn tại các đường giao thông theo hiện trạng; giao UBND huyện Cam Lâm hủy các văn bản chấp thuận "hiến đất làm đường"; thực hiện trình tự thu hồi đất do tự nguyện trả lại đất theo quy định; giao Trung tâm Phát triển huyện hoặc chính quyền cấp xã thực hiện việc quản lý nhà nước về đất đai theo luật định.

Sai phạm hiến đất làm đường: Số phận gần 2.400 thửa đất được định đoạt - 2

Tỉnh Khánh Hòa thống nhất chủ trương cho tồn tại các thửa đất liên quan đến sai phạm "hiến đất làm đường" (Ảnh: Phú Khánh).

Đối với 107 trường hợp "hiến đất" đầu tư đường giao thông nhưng không phù hợp với đường giao thông theo quy hoạch đã được phê duyệt, vẫn cho phép tồn tại các thửa đất nêu trên theo mục đích trên GCNQSD đất được cấp.

Huyện Cam Lâm hủy văn bản chấp thuận đầu tư đường giao thông. Đồng thời, có văn bản chỉ đạo các cơ quan liên quan thực hiện việc quản lý đất đã được hiến theo quy định.

Không cho phép xây dựng cho đến khi phù hợp với quy hoạch chi tiết xây dựng và đáp ứng các điều kiện về hạ tầng hoặc cho đến khi có văn bản cho phép của cấp có thẩm quyền.

Khó khăn trong giải quyết hậu quả

Sau khi phát hiện sai phạm liên quan đến vụ "hiến đất làm đường", huyện Cam Lâm đã hủy nhiều quyết định chuyển đổi mục đích sử dụng và văn bản chấp thuận đầu tư đường giao thông đối với các trường hợp vi phạm, tuy nhiên quá trình triển khai phát sinh nhiều vướng mắc.

Cụ thể, đối với khu đất của 2 hộ dân tại thôn Bắc Vĩnh, xã Cam Hải Tây (huyện Cam Lâm), một phần diện tích thuộc quy hoạch đất ở, rộng hơn 1.800m2, phù hợp tất cả các loại quy hoạch. Tuy nhiên, UBND huyện đã hủy 2 quyết định chuyển đổi mục đích sử dụng đất đối với khu đất này, trong đó có diện tích đất hơn 1.800m2.

Sai phạm hiến đất làm đường: Số phận gần 2.400 thửa đất được định đoạt - 3

Chính quyền huyện Cam Lâm cho rằng đã phát sinh nhiều vướng mắc khi giải quyết hậu quả của việc "hiến đất làm đường" (Ảnh: Phú Khánh).

Ngoài ra, mục đích sử dụng đất trước đây của khu đất này là đất nuôi trồng thủy sản, nay toàn bộ khu đất đã tách thành 74 thửa đất, được chuyển nhượng nhiều lần, thể hiện trên GCNQSD đất là đất ở nông thôn tiếp giáp đường nhựa (đường hiến đất).

"Việc giải quyết các vấn đề tiếp theo hiện nay chưa có văn bản chỉ đạo, trong khi theo Luật Đất đai năm 2013 và Nghị định số 43 ngày 15/4/2014 của Chính phủ hướng dẫn thi hành Luật Đất đai thì việc hủy các GCNQSD đất này không thuộc thẩm quyền của Tòa án nhân dân", báo cáo nêu.

Đối với khu đất của bà T.T.P.H. (thôn Bãi Giếng 2, xã Cam Hải Tây), huyện chưa thực hiện việc hủy quyết định chuyển mục đích sử dụng đất do phù hợp quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất; đã hủy văn bản chấp thuận đầu tư đường giao thông.

Việc hủy văn bản chấp thuận làm đường giao thông khiến huyện Cam Lâm lúng túng, khi chưa biết thể hiện thông tin trên các GCNQSD đất đã cấp cho các hộ dân sẽ được thực hiện như thế nào.

Một số trường hợp khác cũng vướng mắc tương tự, chưa có hướng để giải quyết các bước tiếp theo.

Nhiều cán bộ bị xử lý

Giữa năm 2022, Thanh tra tỉnh Khánh Hòa phát hiện nhiều trường hợp lợi dụng việc "hiến đất làm đường" để phân lô, bán nền trái quy định pháp luật ở huyện Cam Lâm.

Từ những sai phạm trên, đoàn kiểm tra yêu cầu UBND huyện Cam Lâm hủy các quyết định chuyển mục đích sử dụng đất và các văn bản chấp thuận cho phép hiến đất làm đường giao thông đối với các trường hợp sai phạm.

Bên cạnh đó, xử lý trách nhiệm đối với lãnh đạo UBND huyện Cam Lâm qua các thời kỳ.

Đến nay, nhiều cán bộ ở huyện Cam Lâm bị kỷ luật cách hết chức vụ trong Đảng, trong đó có bà Lê Phạm Thùy Ngân - Phó chủ tịch Thường trực UBND huyện Cam Lâm, ông Nguyễn Trí Tuân - Phó chánh Văn phòng Đoàn Đại biểu Quốc hội và HĐND tỉnh Khánh Hòa, ông Lê Anh Tùng - Trưởng phòng Kinh tế và Hạ tầng huyện Cam Lâm.