Ngôi nhà của anh Văn nằm tại quận Tân Phú, TPHCM được xây dựng từ 15 năm trước với lối kiến trúc phổ biến thời bấy giờ. Tuy nhiên, qua thời gian, ngôi nhà trở nên cũ kỹ, lạc hậu, không đáp ứng được nhu cầu sử dụng của gia đình.
Trước khi cải tạo, căn nhà gồm 2 tầng với lối thiết kế khá phổ thông của những thập niên trước. Trải qua năm tháng, nội thất căn nhà bộc lộ sự xuống cấp và lỗi thời rõ rệt. Sau khi khảo sát, đội ngũ thiết kế quyết định tận dụng khung kết cấu cũ, thi công thêm phần không gian mới (tầng 2 và sân thượng). Sự can thiệp này là vừa đủ để đáp ứng đủ các khối không gian cho chủ nhà đồng thời không thay đổi nhiều về cấu trúc cũ.
Sau khi cải tạo, mặt tiền ngôi nhà trở nên độc đáo, nổi bật hơn hẳn so với những căn nhà xung quanh. Cánh cổng trượt màu sắc bắt mắt khiến nhiều người tò mò ngay từ cái nhìn đầu tiên.
Các KTS đã khéo léo thiết kế ngôi nhà theo cấu trúc mái vòm. Đối với ngoại thất, cấu trúc mái vòm tạo nên sự mới lạ, độc đáo, mang tính gợi mở. Trong khi đó, kiểu thiết kế này cũng giúp cải thiện không gian, tạo độ chuyển tiếp mềm mại cho các khu vực chức năng trong nhà.
Xuyên suốt công trình, mọi chi tiết thiết kế đều hướng tới tính mở, thông gió và đón sáng.
Tận dụng ngôi nhà có diện tích bề ngang rộng 4.5m, sâu 15.6m, nhóm kiến trúc sư có đủ điều kiện để tổ chức luồng giao thông dọc theo các trục không gian chuyển tiếp, thể hiện qua sự thay đổi vị trí của 2 khu vực cầu thang từ trệt lên tầng 1, và từ tầng 2 lên tầng thượng.
Thêm vào đó, giếng trời cũng được mở rộng dần theo phương đứng, giúp căn nhà có sự lưu thông không khí nhịp nhàng và hiệu quả.
Sau khi cải tạo, ngôi nhà đã thay đổi 360 độ: vừa có sự ấn tượng, độc đáo vừa mang nét hoài cổ, tinh tế, ghi dấu ấn của kiến trúc nhà Việt xưa. Khung cửa vòm lớn kết hợp bức tường lỗ thông gió, vừa tăng tính thẩm mỹ cho căn nhà, vừa giúp lưu thông không khí hiệu quả. Đường cong mềm mại kết hợp với khoảng thông tầng tạo cảm giác thông thoáng và thanh thoát hơn cho căn nhà. Những đường cong nối tiếp nhau ở giếng trời và khu vực cầu thang tạo hiệu ứng chuyển tiếp không gian đầy thú vị.
Khoảng xanh xuất hiện rải rác trong không gian nhà, điểm xuyết trong mọi khu vực từ phòng khách, phòng ngủ, hành lang. Những khoảng xanh này vừa giúp tăng tính thẩm mỹ vừa tạo sự tương tác giữa gia chủ với thiên nhiên. Tại tầng 1, kiến trúc sư đặt phòng khách và phòng bếp liên thông. Sự thay đổi độ cao và vật liệu lát sàn khiến không gian phòng khách và phòng bếp được phân chia nhưng vẫn có sự liên kết chặt chẽ, liền mạch.
Dù sử dụng kết cấu hiện đại trong xây dựng, song phần nội thất của căn nhà lại phảng phất nét hoài cổ về văn hóa truyền thống Á Đông xưa. Các chi tiết nội thất trong căn nhà cũng rất phù hợp với tập quán sinh hoạt và khí hậu nhiệt đới, nóng ẩm ở Việt Nam.
Những vật liệu thô mộc, truyền thống như cửa gỗ, mành tre, bàn ghế gỗ, gạch bông lát nền nhà... đem đến cảm giác giản dị, gần gũi. Màu sắc, vật liệu, họa tiết, tranh trang trí…là những yếu tố được chú trọng trong thiết kế nội thất tổng thể của căn nhà. Ví dụ như tại gian phòng khách, màu trầm của gỗ, điểm xuyết màu xanh, đỏ của đồ trang trí nổi bật trên nền xám của tường nhà.
Phòng ngủ thông thoáng, tràn ngập ánh sáng và thôn gió tự nhiên.
Căn nhà nổi bật về đêm với kiến trúc tạo ấn tượng thị giác mạnh mẽ.
Hương Thảo
Ảnh: Quang Trần