Nhiều dự án bỏ hoang làm "xấu mặt" thành phố: UBND TPHCM lý giải gì?

Nhật Quang

(Dân trí) - UBND TPHCM cho biết có nhiều lý do dẫn đến việc thành phố có nhiều dự án bỏ hoang. Điển hình như dự án đang trong diện điều tra, hoặc do vướng mắc bồi thường, giải phóng, điều chỉnh quy hoạch...

Tại buổi họp báo kinh tế - xã hội TPHCM chiều ngày 19/10, UBND TPHCM đã có văn bản trả lời phóng viên Dân trí về nguyên nhân nhiều dự án bị bỏ hoang trên địa bàn thành phố, và đưa ra phương án xử lý những dự án này.

Thông tin phản ánh cho biết TPHCM hiện có nhiều dự án bỏ hoang, gồm cả nhà ở đã xây dở dang hoặc đất trống, diện tích từ vài nghìn m2 tới cả chục hecta. Những dự án bỏ hoang từng được cho rằng gây lãng phí nguồn lực, xấu "bộ mặt" của thành phố.

Chỉ tính riêng ở quận 1, thống kê của UBND quận này cho biết tính đến cuối tháng 8/2022 có 26 dự án, công trình lớn ngưng thi công, phải quây tôn. 

Trong số 26 dự án đó có những khu "đất vàng" giá trị hàng tỷ đồng/m2 nằm trên các tuyến đường sầm uất như Nguyễn Huệ, Đồng Khởi, Hai Bà Trưng, Bến Nghé, Tôn Đức Thắng… Trong đó, 15 khu vực đang là đất trống, 9 dự án xây dựng dở dang cùng 1 công trình bị đình chỉ thi công, 1 công trình chỉ tồn tại căn nhà bỏ không.

Lý giải nguyên nhân, UBND TPHCM cho biết nhiều dự án trên địa bàn hiện là đối tượng của việc thanh tra, điều tra, truy tố, xét xử và đang trong quá trình xử lý nên không thể tiếp tục thực hiện các thủ tục hành chính có liên quan.

Theo đó, thành phố sẽ kiến nghị cơ quan trung ương, bộ, ngành sớm xử lý dứt điểm các vụ án, kết luận điều tra để sớm đưa các quỹ đất này vào thực hiện dự án.

Nhiều dự án bỏ hoang làm xấu mặt thành phố: UBND TPHCM lý giải gì? - 1

Khu đất có diện tích hơn 4.000 m2 có 4 mặt tiền là đường Lê Lợi - Nam Kỳ Khởi Nghĩa - Lê Thánh Tôn - Nguyễn Trung Trực tại quận 1, TPHCM bị quây tôn nhiều năm qua (Ảnh chụp cuối tháng 8/2022: Nhật Quang).

Nguyên nhân thứ hai là một số dự án đã được chấp thuận từ nhiều năm trước nhưng tới nay chưa hoàn thành việc bồi thường, giải phóng mặt bằng nên chưa thể hoàn tất. UBND TPHCM cho biết đã làm việc với nhà đầu tư, phối hợp để đề nghị nhà đầu tư thực hiện dứt điểm việc bồi thường, giải phóng mặt bằng.

UBND thành phố cũng cho biết nhiều dự án vướng mắc do quy định của pháp luật. Điển hình trước đây, Tổ công tác tháo gỡ vướng mắc của thành phố đã rà soát, xác định có 41 dự án vướng mắc không thể tiếp tục thực hiện do không có đất ở trong ranh dự án, không đáp ứng được quy định tại điều kiện để làm nhà ở thương mại theo quy định tại Điều 53 Luật Nhà ở.

Để giải quyết vấn đề này, thành phố sẽ tiếp tục kiến nghị các bộ, ngành, cơ quan nghiên cứu sửa đổi, bổ sung quy định pháp luật. Hiện nay, Nghị quyết số 98 của Quốc hội được ban hành đã giúp tháo gỡ được một số vướng mắc về pháp lý cho dự án nhà ở xã hội, dự án dự kiến đấu thầu nhưng có đất công trong ranh dự án...

Nguyên nhân còn đến từ việc một số dự án, để nâng cao hiệu quả thương mại của dự án, nhà đầu tư đề nghị thực hiện dự án với các chỉ tiêu quy hoạch cao hơn so với chỉ tiêu theo đồ án quy hoạch đã được duyệt. Do vậy, các dự án này phải chờ điều chỉnh quy hoạch. UBND thành phố đã rà soát, có ý kiến chỉ đạo thực hiện việc điều chỉnh quy hoạch làm cơ sở xem xét đề nghị của nhà đầu tư. 

Một số dự án mà nhà đầu tư không đủ năng lực hoặc không đủ điều kiện để áp dụng chuyển tiếp cũng là nguyên nhân dẫn đến việc nhiều dự án bị quây tôn.

Thành phố cho hay đã kiên quyết báo cáo cấp có thẩm quyền chấm dứt các chủ trương cũ để giao nghiên cứu, đề xuất thực hiện dự án theo quy định mới, ví dụ như dự án Bình Quới Thanh Đa tại quận Bình Thạnh, dự án tứ giác Mả Lạng tại quận 1. UBND TPHCM cho biết sẽ tiếp tục rà soát, chấm dứt các dự án không đủ điều kiện tiếp tục thực hiện.      

Ngoài ra, nguyên nhân còn đến từ một số dự án có sử dụng tài sản, quyền sử dụng đất là tài sản công, cần phải rà soát, sắp xếp, xử lý lại theo luật quản lý sử dụng tài sản công trước khi thực hiện dự án (ví dụ như Thương xá Tax). Thành phố sẽ tiếp tục rà soát, đẩy nhanh quy trình rà soát, sắp xếp, xử lý tài sản công.

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm