Ngừng bán cắt lỗ, nhà đầu tư condotel lại chờ "sóng mới"
(Dân trí) - Nhiều yếu tố tích cực từ việc mở cửa lại du lịch đang khiến nhiều nhà đầu tư căn hộ khách sạn (condotel) dừng rao bán cắt lỗ.
Chủ condotel ngừng cắt lỗ
Dịch Covid-19 bùng phát 2 năm qua đã tác động lớn đến thị trường bất động sản đặc biệt là phân khúc bất động sản nghỉ dưỡng. Có thời điểm nhiều nhà đầu tư condotel ở Khánh Hòa, Đà Nẵng… không còn khả năng "gồng lỗ" đã phải chấp nhận rao bán cắt lỗ hàng trăm triệu đồng mỗi căn.
Tuy nhiên, từ cuối năm 2021 đến nay, tình trạng rao bán cắt lỗ condotel cũng giảm, do tình hình dịch Covid-19 đang dần được kiểm soát và hoạt động mở cửa du lịch an toàn đang mở ra những kỳ vọng mới cho nhà đầu tư condotel.
Chị Nguyễn Phương Thảo - một chủ căn condotel trên đường Trần Phú, TP Nha Trang (Khánh Hòa) - cho biết, tháng 6 năm ngoái, chị có rao bán cắt lỗ căn condotel này với giá thấp hơn 200 triệu đồng so với thời điểm mua năm 2018 nhưng vẫn không có người mua. Đến tháng 1 vừa qua, khi nhận thấy du lịch đang dần được mở cửa trở lại, chị đã quyết định không bán căn condotel này nữa.
"Thông tin rao bán cắt lỗ căn condotel được tôi đăng trên nhiều trang mua bán bất động sản điện tử, nhưng rất ít người hỏi mua. Tháng 2 vừa qua, khi quyết định không bán cắt lỗ nữa thì lại có người gọi điện hỏi mua, tôi lại phải đi gỡ các thông tin rao bán", chị Thảo nói.
Chia sẻ với Dân trí, anh Nguyễn Văn Dương - một môi giới bất động sản ở Đà Nẵng - cho biết, trong năm 2021, nhóm môi giới của anh đã nhận bán nhiều căn condotel ở quận Ngũ Hành Sơn, Sơn Trà cho những nhà đầu tư ở Hà Nội. Trong đó, có nhà đầu tư muốn bán gấp đã chấp nhận bán cắt lỗ khoảng 100-300 triệu đồng/căn, nhưng do dịch Covid-19 số lượng căn bán được cũng không nhiều.
"Do dịch Covid-19, các căn condotel không có khách nghỉ dưỡng, phòng bỏ trống, thu nhập giảm, nhà đầu tư không có tiền trả lãi ngân hàng. Nhiều trường hợp nhà đầu tư rót tiền mua 2-3 căn hộ để kinh doanh, gặp dịch không có khách kéo dài nên phải bán cắt lỗ", môi giới Dương nói.
Về diễn biến thị trường hiện nay, anh Dương chia sẻ, giao dịch condotel nhìn chung vẫn còn ảm đạm. Thế nhưng có nhiều nhà đầu tư gửi bán cắt lỗ, giờ lại yêu cầu dừng để do diễn biến mở cửa du lịch trở lại. "Hiện nay cả nhà đầu tư mới và cũ đang thận trọng trước khi mua bán condotel. Tình trạng cắt lỗ chắc chắn sẽ không xảy ra trong thời gian này khi thị trường đang có tín hiệu tích cực", môi giới nói.
Trao đổi với Dân trí, ông Trần Đình Quý - Chủ tịch Hội Môi giới bất động sản Khánh Hòa - cho rằng, condotel được rao bán cắt lỗ có nhiều nguyên nhân. Một trong những nguyên nhân đó là ảnh hưởng từ dịch Covid-19. Nhưng xét ở tổng thể, dịch Covid-19 chỉ là tác động phụ khiến cho tình hình condotel ảm đạm do chưa giải quyết vấn đề pháp lý của condotel và tình trạng việc cam kết lợi nhuận không đảm bảo khiến người mua thất vọng.
