Bộ Xây dựng:
Người nước ngoài chỉ mua và sở hữu khoảng 3.000 căn nhà ở Việt Nam
(Dân trí) - Theo Bộ Xây dựng, từ khi Luật Nhà ở 2014 có hiệu lực cho đến nay, số lượng nhà ở mà người nước ngoài mua và sở hữu tại Việt Nam là không lớn, chỉ khoảng 3.000 căn, chủ yếu là căn hộ chung cư.
Bộ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Thanh Nghị vừa ký Báo cáo dự kiến tiếp thu, giải trình bước đầu ý kiến tại tổ đại biểu Quốc hội về dự án Luật Nhà ở sửa đổi.
Người nước ngoài mua và sở hữu nhà ở tại Việt Nam không lớn
Về quy định sở hữu nhà ở tại Việt Nam của tổ chức, cá nhân nước ngoài, Bộ Xây dựng cho biết, có một số ý kiến đề nghị xem xét quy định về điều kiện, số lượng, loại nhà ở được sở hữu, tránh ảnh hưởng đến nhu cầu mua nhà ở của công dân trong nước cũng như đảm bảo an ninh quốc phòng, một số ý kiến khác đề nghị rà soát quy định về đối tượng cá nhân nước ngoài được mua và sở hữu nhà ở tại dự thảo nhằm bảo đảm thống nhất với quy định về đối tượng sử dụng đất tại dự thảo Luật này.
Về ý kiến nêu trên, Bộ Xây dựng cho biết, chính sách về tổ chức, cá nhân người nước ngoài được mua và sở hữu nhà ở tại Việt Nam đã được quy định từ năm 2008 theo Nghị quyết số 19/2008/QH12 của Quốc hội và tiếp tục được quy định cụ thể, bổ sung tại Luật Nhà ở 2014 nhằm tạo điều kiện cho tổ chức cá nhân nước ngoài yên tâm sinh sống, làm việc tại Việt Nam, góp phần khuyến khích thu hút đầu tư nước ngoài.
Dự thảo Luật Nhà ở sửa đổi là kế thừa các quy định của Luật Nhà ở 2014, trong đó có quy định điều kiện được mua và sở hữu nhà ở tại Việt Nam của cá nhân người nước ngoài là phải được phép nhập cảnh vào Việt Nam.
"Theo thống kê cho thấy, từ khi Luật Nhà ở 2014 có hiệu lực cho đến nay số lượng nhà ở mà người nước ngoài mua và sở hữu nhà ở tại Việt Nam là không lớn (chỉ khoảng 3.000 căn, chủ yếu là căn hộ chung cư tại các dự án phát triển nhà ở thương mại) không ảnh hưởng đến nhu cầu mua nhà ở của công dân trong nước", báo cáo của Bộ Xây dựng nêu.
Bên cạnh đó, theo Bộ Xây dựng, Luật Nhà ở 2014 và nay là dự thảo Luật Nhà ở sửa đổi cũng đã quy định chặt chẽ về loại nhà, khu vực được mua, số lượng nhà ở được phép mua và sở hữu. Cụ thể như, chỉ được mua nhà ở thương mại trong các dự án không thuộc khu vực cần bảo đảm an ninh, quốc phòng và chỉ được mua không vượt quá 30% căn hộ trong một tòa nhà, hoặc 250 căn nhà riêng lẻ trên một đơn vị hành chính có số dân tương đương cấp phường.
Do đó, quy định này sẽ không làm ảnh hưởng đến việc thực hiện chính sách nhà ở khác của Nhà nước như chính sách nhà ở xã hội, nhà ở tái định cư, nhà cho người có thu nhập thấp tại khu vực đô thị.
Mặt khác, Nghị quyết số 18/NQ-TW cũng không đề cập đến quy định này, do đó, đề nghị giữ nguyên quy định tại dự thảo để tiếp tục chính sách khuyến khích thu hút đầu tư nước ngoài trong giai đoạn hiện nay.
"Vấn đề có tính nhạy cảm cao, tác động lớn đến xã hội"
Về thời hạn sở hữu nhà chung cư, một số ý kiến đề nghị cần phải có quy định về thời hạn sở hữu nhà chung cư để tạo cơ sở pháp lý cho công tác phá dỡ, xây dựng lại nhà chung cư, bảo đảm an toàn cho người sử dụng.
Về ý kiến này, Bộ Xây dựng - Cơ quan chủ trì soạn thảo cho biết, trong Tờ trình số 11 ngày 30/01/2023 trình Chính phủ, Cơ quan chủ trì soạn thảo đã đề xuất 2 phương án: có quy định về sở hữu nhà chung cư có thời hạn; không quy định về sở hữu nhà chung cư có thời hạn.
Tuy nhiên, tại Thông báo kết luận số 2101, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cũng đã có ý kiến cho rằng, đây là vấn đề có tính nhạy cảm cao, tác động lớn đến xã hội và vẫn còn có những ý kiến chưa thống nhất. Do vậy, Bộ Xây dựng đã đề nghị Chính phủ cho phép tiếp thu ý kiến của Ủy ban Thường vụ Quốc hội là không quy định về sở hữu nhà chung cư có thời hạn trong dự thảo Luật Nhà ở sửa đổi để trình Quốc hội cho ý kiến.
Dù vậy, theo Bộ Xây dựng, để có cơ sở pháp lý cho việc thực hiện các dự án cải tạo, xây dựng lại nhà chung cư, trong dự thảo Luật đã có bổ sung, làm rõ các nội dung về thời hạn sử dụng nhà chung cư, các trường hợp phá dỡ nhà chung cư, quyền và nghĩa vụ của chủ sở hữu trong việc di dời, phá dỡ và đóng góp kinh phí để xây dựng lại nhà chung cư. Đồng thời, làm rõ trách nhiệm của các chủ thể có liên quan khi phá dỡ, cải tạo, xây dựng lại nhà chung cư để có cơ sở xử lý, giải quyết tháo gỡ các trường hợp đang gặp khó khăn, vướng mắc trên thực tế hiện nay.