1. Dòng sự kiện:
  2. Chuyển động bất động sản 2024

Mối nguy từ việc người nước ngoài “núp bóng” thâu tóm đất

Trước tình trạng người nước ngoài đang thâu tóm các vị trí đất “đắc địa”, Giáo sư Đặng Hùng Võ, Nguyên Thứ trưởng Bộ TN&MT khuyến nghị, đây là lúc chúng ta cần tỉnh táo.

Mối nguy từ việc người nước ngoài “núp bóng” thâu tóm đất - 1

Giáo sư Đặng Hùng Võ, Nguyên Thứ trưởng Bộ TN&MT

Theo GS Võ, việc Bộ Quốc phòng thông tin về việc cá nhân, doanh nghiệp Trung Quốc nắm giữ đất đai tại các vị trí “đắc địa” và có ý nghĩa quan trọng trong khu vực phòng thủ quân sự thể hiện một sự bất thường.

- Như vậy tình trạng nhiều cá nhân, doanh nghiệp Trung Quốc nắm giữ nhiều vị trí đất “đắc địa” tại Việt Nam dưới nhiều hình thức “núp bóng” người Việt Nam đầu tư, góp vốn liên doanh đã ở mức báo động, thưa ông?

Việc một số cá nhân Trung Quốc mượn danh người Việt đứng tên đã chi tiền để sở hữu các bất động sản (BĐS) đắc địa và có vị trí quan trọng về quốc phòng không phải câu chuyện quá mới. Chúng ta hãy nhớ lại khoảng mươi năm trước, nhân dân cũng đã rất bức xúc về tình trạng UBND một số tỉnh đã cho doanh nghiệp Trung Quốc thuê rừng tại nhiều vị trí trọng yếu, thuê xong họ rào kín lại như lãnh thổ riêng. Tại nhiều dự án đầu tư trực tiếp từ nước ngoài (FDI) của doanh nghiệp Trung Quốc hoặc nhà thầu Trung Quốc trúng thầu thực hiện xây lắp tại Việt Nam, rất nhiều lao động đơn giản từ Trung Quốc đưa sang làm việc trái pháp luật đầu tư của Việt Nam cũng làm nóng dư luận.

Mặc dù, luật pháp liên quan đến quản lí đầu tư, quản lí lao động nước ngoài khá chặt chẽ. Nhưng nhiều doanh nhân Trung Quốc đã lách luật, thực thi sai luật trong triển khai đầu tư, kinh doanh, mà cơ quan quản lý có thẩm quyền của Việt Nam lại không kiên quyết xử lý. Ví dụ như pháp luật nhà ở cho phép cá nhân người nước ngoài được sở hữu nhà ở có thời hạn tại Việt Nam nhưng chỉ được mua nhà tại các dự án được phép, không được mua trực tiếp của dân. Các cơ sở kinh doanh du lịch, thương mại thì doanh nghiệp đầu tư nước ngoài chỉ được thực hiện theo dự án đầu tư hoặc nhận chuyển nhượng dự án đầu tư.

Do pháp luật của ta là chặt chẽ nên các cá nhân doanh nhân Trung Quốc khi muốn nắm giữ các vị trí đất đặc địa này phải mượn danh người Việt Nam để mua BĐS. Về mặt hình thức, người Việt mua là phù hợp pháp luật, nhưng về nội dung lại là trái pháp luật vì đó là giao dịch không thật.

- Tình trạng trên dẫn đến những rủi ro gì, thưa ông?

Tình trạng này dẫn đến những rủi ro về kinh tế như Việt Nam không thu được thuế khi các cá nhân Trung Quốc đứng ra kinh doanh nhưng họ sử dụng thanh toán điện tử qua các ngân hàng Trung Quốc. Nếu một đại gia Trung Quốc nắm giữ nhiều cơ sở kinh doanh của một ngành kinh tế có thể tạo độc quyền trong ngành đó, tạo bất lợi cho thị trường Việt Nam.

