Quản lý chặt chẽ việc xây nhà ở cao tầng tại khu vực đô thị trung tâm

Hà Phong

(Dân trí) - Ngoài việc từng bước tạo ra chùm đô thị, các đô thị vệ tinh, Chính phủ còn giao Hà Nội nhiệm vụ quản lý chặt chẽ việc phát triển nhà ở cao tầng tại khu vực đô thị trung tâm.

Xây nhiều cầu qua sông Hồng, sông Đuống

Chính phủ vừa ban hành Nghị quyết về chương trình hành động thực hiện nghị quyết của Bộ Chính trị về phương hướng, nhiệm vụ phát triển Thủ đô đến năm 2030, tầm nhìn đến 2045.

Trong các nhóm nhiệm vụ, Chính phủ giao TP Hà Nội tập trung đầu tư hoàn thành các công trình kết cấu hạ tầng trọng điểm, xây dựng kết cấu hạ tầng đồng bộ.

Trong đó, Hà Nội được giao đẩy nhanh tiến độ hoàn thành xây dựng các tuyến đường quốc lộ, đường cao tốc, đường xuyên tâm, đường vành đai, hệ thống đường kết nối nội vùng và liên vùng; đầu tư xây dựng thêm các cầu qua sông Hồng, sông Đuống với kiến trúc đẹp hiện đại, đặc trưng cho bản sắc và tạo điểm nhấn cho Thủ đô Hà Nội; các dự án giao thông trên cao, hệ thống đường sắt đô thị trên cao và ngầm…; khẩn trương hoàn thành đưa vào vận hành khai thác thương mại các tuyến đường sắt đô thị.

Quản lý chặt chẽ việc xây nhà ở cao tầng tại khu vực đô thị trung tâm - 1

Đoạn đường vành đai 2 kết nối với cầu Vĩnh Tuy đang ngày càng hoàn thiện, đồng bộ (Ảnh: Hà Phong).

Hà Nội phấn đấu hoàn thành đường Vành đai 4 trước năm 2027 và chuẩn bị đầu tư, xây dựng đường Vành đai 5 trước năm 2030.

Chính phủ giao Hà Nội nghiên cứu, đề xuất xây dựng mô hình thành phố trực thuộc Thủ đô tại khu vực phía bắc (vùng Đông Anh, Mê Linh, Sóc Sơn) và phía Tây (vùng Hòa Lạc, Xuân Mai) và mô hình đô thị thông minh trên cơ sở phát triển khu vực hai bên trục đường Nhật Tân - Nội Bài.

Kiểm soát việc xây nhà cao tầng ở trung tâm

Về xây dựng phát triển và quản lý đô thị, Chính phủ giao Hà Nội nghiên cứu tăng tỷ lệ đất phát triển đô thị phù hợp với quy hoạch, hoàn chỉnh mô hình cấu trúc phát triển Thủ đô; tập trung hình thành một số cực tăng trưởng mới. Đến năm 2025 thành phố phấn đấu có từ 3 đến 5 huyện phát triển thành quận, đến năm 2030 có thêm 1-2 huyện phát triển thành quận.

Từng bước tạo ra chùm đô thị, các đô thị vệ tinh, mô hình phát triển đô thị theo định hướng giao thông (TOD), theo các tuyến đường vành đai, tuyến đường kết nối nội vùng, liên vùng, tuyến đường sắt đô thị nhằm giảm tải cho đô thị trung tâm. Quản lý chặt chẽ việc phát triển nhà ở cao tầng và gia tăng dân số tại khu vực đô thị trung tâm. 

Quản lý chặt chẽ việc xây nhà ở cao tầng tại khu vực đô thị trung tâm - 2

Cao ốc mọc dày đặc khu vực quận Thanh Xuân (Ảnh: Hà Phong).

Hà Nội cũng được giao xây dựng hạ tầng đô thị thông minh với ứng dụng mạng lưới kết nối số phục vụ cho quản lý và vận hành đô thị, góp phần xây dựng đô thị thông minh, xây dựng thương hiệu đô thị để phát huy kinh tế đô thị cho một số khu vực trọng điểm.

Đồng thời, Chính phủ yêu cầu Hà Nội đẩy mạnh xã hội hóa đầu tư, huy động và sử dụng có hiệu quả mọi nguồn lực, nhất là nguồn lực từ các nhà đầu tư chiến lược cho phát triển đô thị, cơ sở hạ tầng theo quy hoạch đã được phê duyệt và phù hợp với quy định của pháp luật.

Bên cạnh đó, Hà Nội phải thường xuyên cải tạo, chỉnh trang, phục hồi, tái thiết đô thị hiệu quả để nâng cao hiệu quả sử dụng đất; khai thác hiệu quả và bền vững các công trình văn hóa, lịch sử các không gian công cộng trong phát triển kinh tế đô thị gắn với bảo tồn không gian lịch sử văn hóa, truyền thống và cảnh quan, xanh, sạch đẹp và khang trang tại khu vực nội đô lịch sử.

Đặc biệt, Hà Nội sẽ đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý đô thị, quản lý an ninh trật tự đô thị, an toàn giao thông...; tăng cường kỷ cương, kỷ luật và nâng cao chất lượng quản lý đô thị, trật tự xây dựng, quản lý chặt chẽ và khai thác hợp lý các không gian công công trong phát triển kinh tế khu vực đô thị.