Nhà đầu tư Trung Quốc "đổ bộ" vào bất động sản công nghiệp Việt Nam

Điểm đáng chú ý trong làn sóng rót vốn FDI vào bất động sản công nghiệp tại Việt Nam thời gian qua là việc các nhà đầu tư đến từ Trung Quốc đang chiếm thế “thượng phong”.

Thống kê tại báo cáo Sách trắng bất động sản công nghiệp Việt Nam do Savills công bố thì các thương vụ mua bán và sáp nhập (M&A) kho bãi, nhà xưởng trở nên sôi động nhờ dòng vốn FDI bất chấp tác động của đại dịch. Điểm đáng chú ý, phần lớn trong 20 dự án bất động sản công nghiệp nổi bật 9 tháng đầu năm được phát triển bởi các nhà đầu tư đến từ Hong Kong, Trung Quốc đại lục.

Nhà đầu tư Trung Quốc đổ bộ vào bất động sản công nghiệp Việt Nam - 1

Đang có một "cuộc đổ bộ" của nhóm các nhà đầu tư Trung Quốc vào lĩnh vực BĐS công nghiệp Việt Nam. Ảnh: KCN Yên Phong, Bắc Ninh

Cụ thể, trong 20 giao dịch nổi bật 9 tháng qua, 40% (08 giao dịch) do các NĐT Hong Kong phát triển. 08 dự án này phủ sóng tại khu công nghiệp Hải Hà (Quảng Ninh), Văn Trung (Bắc Giang), An Dương (Hải Phòng), Phước Đông (Tây Ninh), Bầu Xeo (Đồng Nai), Mỹ Phước 3 (Bình Dương) và Mộc Bài (Tây Ninh). Tổng giá trị 08 giao dịch này ước gần 700 triệu USD.

Các NĐT đến từ Trung Quốc đại lục có 04 dự án tại các khu công nghiệp Đình Vũ (Hải Phòng), Hòa Phú (Bắc Giang), Nam Tân Uyên (Bình Dương) và Châu Đức (Bà Rịa – Vũng Tàu) với giá trị giao dịch hơn 300 triệu USD.

Các NĐT đến từ Đài Loan đóng góp 03 giao dịch tại hai khu công nghiệp phía Bắc là Đồng Văn 3 (Hà Nam) và Đông Mai (Quảng Ninh) và giá trị các thương vụ này đạt hơn 380 triệu USD.

Các NĐT Singapore chỉ có 02 giao dịch tại khu công nghiệp Bỉm Sơn (Thanh Hóa) và Bầu Bàng (Bình Dương) với tổng giá trị 2 thương vụ này đạt 90 triệu USD. Các giao dịch còn lại chia đều cho các nhà đầu tư đến từ Nhật Bản, Thái Lan, Hàn Quốc.

Nhà đầu tư Trung Quốc đổ bộ vào bất động sản công nghiệp Việt Nam - 2

Hiện nay, các DN Trung Quốc đã có mặt tại nhiều khu công nghiệp tại Việt Nam. Ảnh: KCN Đồ Sơn (Hải Phòng) với nhiều DN Trung Quốc đang hoạt động

Các dự án của khối ngoại đều thuộc lĩnh vực sản xuất hoặc gia công tập trung vào những nhóm ngành: dệt may và may mặc, thiết bị điện, linh kiện điện tử, máy móc, sản phẩm nhựa - kim loại - giấy - cao su và sản phẩm nông nghiệp. Trong khi các khu công nghiệp phía Bắc đang ghi nhận số lượng các thương vụ giao dịch thành công trải đều ở nhiều tỉnh thành thì Bình Dương nổi lên là điểm đến hút nhiều dự án sản xuất nhất vùng công nghiệp phía Nam.

Đối với diễn biến của thị trường BĐS công nghiệp trong 12 tháng tới, sách trắng Bất động sản công nghiệp của Savills dự báo từ quý IV/2020 đến quý IV/2021, thị trường BĐS công nghiệp Việt Nam sẽ đón thêm 6 khu công nghiệp quy mô lớn với tổng diện tích đất phục vụ công nghiệp tăng lên đến 3.733 ha.

Nguồn cung mới hiện diện tại Long An, Bà Rịa – Vũng Tàu, Bắc Ninh, Vĩnh Phúc, riêng Hải Phòng sẽ đón thêm 2 khu công nghiệp. Đứng đầu nguồn cung mới là tỉnh Long An, dự án Khu công nghiệp Việt Phát quy mô khủng, lên đến 1.800 ha, dự kiến gia nhập thị trường vào quý IV/2020 hoặc đầu năm 2021.

Về làn sóng vốn FDI vào lĩnh vực BĐS công nghiệp tại Việt Nam thời gian qua, ông Đỗ Nhất Hoàng, Cục trưởng Cục Đầu tư nước ngoài, Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho rằng đã và đang có 3 làn sóng đầu tư bất động sản công nghiệp trải dài 25 năm qua và mỗi đợt sóng tiếp theo càng mạnh mẽ hơn. Làn sóng đầu tiên diễn ra năm 1996, làn sóng thứ 2 là năm 2008 và làn sóng thứ ba là năm 2020 lại là giai đoạn đặc biệt nhất khi đây là làn sóng mới, đồ thị tăng trưởng liên tục đi lên.

Chia sẻ nhận định trên, ông John Campbell, Quản lý bộ phận Bất động sản Công nghiệp Savills Việt Nam cho biết dù dịch bệnh khiến kinh tế toàn cầu khó khăn, hạn chế đi lại vẫn tiếp tục kéo dài, song hoạt động sáp nhập, thâu tóm, mua bán bất động sản công nghiệp tại thị trường Việt Nam lại có xu hướng được mở rộng với nhóm khách hàng quốc tế.

Cụ thể, trong 9 tháng đầu năm 2020 đã có một số thương vụ sáp nhập quan trọng và sự xuất hiện thêm các tài sản để bán, cho thuê trên thị trường bất động sản công nghiệp vẫn chuyển động mạnh.