"Đa phần người mua sử dụng đòn bẩy tài chính từ ngân hàng. Ví dụ, người mua căn hộ condotel 2 tỷ đồng nhưng họ chỉ bỏ ra 700 triệu đồng, còn lại vay ngân hàng. Họ tính rằng cam kết lợi nhuận 10-12% một năm được thực hiện, sẽ bù vào khoản lãi vay ngân hàng. Nhưng khi cam kết không thực hiện, dẫn tới nguồn tiền thiếu hụt, các công việc khác ảnh hưởng, diễn ra cắt lỗ", ông Quý nói.
Cũng theo ông Quý, du lịch địa phương đang dần khởi động trở lại, chắc chắn nhu cầu, tiềm năng của bất động sản nghỉ dưỡng nó sẽ biến thiên theo chiều hướng tốt. Tình trạng cắt lỗ cũng khó xảy ra trong giai đoạn thị trường đang phục hồi.
Không thoát áp lực tăng giá
Theo đánh giá của giới chuyên gia, hoạt động du lịch phục hồi là bước tiến quan trọng đối với nền kinh tế và thị trường bất động sản, đặc biệt là bất động sản nghỉ dưỡng. Thị trường phục hồi sẽ thể hiện rõ nhất ở các tỉnh ven biển, khi mà sự phát triển của lĩnh vực bất động sản có thể nói là quan hệ cộng sinh với ngành du lịch.
Ông Nguyễn Hoàng - Giám đốc Nghiên cứu & Phát triển (R&D) DKRA Vietnam - cho rằng, bất động sản du lịch nghỉ dưỡng phụ thuộc vào hoạt động du lịch. Những địa phương có thế mạnh về du lịch như Đà Nẵng, Quảng Nam, Khánh Hòa, Phú Quốc có sự thay đổi cả về chất lượng và sản phẩm du lịch nên sẽ có sự phục hồi sớm hơn.
Bên cạnh đó, những địa phương có cơ chế linh hoạt trong việc thích ứng an toàn khi phòng chống dịch Covid-19 (thay vì hạn chế hoặc các áp dụng biện pháp quá chặt chẽ) sẽ có lượng khách du lịch sôi động hơn. Khi hoạt động du lịch của các địa phương này sôi động hơn, các dự án bất động sản du lịch nghỉ dưỡng cũng có nhiều cơ hội hơn.
Ngoài ra, một số địa phương khác như Bà Rịa - Vũng Tàu với lợi thế ngay sát TPHCM, gần sân bay Long Thành đang xây dựng và một vài địa phương khác như Bình Định, Phú Yên cũng có tiềm năng trở thành điểm đến mới cho du lịch, có tính cạnh tranh.
Về giá bất động sản nghỉ dưỡng, Giám đốc DKRA Vietnam cũng dự báo, cùng chịu chung áp lực tăng giá của thị trường bất động sản nói chung do nhiều nguyên nhân, ví dụ chi phí đầu vào tăng. Bất động sản du lịch nghỉ dưỡng cũng sẽ đối mặt với áp lực tăng giá.
Điều này sẽ làm tăng thêm thách thức và sức hút của phân khúc này, đồng thời cũng yêu cầu các chủ đầu tư phải đưa ra những chính sách bán hàng hấp dẫn hơn trong năm tới.
Theo dữ liệu từ Trung tâm Thông tin du lịch (Tổng cục Du lịch), chỉ trong 9 ngày Tết (từ 29/1 đến 6/2), ngành du lịch đã phục vụ khoảng 6,1 triệu lượt khách nội địa, trong đó có 3,2 triệu lượt khách nghỉ đêm tại các cơ sở lưu trú du lịch; tổng thu ước đạt hơn 25.000 tỷ đồng.