Đại biểu Quốc hội: Người đóng thuế thu nhập cá nhân nên được mua nhà xã hội

Trần Kháng

(Dân trí) - Theo một số đại biểu Quốc hội đoàn TPHCM, cần xem xét lại quy định về mức thu nhập cá nhân phải đóng thuế thu nhập cá nhân hiện nay vì nếu giữ quy định này, người lao động sẽ không có tiền để mua nhà.

Thảo luận tổ về dự án Luật Nhà ở sửa đổi sáng 5/6, đại biểu đoàn TPHCM đã tập trung góp ý nhiều nội dung liên quan tới các chính sách nhà ở xã hội, trong đó, đáng chú về nội dung về cơ chế linh hoạt và đối tượng mua nhà ở xã hội...

Băn khoăn chuyện người đóng thuế thu nhập cá nhân không được mua nhà ở xã hội

Liên quan tới đối tượng được xem xét mua nhà ở xã hội, đại biểu Văn Thị Bạch Tuyết đề nghị, ở khoản 6, điều 73 của dự án Luật Nhà ở sửa đổi cần quy định theo hướng công nhân, người lao động có thu nhập không thuộc diện phải nộp thuế thu nhập theo quy định của pháp luật về thuế thu nhập cá nhân để đảm bảo mọi công nhân và người lao động các loại hình doanh nghiệp đều được hưởng chính sách được mua nhà ở xã hội.

Ngoài ra, đại biểu này cũng kiến nghị Quốc hội, cần xem xét lại quy định về mức thu nhập phải đóng thuế thu nhập cá nhân hiện nay.

Vì theo ý kiến của rất nhiều công nhân, người lao động, quy định này đến nay đã lạc hậu. Phần thu nhập của người lao động cao hơn mức họ phải nộp thuế thu nhập cá nhân. Nhưng với thu nhập đó, họ phải nuôi thêm 2 đứa con và mức chi phí hiện nay cho các hàng hóa đảm bảo thiết yếu đảm bảo cho đời sống của họ thì lại không có dư. "Nếu giữ quy định này, họ sẽ không có tiền để mua nhà được. Do đó, cần xem xét điều chỉnh phù hợp, tạo điều kiện cho công nhân, người lao động có cơ hội sở hữu nhà của riêng mình", đại biểu Tuyết nêu.

Liên quan tới nội dung về đối tượng hỗ trợ nhà ở cho người lao động, đại biểu Trần Hoàng Ngân ủng hộ quan điểm người đóng thuế thu nhập cá nhân được mua nhà ở xã hội. Bởi theo đại biểu, hiện nay ngưỡng đóng thuế thu nhập thấp, trong khi họ phải đóng mức giảm trừ gia cảnh, đáng lẽ ra cần phải được biểu dương.

Góp ý thêm về đối tượng mua nhà ở xã hội, đại biểu Trần Hoàng Ngân cho rằng, hiện TPHCM có khoảng 2-3 triệu công nhân, nhưng trong khu công nghệ, công nghiệp chỉ khoảng 200.000 đến 300.000 lao động, còn lại là lao động ở ngoài. Nếu dự thảo Luật Nhà ở chỉ giới hạn đối tượng mua nhà ở xã hội chỉ là công nhân khu công nghiệp, 70-80% lao động sẽ bị loại bỏ cơ hội.

Đại biểu Quốc hội: Người đóng thuế thu nhập cá nhân nên được mua nhà xã hội - 1

Đại biểu quốc hội TPHCM kiến nghị cần có cơ chế chính sách linh hoạt trong phát triển nhà ở xã hội (Ảnh minh họa: Hà Phong).

"Chính sách đề cập đến nhà ở bán cho người lao động, tuy nhiên, cần nhấn mạnh đến nhu cầu nhà ở cho thuê bởi hiện nay phần lớn người lao động không có khả năng mua nhà. Nếu mua thì cũng chịu gánh nặng nợ lãi vay lớn, trong khi đời sống và đồng lương còn bấp bênh", đại biểu Ngân nêu.

Ngoài ra, đại biểu còn cho rằng, cần chú trọng, đề cao xây dựng nhà ở cho thuê cho công nhân bởi đại đa số người dân hiện không tiếp cận được mua nhà ở. Việc tăng diện tích nhà cho thuê sẽ giúp tăng nguồn cung nhà ở cho người dân, người lao động, từ đó giảm áp lực nhà ở, khiến giá nhà sẽ giảm.

Vẫn cần quy định chủ đầu tư dành 20% quỹ đất làm nhà ở xã hội

Theo đại biểu Văn Thị Bạch Tuyết, việc lập kế hoạch phát triển nhà ở tại tỉnh là không cần thiết, UBND các tỉnh chỉ cần lập kế hoạch phát triển nhà ở xã hội, nhà ở cho công nhân, nhà lưu trú cho công nhân, người có thu nhập thấp. Kế hoạch của các chính quyền cho địa phương cần tập trung vào các dự án phục vụ cho các đối tượng mà Nhà nước hỗ trợ. Qua đó có chính sách cụ thể, thì các đối tượng trên mới có cơ hội tiếp cận nhà ở.

Bên cạnh đó, vị đại biểu này cũng bày tỏ quan điểm thống nhất về quy định UBND cấp tỉnh phải có trách nhiệm quy hoạch, bố trí quỹ đất để phát triển nhà ở xã hội trên địa bàn. Theo đại biểu, UBND cấp tỉnh có trách nhiệm báo cáo Hội đồng Nhân dân dành một tỷ lệ nhất định từ tiền thuê đất, tiền sử dụng đất, dự án đầu tư xây dựng nhà ở thương mại, khu đô thị trên địa bàn để thực hiện công tác bồi thường giải phóng mặt bằng và đầu tư hạ tầng kỹ thuật cho các dự án nhà ở xã hội.

Ngoài ra, đại biểu Văn Thị Bạch Tuyết kiến nghị quy định trách nhiệm các nhà đầu tư nhà ở thương mại, khu đô thị thương mại cần đóng góp 20% quỹ đất làm nhà ở xã hội bằng tiền để chính quyền địa phương thực hiện công tác nhà ở xã hội.

"Tôi cho rằng, dự thảo luật không nên bỏ quy định chủ đầu tư phải dành 20% quỹ đất dự án nhà ở thương mại để làm nhà ở xã hội. Cần tiếp tục quy định, nhưng có cơ chế linh hoạt khác, giao thẩm quyền cho UBND cấp tỉnh thực hiện công tác này, để có thể thêm nguồn lực phát triển nhà ở xã hội", bà Tuyết nêu.

Giải thích thêm về quan điểm trên, đại biểu Văn Thị Bạch Tuyết cho biết, hiện nay, các chủ đầu tư dự án nhà ở thương mại, khu đô thị phải dành 20% quỹ đất dự án của mình để xây dựng nhà ở xã hội nhưng có nhiều dự án ở TPHCM hay Hà Nội, nếu xây riêng 1 khối nhà cho nhà ở xã hội thì sẽ không đủ diện tích để bố trí, đảm bảo toàn bộ hạ tầng. Đối với một số khu nhà ở cao cấp, nếu bố trí thêm 1 nhà ở xã hội trong đó thì nó làm giảm giá trị của khu đó.