Qua "sốt nóng", chủ nhà đất tự giảm giá rao bán xuống cả tỷ đồng
(Dân trí) - Từng rao bán căn nhà diện tích hơn 50 m2 xây 4 tầng ở quận Hoàng Mai (Hà Nội) với giá 5,8 tỷ đồng nhưng sau nhiều tháng không có người mua, chủ nhà đã phải giảm xuống gần 1 tỷ đồng.
Giảm sâu giá rao bán
Thị trường nhà đất đang có dấu hiệu hạ nhiệt ở nhiều khu vực từng "sốt nóng". Theo khảo sát của Dân trí ở Hà Nội, thời gian này, nhiều chủ nhà đất đã chủ động giảm sâu giá rao bán so với trước đó nhằm sớm "thoát hàng".
Đơn cử, tại nhiều khu vực của quận Hoàng Mai, từ năm 2021 đến nay, giá nhà và đất nền đã tăng hơn 30%, thậm chí tăng gấp đôi do sở hữu vị trí đẹp. Đơn cử, tại khu vực phố Nam Dư (phường Lĩnh Nam) một căn nhà có diện tích 30 m2, xây 5 tầng, nằm ở mặt ngõ ô tô tránh nhau, thời điểm cuối năm 2020 có giá 3 tỷ đồng thì nay đã tăng lên 3,8 tỷ đồng đến 4 tỷ đồng, tăng khoảng 30%.
Một số nhà đất mặt phố Nam Dư, Thanh Đàm, Tây Trà cách đây 1 năm có giá dao động khoảng 100 triệu đồng đến 105 triệu đồng/m2, nay đã có giá 135 triệu đồng/m2.
Tuy nhiên, tính thanh khoản nhà đất ở khu vực này đang không cao. Một căn nhà đất diện tích 40 m2, xây dựng 4 tầng, nằm ở vị trí mặt phố trước đó được rao bán giá 5,8 tỷ đồng, nhưng nay chủ nhà giảm giá xuống 4,9 tỷ đồng.
Tương tự, tại khu vực đất ven đô, từ đầu năm 2020, đất ở khu vực huyện Thạch Thất liên tục có nhiều đợt "sốt giá", thậm chí đất trong đường làng cũng có giá lên tới gần 20 triệu đồng/m2. Cụ thể, các lô đất trong ngõ ô tô có thể di chuyển dao động từ 12 - 18 triệu đồng/m2. Còn những lô đất ở vị trí đẹp hơn có giá từ 20 - 25 triệu đồng/m2. Các lô đất ở vị trí đường lớn có mức giá tới 30 - 45 triệu đồng/m2. Tuy nhiên, hiện tại, thị trường nơi này đã hạ nhiệt, không còn cảnh ô tô kéo nhau nườm nượp về đây xem đất và giao dịch.
Chị Nguyễn Phương Thảo (Hà Đông, Hà Nội) chia sẻ, cuối năm 2020, chị mua lô đất hơn 80 m2 tại xã Bình Yên (Thạch Thất) với giá hơn 1,5 tỷ đồng, tương đương gần 19 triệu đồng/m2. Tuy nhiên, từ đó đến nay, việc bán giá cao hơn gần như là không thể nhưng mỗi tháng, chị phải xoay xở trả ngân hàng gần 30 triệu đồng cả gốc lẫn lãi.
Theo Anh Hiếu - môi giới lâu năm tại khu vực Sơn Tây, Thạch Thất (Hà Nội) cho biết, hai khu vực này chủ yếu là đất tự phân lô. Do đó, sau khi "lệnh" siết phân lô tách thửa được thực hiện, không còn cảnh xe nối đuôi nhau đi xem, mua bán đất nữa.
Thậm chí, đã xuất hiện tình trạng bán cắt lỗ đến từ các nhà đầu tư mua lại trước đó. Tuy nhiên, việc cắt lỗ chỉ đến từ một vài trường hợp nên không đại diện cho toàn bộ thị trường khu vực.
"Nếu trước kia, những nhà đầu tư có tiềm lực tài chính tìm về mua mảnh đất rộng rồi tách thửa bán lại thì nay cũng không có người về mua nữa, do Hà Nội siết phân lô tách thửa đất nông nghiệp được thực hiện. Các giao dịch đất tự phân lô này gần như mất thanh khoản", anh Hiếu nói.
Đất nền nhiều nơi giảm
Báo cáo mới nhất từ trang thông tin Batdongsan.com.vn cho hay, vào thời điểm quý I, thị trường đất nền khá sôi động với mức độ quan tâm cả nước tăng 4% so với thời kỳ trước Covid-19 (quý I/2019). Nhiều địa phương gia tăng đáng kể cả về lượt tìm mua lẫn giá rao bán đất như tại Khánh Hòa, Bình Thuận, Thanh Hóa. Tuy nhiên, bước sang tháng 4, mức độ quan tâm đến sản phẩm đất bán trên cả nước đã giảm 18% so với tháng liền trước và giảm 8% so với cùng kỳ năm 2021.
Nhìn nhận về dấu hiệu hạ nhiệt đất nền, ông Nguyễn Quốc Anh, Phó Tổng giám đốc doanh nghiệp trên, cho rằng, thời gian qua diễn ra nhiều biến số bất ngờ của thị trường như những thông tin tiêu cực về vi phạm của một số doanh nghiệp bất động sản lớn, cơ quan quản lý Nhà nước siết chặt hơn quy định về thuế, kiểm soát phân lô bán nền và Ngân hàng Nhà nước yêu cầu siết nguồn tín dụng vào bất động sản là những lý do khiến người mua và nhà đầu tư bất động sản có tâm lý thận trọng hơn.
Đáng chú ý, ghi nhận trước đó của đơn vị này còn cho thấy, dòng tiền đầu tư đất nền đang có xu hướng dịch chuyển vào khu vực miền Trung. Theo đó, trong khi mức độ quan tâm đất nền phía Bắc và phía Nam giảm lần lượt 11 và 12% thì lượng quan tâm đất nền miền Trung tăng 14%. Các tỉnh thành có lượt quan tâm mạnh nhất là Đắk Lắk 58%, Khánh Hòa 48%, Bình Thuận 44%...
Tại Hà Nội, mức độ quan tâm đất nền Đông Anh, Gia Lâm, Thạch Thất, Quốc Oai đều giảm trung bình hơn 10%. Các thị trường phía Bắc khác như Bắc Ninh, Bắc Giang, Hải Phòng cũng ghi nhận lượng quan tâm sụt giảm lần lượt 32%, 22% và 7%. Tương tự với thị trường phía Nam, mức độ quan tâm đất nền Bình Dương, Đồng Nai đều giảm 13%.
"Thời gian tới, các sản phẩm bất động sản có mục đích sử dụng cao để phục vụ nhu cầu ở thực của người dân và làm mặt bằng kinh doanh, phù hợp với định hướng đẩy mạnh kinh doanh, sản xuất của Nhà nước, như nhà riêng, nhà phố, chung cư cho thuê, chung cư tầm giá dưới 45 triệu đồng/m2 sẽ được quan tâm nhiều hơn", vị chuyên gia dự báo.