Nơi đất khó bán, người khó mua bậc nhất ở TPHCM hiện nay
(Dân trí) - Bán đảo Thanh Đa trải qua 3 thập niên quy hoạch nhưng chưa đi vào triển khai. Người dân muốn bán đất cũng không ai mua, sợ "dính" quy hoạch và rắc rối pháp lý.
Đất đai khó giao dịch
Anh Nguyễn Văn Thanh sinh năm 1992, đúng thời điểm bán đảo Thanh Đa (quận Bình Thạnh, TPHCM) được quy hoạch. Đến nay đã 31 năm, cậu bé Thanh đỏ hỏn mới chào đời ngày nào giờ đã lấy vợ, sinh con. Còn Thanh Đa vẫn như một đứa trẻ chưa được nuôi lớn, vẫn chờ ngày hiện thực hóa quy hoạch.
Căn nhà anh Thanh ở được thừa hưởng từ ông bà, mái lợp tôn núp sau đám lau sậy. Căn nhà nhỏ lụp xụp bất tiện trong sinh hoạt, đôi lần anh nghĩ tới bán nhà đi nơi khác sinh sống. "Nhưng bán không ai mua, vì người ta sợ quy hoạch treo", anh Thanh nói.
Người đàn ông gắn tuổi đời với quy hoạch Thanh Đa nói thêm: "Ở đây người ta cứ nói nhà cửa lụp xụp như vùng quê, nhưng chẳng qua là dính quy hoạch thôi. Thử cho xây dựng thoải mái đi, nhà cao tầng ầm ầm luôn".
Không chỉ mình anh Thanh, nhiều người dân khác tại Thanh Đa khi được hỏi về đất đai đều lắc đầu vì quy hoạch "treo". Hơn 30 năm qua, vì trong diện quy hoạch, người dân trên bán đảo Thanh Đa không được xây dựng mới, sửa chữa nhà cửa. Giao dịch nhà đất nếu có diễn ra chỉ bằng giấy viết tay, giá mua bán cũng kín đáo.
Khảo sát một số trang bất động sản về mua bán, cho thuê nhà đất cho thấy các tin đăng bán tại Thanh Đa không nhiều. Một số tin đăng nhà đất với diện tích khoảng 48-60m2 đưa ra mức giá khoảng 50-60 triệu đồng/m2 cho đất ở Thanh Đa. Với các lô lớn hơn có tầm nhìn sông thì giá có thể gấp 2, gấp 3 lần tùy vị trí.
Một tin được đăng ngày 5/9 rao diện tích nhà 55m2 trên đường Bình Quới khoảng 2,5 tỷ đồng, có thương lượng. Nhà được xây trên đất chính chủ, có xác nhận nguồn gốc đất, có bản vẽ sơ đồ nhà đất, cam kết không tranh chấp.
Tuy nhiên, môi giới cho biết việc mua bán được thực hiện qua vi bằng. Các bên mua - bán xác lập với nhau bằng văn bản được văn phòng Thừa phát lại lập ra. Hình thức này có nhiều rủi ro về mặt pháp lý.
Ông Kiên, một nhà đầu tư, chia sẻ hiếm khi nghĩ tới việc mua bán đất ở Thanh Đa, vì dính quy hoạch nên thủ tục khá phức tạp, lại có nhiều rủi ro khó lường. Hơn 30 năm qua, Thanh Đa nằm trong diện quy hoạch "treo", không có nhiều thay đổi, hạ tầng hạn chế nên khả năng tăng giá không nhiều và giao dịch cũng ít. Ở góc độ đầu tư kiếm lời, Thanh Đa không phải lựa chọn của số đông.
Mong ước từ quy hoạch
Chị Vũ Thị Lan, 30 tuổi, bán tạp hóa và nước giải khát trên con đường duy nhất xuyên suốt bán đảo Thanh Đa, kể quán hàng chủ yếu bán cho người dân khu vực, ít khách vãng lai. Thi thoảng, quán chị có khách từ bên ngoài vào uống nước là để đi bộ vào bên trong câu cá. Thu nhập bấp bênh, gọi là có tiền rau tiền chợ.
Theo chị Lan, các hồ câu tại Thanh Đa được khai thác trong nhiều năm trở lại đây, là nguồn thu đáng kể cho người dân. Mỗi giờ, giá câu khoảng 250.000-300.000 đồng, đông nhất vào cuối tuần, còn trong tuần thì rải rác. "Người dân ở đây không còn cấy lúa, không trồng rau, làm hồ câu cũng kiếm thêm mớ, không lẽ đi chơi, mà chơi hoài lấy tiền đâu ăn", chị Lan cười nói.
Ông Nguyễn Văn Mỹ, 52 tuổi, sinh ra và lớn lên ở phường 28, Thanh Đa cười ngượng ngạo khi nhắc tới quy hoạch bán đảo Thanh Đa. Thời trai trẻ tuổi đôi mươi, ông Mỹ cùng gia đình trồng lúa trồng rau trên đồng ruộng Thanh Đa.
Cách đây 8 năm, ông bỏ hẳn nghề, bởi "chuột phá quá, mình trồng lúa nó cắn quá trời, không giữ được". Ông chuyển qua trồng rau muống cũng trên những thửa ruộng ngập nước đó, nhưng thất bại vì đất nhiễm phèn.
Những ngày này, ông trồng sen trên cánh đồng cỡ 3.000-4.000m2, mỗi ngày hái cả trăm bông. Ông Mỹ kể kiếm về khoảng trăm nghìn đồng, rồi rau cháo qua ngày. Bà cụ thân sinh ông Mỹ nay đã ngoài 70 tuổi, ông kể cụ vẫn nhất quyết trông chờ quy hoạch, được bồi thường, muốn xem Thanh Đa đổi khác. Nhưng bao giờ đổi khác thì bản thân ông vẫn chưa biết.
Hay tin Chủ tịch UBND TPHCM Phan Văn Mãi nói ngày 30/4/2025 hoàn thành tổ chức đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư mới cho dự án quy hoạch lại Thanh Đa, ông Mỹ mừng. Nhưng nỗi lo âu lại hiện lên trong ánh mắt, vì bao năm qua câu chuyện lặp đi lặp lại nhiều lần, sau mỗi lần niềm hi vọng lại vơi bớt.
"Treo quy hoạch hoài, các nhà không được buôn bán đất đai, làm ruộng không cũng chẳng được gì. Nếu không thực hiện quy hoạch Thanh Đa thì cần hủy bỏ để người dân làm ăn, sinh sống", ông Mỹ cho biết.