Nhà đầu tư lãnh hậu quả sau một thời "sốt" đất, rao cắt lỗ xuất hiện ở đâu?
(Dân trí) - Giá đất ở một số khu vực có hiện tượng sốt đất như Hòa Lạc, Sơn Tây, Hoài Đức (Hà Nội) hay Thanh Hóa… đã có dấu hiệu sụt giảm, thể hiện qua thông tin chào bán trên thị trường.
Đại dịch Covid-19 lần thứ 4 kéo dài và diễn biến ngày càng phức tạp khiến thị trường bất động sản chịu ảnh hưởng nặng nề. Đất nền những khu vực "sốt nóng" thời điểm đầu năm đang có dấu hiệu tuột dốc.
Trong báo cáo tình hình 6 tháng đầu năm mới công bố, Bộ Xây dựng khẳng định thị trường đất nền đã có hiện tượng giảm giá mạnh từ 10-20% so với hồi cao điểm. Tuy nhiên Bộ Xây dựng cũng cho biết, lượng giao dịch rất thấp.
Còn theo Hội môi giới bất động sản Việt Nam, với phân khúc đất nền, liền kề, lượng giao dịch thấp một phần do giá còn ở mức cao, một phần do dịch bệnh Covid-19 kéo dài đến nay chưa có điểm dừng.
"Tình trạng sốt đất và đầu tư theo phong trào, đám đông… đã đẩy nhiều nhà đầu tư lẻ phải chịu hậu quả. Nhiều hiện tượng rao bán cắt lỗ, giảm giá diễn ra trên thị trường", ông Nguyễn Văn Đính - Phó Chủ tịch kiêm Tổng thư ký Hội Môi giới bất động sản cho hay.
Đại diện Hội môi giới cho biết, nhà liền kề chủ yếu ở Đông Anh, Gia Lâm, Phú Xuyên. Một số sản phẩm cao cấp cũng có dấu hiệu giảm giá thông qua việc đưa chính sách khuyến mãi lớn và tặng quà khủng. Ngoài ra, giá đất tại các dự án ở Đông Anh, Gia Lâm chững lại và giữ như ở cuối quý I mặc dù giao dịch thấp.
Bên cạnh đó, giá đất ở một số khu vực có hiện tượng sốt đất như: Hòa Lạc, Sơn Tây, Hoài Đức… đã có dấu hiệu sụt giảm, thể hiện qua thông tin chào bán trên thị trường. Tuy nhiên, theo Hội môi giới, dù vậy cũng không xuất hiện giao dịch thực.
Theo quan sát từ giới đầu tư bất động sản, thời điểm đầu khi dịch mới bùng, đất nền tại những điểm nóng đầu năm như Đông Anh, Hoài Đức, Thanh Trì (Hà Nội), Quảng Ninh, Bắc Ninh, Bắc Giang chỉ ghi nhận tình trạng giao dịch chậm lại hoặc đóng băng do là tâm dịch (Bắc Ninh, Bắc Giang), giá vẫn cao thì đến thời điểm hiện tại tình trạng cắt lỗ sâu bắt đầu xuất hiện ngày càng nhiều.
Tâm lý ban đầu của nhiều nhà đầu tư là "chờ thời", kỳ vọng dịch sớm được kiểm soát, thị trường sẽ được khởi động lại. Nhưng đã gần 3 tháng trôi qua, dịch không có dấu hiệu "thuyên giảm" mà ngày càng phức tạp khiến thị trường đã khó càng thêm khó.
Theo số liệu của Batdongsan.com.vn, tại thị xã Quảng Yên (Quảng Ninh), những lô đất tại khu Thống Nhất (phường Tân An, thị xã Quảng Yên) từng được chào bán 24-29 triệu đồng/m2 thì nay nhiều nhà đầu tư rao bán chỉ còn 17-20 triệu đồng/m2.
Những lô đất sát quy hoạch dự án Hạ Long Xanh thuộc phường Tân An (thị xã Quảng Yên) từng được chào bán vào cuối tháng 3, đầu tháng 4 với giá 20-22 triệu đồng/m2 thì nay nhiều nhà đầu tư đang rao bán cắt lỗ với giá 15-17 triệu đồng/m2.
Đối diện khu phức hợp Hạ Long Xanh, đất tại Tân Thành từng có mức giá 14-16 triệu đồng/m2 thời điểm nóng sốt thì nay không ít nhà đầu tư đang rao bán mức 12-13 triệu đồng/m2.
Hay tại Thanh Hóa, một điểm đất nền nóng bỏng đầu năm của cả nước, đất ven biển Hải Tiến từ mức chào bán 8-12 triệu đồng/m2 cách đây 3 tháng, giờ nhiều nhà đầu tư ra hàng chỉ 7-10 triệu đồng/m2.
Đất ven biển Quảng Xương từ mức giá 15-16 triệu đồng/m2 nay một số giao dịch thực ghi nhận mức giá đạt được chỉ là 13-14 triệu đồng/m2. Đất tại khu đô thị Quảng Phúc, Quảng Tâm (Thanh Hóa) từ mức giá 18-23 triệu đồng/m2 tháng 3/2021 thì nay nhiều nhà đầu tư chào bán chỉ 16-19 triệu đồng/m2...