"Nghẹt thở" với cao ốc ở nội đô

Hàng loạt tuyến đường tại TPHCM như Nguyễn Hữu Cảnh (quận Bình Thạnh), Phổ Quang (quận Tân Bình), Nguyễn Xiển (thành phố Thủ Đức)... bị tắc, kẹt xe nghiêm trọng vì cao ốc "khủng" mọc lên.

Cao ốc mọc lên, đường tắc

Mỗi ngày cứ đến giờ cao điểm, đường Phổ Quang (kéo dài gần 3km từ quận Phú Nhuận qua quận Tân Bình) lại chật cứng dòng người, xe cộ. Trên đoạn đường ngắn chừng 500m, hàng loạt công trình nhà ở khủng mọc lên. Đầu tiên là khu Sky Center, Golden Mansion, The Botanica, rồi Orchard Garden cao 18 tầng, Orchard Park View cũng cao 24 tầng. Trên đoạn đường ngắn phải gánh trên 10.000 căn hộ.

Thêm một điểm nóng kẹt xe ở khu vực nội thành là tuyến đường Nguyễn Hữu Cảnh (quận Bình Thạnh). Con đường có chiều dài 3,2km nối từ chân cầu Sài Gòn, đường Điện Biên Phủ đến đường Tôn Đức Thắng (quận 1) nhưng phải gánh nhiều cao ốc như khu Saigon Pearl, The Manor và hai khu đô thị là khu Tân Cảng và khu cảng Ba Son. Người dân ở đây cho biết, Thành phố đầu tư gần 500 tỷ đồng để nâng cấp đường, giúp giảm ngập nhưng không giải quyết được tình trạng kẹt xe do lượng người và xe ngày càng nhiều.

Nghẹt thở với cao ốc ở nội đô - 1

(Ảnh minh họa).

Tương tự, con đường Bến Vân Đồn (quận 4) chỉ hơn 2km nhưng có gần 20 tòa cao ốc, chung cư, trung tâm thương mại với hàng chục nghìn mét vuông diện tích sàn văn phòng cho thuê, hàng nghìn căn hộ trung và cao cấp. Đường Hoàng Văn Thụ, gần nút giao Lăng Cha Cả - cửa ngõ ra vào sân bay quốc tế Tân Sơn Nhất (quận Tân Bình) cũng có một loạt cao ốc vừa đưa vào sử dụng.

Thời gian qua, lượng xe ra vào các tòa nhà này đều gây xung đột với dòng phương tiện từ các tuyến đường Phạm Văn Hai, Hoàng Văn Thụ, Cộng Hòa... lưu thông qua đây. Ở nhiều thời điểm lễ, Tết, kẹt xe tại khu vực này còn làm ảnh hưởng tới cả trục đường Trường Sơn kéo dài tới cổng sân bay quốc tế Tân Sơn Nhất, khiến người đi đường ám ảnh vô cùng.

Hai điểm nóng kẹt xe mới xuất hiện là đường Nguyễn Hữu Thọ đoạn qua xã Phước Kiển (huyện Nhà Bè) và Nguyễn Xiển đoạn qua phường Long Thạnh Mỹ (thành phố Thủ Đức). Đường Nguyễn Xiển đoạn qua dự án khu đô thị Vinhomes đã được chủ đầu tư dự án mở rộng thành hai làn, giữa đặt dải phân cách nhưng vẫn không giảm tình trạng tắc đường, kẹt xe nơi đây. Trong vài năm tới, cả khu đô thị rộng trên 270ha, với hơn 40.000 căn hộ đưa vào sử dụng thì lấy đường đâu mà đi? Con đường hiện hữu quá nhỏ, hai xe tải tránh nhau đã khó khăn.   

Nhà trước hay đường trước?

