Nhà đầu tư tay ngang ôm đất giá không tưởng, chấp nhận cắt lỗ, bán tháo

Nguyễn Khánh

(Dân trí) - Theo DKRA, thị trường xuất hiện một số nhà đầu tư có sử dụng đòn bẩy tài chính, chịu áp lực về lãi vay, họ chấp nhận cắt lỗ, giảm giá bán hoặc giảm một phần lợi nhuận để thu hồi dòng vốn

Theo báo cáo thị trường tháng 7 mới được công bố, DKRA Việt Nam cho biết sức cầu chung toàn thị trường đất nền giảm đáng kể.

Nguyên nhân là tình hình dịch bệnh Covid-19 bùng phát và kéo dài trong thời gian vừa qua đã ảnh hưởng đến tất cả các hoạt động của nền kinh tế, trong đó có lĩnh vực bất động sản.

Nhà đầu tư tay ngang ôm đất giá không tưởng, chấp nhận cắt lỗ, bán tháo - 1

Đáng chú ý theo ghi nhận trong tháng 7, thị trường đất nền TP HCM và các tỉnh giáp ranh không ghi nhận nguồn cung mới được mở bán trong tháng. Đây là lần đầu tiên thị trường thiếu vắng nguồn cung mới.

Riêng tại thị trường thứ cấp, thanh khoản phân khúc đất nền thị trường phía Nam giảm mạnh so với giai đoạn trước khi dịch bùng phát.

"Vào cuối tháng, thị trường xuất hiện một số nhà đầu tư có sử dụng đòn bẩy tài chính, chịu áp lực về lãi vay, họ chấp nhận cắt lỗ, giảm giá bán hoặc giảm một phần lợi nhuận để thu hồi dòng vốn", đại diện DKRA cho biết.

Theo đơn vị này, sự phục hồi của thị trường phụ thuộc vào tình trạng khống chế dịch bệnh ở địa bàn TP HCM và các tỉnh thành khác.

Ông Nguyễn Văn Đính, Phó chủ tịch Hội môi giới bất động sản Việt Nam cũng cho biết, cắt lỗ thì có nhiều, đó là nhà đầu tư tay ngang nhảy vào ôm đất với giá không tưởng, sau khi mua xong tìm cách bán để rút tiền.

"Do giá cao, ít người mua đành phải hạ giá để thu tiền về. Nhiều nhà đầu tư tay ngang còn mua những sản phẩm không phù hợp với quy định pháp luật", ông Đính cho hay.

Theo vị chuyên gia, khác với nhà đầu tư tay ngang, nhà đầu tư chuyên nghiệp bán cắt lỗ đất nền rất ít thay vào đó họ bán cắt lỗ căn hộ chung cư cao cấp là nhiều. Nhà đầu tư mua phân khúc này với hi vọng thị trường tốt lên, tăng trưởng, bán được giá. Nếu kinh tế phát triển thì giá họ mua đến thời điểm này phù hợp, song do kinh tế suy yếu khiến nhu cầu thực giảm đi, áp lực về tài chính khi nhiều người dùng đòn bẫy tín dụng cho nên họ buộc phải bán tháo để lấy tiền trả nợ.

Trước đó, theo Bộ Xây dựng, thị trường bất động sản quý II đã cơ bản được kiểm soát và dần đi vào ổn định, đã xuất hiện tượng giảm giá (khoảng 10-20% so với thời kỳ cao điểm). 

Lượng giao dịch đất nền trong quý II có xu hướng giảm so với quý trước. Giá giao dịch đất nền tại một số địa phương từng là điểm nóng về bất động sản cũng đã được Bộ Xây dựng đưa ra khá chi tiết.

Cụ thể tại Hà Nội: The Phoenix Garden (Đan Phượng) giá khoảng 32,2 triệu đồng/m2, Khu đô thị Inoha City Phú Xuyên (Phú Xuyên) giá khoảng 24,7 triệu đồng/m2, Orange Garden (Hoài Đức) giá khoảng 39,1 triệu đồng/m2, The Spring Town Xuân Mai (Chương Mỹ) giá khoảng 14,5 triệu đồng/m2, Hòa Lạc Premier Residence (Sơn Tây) giá khoảng 13,9 triệu đồng/m2…

Tại TPHCM: Khu dân cư Phú Nhuận 1,2 (quận 2) khoảng 135,2 triệu đồng/m2, Đào Sư Tích Residence (huyện Nhà Bè) khoảng 51,2 triệu đồng/m2, Khu dân cư Hồng Quang (huyện Bình Chánh) khoảng 27,4 triệu đồng/m, The EverRich III (quận 7) giá khoảng 108,3 triệu đồng/m2, Hưng Phú 1 (quận 9) giá khoảng 56,2 triệu đồng/m2, Tam Đa BCR (quận 9) giá khoảng 40 triệu đồng/m2, KDC Phú Xuân Vạn Hưng Phú (huyện Nhà Bè) giá khoảng 38,4 triệu đồng/m2...

Ở Bình Dương: Giá giao dịch dự án Khu đô thị Phúc Đạt (TP Thủ Dầu Một) khoảng 44,3 triệu đồng/m2, Khu đô thị Newtown 6 (TX Bến Cát) giá giao dịch tăng khoảng 8,6% lên mức 11,5 triệu đồng/m2…