1. Dòng sự kiện:
  2. Chuyển động bất động sản 2024

TPHCM đã tháo gỡ những gì cho 156 dự án?

Kim Ngọc

(Dân trí) - Hiệp hội Bất động sản TPHCM (HoREA) cho biết đã có 5 dự án được "giải cứu" và hy vọng sẽ được giải quyết hết 156 dự án trong năm nay.

HoREA vừa có báo cáo nhanh kết quả giải quyết vướng mắc của 156 dự án bất động sản, nhà ở thương mại, đô thị tại TPHCM từ 121 chủ đầu tư, gửi UBND TPHCM.

Cụ thể, 5 tập đoàn, doanh nghiệp chủ đầu tư của 5 dự án, trong đó có một tập đoàn bất động sản nước ngoài được huy động vốn 50% số lượng sản phẩm nhà ở hình thành trong tương lai, tương đương với 5.432 căn hộ.

Việc này nhằm hỗ trợ cho các doanh nghiệp này vượt qua khó khăn (trong đó có 2.989 căn hộ thuộc một dự án khu đô thị mới) trong lúc chờ kết luận của cơ quan Nhà nước đối với các dự án thuộc diện rà soát pháp lý mà chủ đầu tư đã thực hiện nghĩa vụ nộp tiền sử dụng đất, tiền thuê đất trước đây. Ngoài ra, một dự án khu nhà chung cư tại quận 4 cũng đã được UBND TPHCM cho ý kiến chỉ đạo các sở, ngành rà soát giải quyết.

TPHCM đã tháo gỡ những gì cho 156 dự án? - 1

Thị trường bất động sản tại TPHCM bước đầu đã có những tháo gỡ (Ảnh minh họa: Hải Long).

Hiệp hội đề nghị UBND TPHCM và các cơ quan Nhà nước có thẩm quyền sớm có kết luận dứt điểm đối với 6 dự án này, để thị trường bất động sản có thể đón nhận thêm hơn 5.000 căn hộ giúp tăng nguồn cung nhà ở, tạo được dòng tiền cho các doanh nghiệp và tăng tính thanh khoản cho thị trường, tăng nguồn thu ngân sách Nhà nước.

Đồng thời, Hiệp hội đề nghị các Sở, ngành khẩn trương rà soát trình UBND TP xem xét giải quyết các dự án tương tự mà các chủ đầu tư cũng đề nghị được huy động vốn, bán nhà ở hình thành trong tương lai, để từng bước khai thông thị trường bất động sản và bảo đảm tính công bằng cho các doanh nghiệp.

156 dự án thuộc diện rà soát pháp lý được Hiệp hội đánh giá đều có tính chất phức tạp, đã được xử lý qua nhiều thời kỳ, vướng nhiều quy định pháp luật do một số quy định pháp luật thiếu tính đồng bộ, thống nhất hoặc do chưa được pháp luật quy định.

Trong đó, nhiều dự án có nguồn gốc "đất công" do Nhà nước quản lý theo chủ trương sắp xếp, xử lý tài sản công, di dời nhà xưởng ô nhiễm hoặc do thực hiện cổ phần hóa doanh nghiệp Nhà nước mà chưa thực hiện đúng, đầy đủ quy trình, thủ tục theo quy định.

Hoặc dự án bị vướng do phải rà soát lại việc tính tiền sử dụng đất, tiền sử dụng đất bổ sung (nếu có) dẫn đến bị dừng triển khai thực hiện dự án, bị dừng huy động vốn, bán nhà ở hình thành trong tương lai. 

Nhiều dự án bị vướng do việc xử lý phần tài sản thuộc sở hữu Nhà nước còn lại trong các dự án xây dựng lại nhà chung cư cũ. Có dự án bị vướng mắc do việc điều chỉnh quy hoạch phân khu tỷ lệ 1/2000 để thực hiện chủ trương ưu đãi và chấp thuận chủ trương đầu tư đồng thời với chấp thuận nhà đầu tư đối với các dự án nhà ở xã hội và cả dự án nhà ở thương mại.

Hay dự án bị vướng trong việc thực hiện trách nhiệm chủ đầu tư dự án nhà ở thương mại có quy mô dưới 10 ha phải dành 20% diện tích đất trong dự án để xây dựng nhà ở xã hội được thực hiện nghĩa vụ này bằng tiền…

UBND TPHCM đã nhiều lần trực tiếp gặp và lắng nghe một số doanh nghiệp trình bày các khó khăn, vướng mắc của các dự án. Hiệp hội được biết, UBND TP đã tổ chức các cuộc họp chuyên đề, trong đó có chuyên đề về điều chỉnh quy hoạch phân khu tỷ lệ 1/2000 để tháo gỡ vướng mắc thủ tục "chấp thuận chủ trương đầu tư đồng thời với chấp thuận nhà đầu tư" cho các dự án nhà ở xã hội và cả dự án nhà ở thương mại hiện nay.

Trong buổi làm việc giữa Thường trực Chính phủ và Ban Thường vụ Thành ủy TPHCM, Chủ tịch UBND TPHCM Phan Văn Mãi cũng đã đặt ra mục tiêu đến cuối năm 2023 sẽ giải quyết được 50 dự án bất động sản bị vướng mắc pháp lý.

Hiệp hội hoan nghênh và kỳ vọng với sự vào cuộc quyết liệt của các cơ quan có thẩm quyền của Trung ương và thành phố, nhất là thông qua sự phối hợp hoạt động hiệu quả của Tổ công tác của Chính phủ, Tổ công tác của Thủ tướng và UBND TP thì hầu hết trong số 156 dự án này sẽ được giải quyết trong năm nay.