Ngủ gật - Nét đặc trưng văn hóa của người Nhật

Chi Chi

(Dân trí) - Ngủ gật ở Nhật là được tuyên dương, khen ngợi, cho đó là một hình ảnh đẹp và mang ý nghĩa người ngủ gật là người siêng năng.

Từ bao lâu nay, Nhật Bản luôn được các nước trên thế giới biết đến bởi tinh thần làm việc không ngừng nghỉ, luôn luôn tập trung vào công việc và đặt công việc lên hàng đầu.

Việc ngủ đủ giấc là một việc rất quan trọng vì nếu ngủ không đủ giấc thì đầu óc sẽ không thể minh mẫn làm việc được. Và việc ngủ gà ngủ gật được xem là một hình ảnh không hề đẹp và thậm chí còn có phần bất lịch sự thì ở Nhật là được tuyên dương, khen ngợi và cho đó là một hình ảnh đẹp và mang ý nghĩa người ngủ gật là người siêng năng.

Với Nhật Bản, những người ngủ ngay ngắn trên giường thì bị cho là lười biếng và ngược lại việc ngủ gật ngoài đường hay trên tàu lại là việc đáng khen. Và việc ngủ gật được gọi là "inemuri"

Ngủ gật - Nét đặc trưng văn hóa của người Nhật - 1

Văn hóa ngủ gật của người Nhật được gọi là "inemuri" (Ảnh: Japan Travel). 

Hình ảnh ngủ gật có thể bắt gặp ở nhiều nơi và rất phổ biến ở Nhật Bản từ công viên, ngoài đường, ngoài ga, hàng ghế chờ và dễ nhìn thấy nhất chính là tàu điện.

Thuật ngữ inemuri để chỉ trạng thái ngủ nhưng lại không hoàn toàn ngủ, tức người ngủ dường như vẫn có thể ý thức được những thứ xung quanh.

Ví dụ như những người tham gia cuộc họp, người ta có thể ngủ gật nhưng sẽ tỉnh dậy đúng lúc tới phiên người ta lên phát biểu. Hay một chuyện cũng rất thú vị đó là những người ngủ gật trên tàu, với những người có kinh nghiệm và đã thuộc một trường phái lão luyện thì có thể thức dậy đúng ga mà họ muốn xuống mà không cần phải canh giờ đặt báo thức gì cả. 

Ngủ gật - Nét đặc trưng văn hóa của người Nhật - 2

Hình ảnh ngủ gật có thể bắt gặp ở nhiều nơi và rất phổ biến ở Nhật Bản (Ảnh: Japan Travel). 

Mấu chốt nằm ở từ inemuri được hình thành từ 2 Hán tự. "I" nghĩa là "sự có mặt" trong những việc không phải là ngủ còn "nemuri" nghĩa là "ngủ". Khái niệm của Erving Goffman về "sự tham gia trong các tình huống xã hội" có lẽ sẽ hữu ích trong việc giúp ta nắm bắt được ý nghĩa xã hội của inemuri và những nguyên tắc xung quanh nó.

Qua ngôn ngữ hình thể và biểu cảm giọng nói, ta đã tham gia ở một mức độ nào đó trong mọi tình huống có sự hiện diện của mình. Tuy nhiên, ta vẫn có năng lực để phân chia sự chú ý vào những sự góp mặt quan trọng và thứ yếu.

Trong ngữ cảnh này, inemuri có thể được coi là một sự tham gia thứ yếu mà nó có thể được lạm dụng cho tới khi không làm ảnh hưởng đến tình huống xung quanh - tương tự như việc mơ màng.

Cho dù tâm trí người ngủ có thể không ở đó, họ phải có khả năng quay trở lại với tình huống đó khi cần tới những hoạt động đóng góp. Họ cũng phải duy trì sự phù hợp với những sự tham gia quan trọng từ dáng điệu, ngôn ngữ hình thể, cách ăn mặc và những thứ tương tự.

Ngủ gật - Nét đặc trưng văn hóa của người Nhật - 3

Thuật ngữ inemuri để chỉ trạng thái ngủ nhưng lại không hoàn toàn ngủ (Ảnh: Japan travel). 

Inemuri tại nơi làm việc là một ví dụ điển hình. Về nguyên tắc, sự chú tâm và chủ động tham gia là những gì được mong đợi ở chốn làm việc, và ngủ gây ra ấn tượng về sự thờ ơ và người đó đang trốn tránh trách nhiệm của mình. Tuy nhiên, nó cũng được cho là hệ quả của sự mệt mỏi từ công việc. Nó có thể được bỏ qua khi những cuộc họp vốn hay kéo dài và đơn giản chỉ là nghe báo cáo từ lãnh đạo.

Nỗ lực để góp mặt thường được đánh giá cao hơn những gì thực sự đạt được. Như một người Nhật đã nói: "Người Nhật chúng tôi có tinh thần của Olympic - sự góp mặt mới là thứ được tính."

Ngủ gật - Nét đặc trưng văn hóa của người Nhật - 4

Tính cần cù, được biểu hiện bằng nhiều giờ làm việc và dốc hết sức lực, là một đức tính rất được coi trọng tại Nhật Bản (Ảnh: Japan Travel). 

Tính cần cù, được biểu hiện bằng nhiều giờ làm việc và dốc hết sức lực, là một đức tính rất được coi trọng tại Nhật Bản. Một người cố gắng góp mặt trong một buổi họp mặc cho mệt mỏi hay ốm bệnh chứng tỏ sự siêng năng, một ý thức trách nhiệm và sự sẵn sàng hy sinh của họ.

Bằng việc vượt qua nhu cầu và yếu kém thể chất, một người sẽ trở nên đức hạnh và có tâm lý kiên định cũng như tràn đầy năng lượng tích cực. Người như vậy được cho là đáng tin cậy và sẽ được thăng chức.

Ngủ gật - Nét đặc trưng văn hóa của người Nhật - 5

Ngủ gật ở Nhật là hành động được tuyên dương, khen ngợi và cho đó là một hình ảnh đẹp (Ảnh: Japan Travel). 

Thực tế, thói quen inemuri của người Nhật không hẳn cho ta thấy một xu hướng của sự lười biếng. Mà nó là một đặc tính không hợp thức của đời sống xã hội Nhật Bản nhằm đảm bảo việc thực hiện những nghĩa vụ thường ngày bằng việc đưa ra một cách để có thể tạm thời "đi khỏi" trong khi thực hiện nghĩa vụ.

Và vì thế nó đã rất rõ ràng: Người Nhật không ngủ. Họ cũng chẳng chợp mắt. Họ thực hiện inemuri. Và nó sẽ chẳng thể đổi thay.