Điểm lại các điểm nóng thường xuyên bị tắc đường, kẹt xe do cao ốc mọc lên quá nhiều cho thấy, do các tuyến đường có mặt đường quá hẹp, trên dưới 10m và nhiều năm chưa được nâng cấp, mở rộng. Trong khi đó, chủ đầu tư chỉ biết xây dựng nhà để bán, còn Nhà nước lại chậm đầu tư nâng cấp, mở rộng đường.

Chỉ riêng đường Nguyễn Hữu Cảnh mới được đầu tư gần 500 tỷ đồng để nâng cấp nhưng chỉ nâng đường chống ngập chứ không mở rộng để giải quyết tình trạng kẹt xe. Với tuyến đường Nguyễn Xiển, chủ đầu tư khu dự án Vinhomes đề xuất đầu tư mở rộng từ 8-10m hiện hữu lên 30m, theo phương châm "doanh nghiệp và Nhà nước cùng làm". Nhà nước đầu tư ngân sách để giải phóng mặt bằng. Tuy nhiên, hiện nay dự án mở rộng đường mới dừng lại ở công đoạn đề xuất, kiến nghị.  

Tại những kỳ họp HĐND TPHCM vừa qua, rất nhiều đại biểu đã lên tiếng lo ngại tình trạng một số tuyến đường tại khu vực nội thành đang ngày càng quá tải bởi nhà cao tầng. Đây được xác định là tác nhân chính gây nên tình trạng kẹt xe.

TPHCM là đô thị đặc biệt, có dân số đông nhất cả nước. Trung bình cứ 5 năm, dân số Thành phố tăng cơ học thêm 1 triệu người, kéo theo nhu cầu quỹ đất dành cho nhà ở ngày càng cao. Khu vực lõi trung tâm Thành phố, nơi tập trung hầu hết cơ quan đầu não hành chính, văn phòng nên mật độ dân cư đổ về đây rất cao.

Ngoài vấn đề chỗ ở, chỗ làm việc cũng tăng gấp nhiều lần so với các quận vùng ven. Chính điều này mà nhiều tổ chức, cá nhân, thậm chí người dân tận dụng mọi diện tích đất để xây nhà cao tầng để ở, cho thuê hoặc thành lập các cơ sở làm việc. Việc hình thành dày đặc các tòa cao ốc ở khu trung tâm gây áp lực lớn cho hạ tầng kỹ thuật và hạ tầng xã hội như đường sá, điện chiếu sáng, hệ thống thoát nước, bệnh viện, trường học.

Trái ngược với tình trạng nở phình các tòa cao ốc, nhiều công trình công cộng, hệ thống cây xanh, công viên, khu vui chơi, tập luyện thể dục - thể thao ngày càng hẹp dần, nhường chỗ cho quỹ đất ở. Hệ lụy kéo theo còn là tình trạng ô nhiễm, ngập nước, kẹt xe ở Thành phố ngày càng diễn ra thường xuyên và nghiêm trọng hơn.

Luật sư Đoàn Quang Xuân (Đoàn Luật sư TPHCM) cho biết, tình trạng cao ốc "mọc như nấm" dẫn đến tắc đường, kẹt xe là do thiếu kiểm tra, kiểm soát của cơ quan chức năng, cán bộ các cấp. Đón trước sự phát triển bùng nổ đô thị, vào năm 2014, UBND TPHCM đã ban hành Quyết định số 29/2014 quy chế quản lý quy hoạch, kiến trúc đô thị chung TPHCM.

Điều 61 của quyết định quy định tổ chức triển khai các công trình hạ tầng kỹ thuật đô thị, triển khai đồng bộ các dự án xây dựng giao thông và phát triển đô thị; nâng cao chất lượng thiết kế kiến trúc và cảnh quan các công trình  kỹ thuật đô thị. Theo quy định này, việc phát triển nhà ở phải đi liền, đồng bộ với hạ tầng đường sá. Quy định đã có nhưng cán bộ buông lỏng quản lý, thiếu kiểm tra nên dẫn đến hậu quả khó lường, khó giải quyết như hiện nay.