Tình trạng này cũng dẫn đến rủi ro ở mức cao hơn về mặt xã hội như gây mất trật tự xã hội khi đa số cư dân tại một địa phương nào đó là người Trung Quốc, sử dụng tiếng Trung Quốc, cửa hàng kiểu Trung Quốc… Cao hơn và đáng ngại hơn là rủi ro về quốc phòng, an ninh khi nhiều vị trí trọng yếu về quân sự ven biển, trên núi, trong rừng lại được “ngụy trang” bằng các cơ sở kinh doanh.

Nhìn ra Biển Đông, Trung Quốc đang có những hoạt động trái Công pháp quốc tế, đã sử dụng quân sự để chiếm đóng trái phép quần đảo Hoàng Sa, chiếm đóng một số đảo tại Trường Sa, xâm phạm thường xuyên vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam, đâm chìm tầu cá của ngư dân Việt Nam… Vậy cách hành xử thiếu văn hóa và nhân bản của Trung Quốc trên Biển Đông sẽ tràn lên đất liền là điều người dân Việt Nam rất lo lắng. Do đó, khi người Trung Quốc mượn danh người Việt đứng tên các BĐS thì dư luận hoàn toàn có quyền đặt câu hỏi liệu đứng sau các doanh nhân người Trung Quốc nào đó có phải là một lực lượng chính trị hay quân sự không?

Một điểm đáng quan tâm nữa là với các BĐS là nhà riêng, đứng tên người Việt thì các cơ quan chấp pháp của Việt Nam muốn kiểm tra cũng phải có lệnh của Viện kiểm sát. Điều này dẫn đến những rủi ro trong quản lý xã hội của Việt Nam. Tóm lại, cần phải có giải pháp để loại bỏ tình trạng người Việt đứng tên hình thức sở hữu nhà gắn với quyền sử dụng đất nhưng nội dung quyền sở hữu lại thuộc người Trung Quốc.

- Việc cá nhân, tổ chức người nước ngoài đầu tư kinh doanh hoặc sở hữu căn hộ tại Việt Nam là những hoạt động kinh tế bình thường. Tuy nhiên, việc người Trung Quốc có tại rất nhiều vị trí đắc địa, tại biên giới trên đất liền và ven biển thì không bình thường, thưa ông?

Điều này hoàn toàn đúng, những rủi ro về kinh tế, xã hội, quốc phòng, người dân hoàn toàn có quyền đặt ra. Bởi vì, câu chuyện ở Biển Đông hiện nay làm cho mọi người lo ngại về kiểu hành xử trên Biển Đông sẽ diễn ra trên đất liền.

Câu chuyện mở 3 đặc khu hành chính – kinh tế Vân Đồn, Bắc Vân Phong và Phú Quốc phải dừng lại vì người dân phản ứng là một ví dụ. Chủ trương mở các đặc khu để tạo cực phát triển kinh tế là đúng, nhưng nhiều người dân lo ngại cách hành xử kiểu Biển Đông của Trung Quốc ở đây.

- Theo Bộ Quốc phòng thì tình trạng này một phần nguyên nhân là do các cá nhân, doanh nghiệp Trung Quốc lợi dụng kẽ hở của Luật Đầu tư 2014. Vậy theo ông, chúng ta cần cách tiếp cận ra sao về vấn đề này?

Việc thỏa thuận ngầm để mượn danh người Việt mua nhà đất là vi phạm pháp luật nhưng liệu các địa phương có tìm ra chứng cứ “giả danh” để quyết tâm xử lý không?

Các dự án đầu tư, các dự án thắng thầu của Trung Quốc tại Việt Nam có nhiều khuất tất. Mặt khác, tình trạng lơi lỏng trong quản lý các dự án đầu tư của Trung Quốc, cả FDI và ODA, có thể làm một số quan chức, người dân địa phương ở Việt Nam bị gục ngã. Đây là việc giả mạo trong giao dịch dân sự về BĐS trong kinh doanh. Biết là làm điều trái pháp luật nhưng nhiều người vẫn bị mờ mắt vì tư lợi, thậm chí không hiểu cả cái sai có thể dẫn đến an ninh quốc gia.

Để hạn chế tình trạng này, cùng với việc tuyên truyền, chúng ta cần xử lí nghiêm hành vi đứng tên hộ người Trung Quốc để sở hữu BĐS. Đồng thời, chúng ra cương quyết xử lý nghiêm việc thanh toán điện tử bằng tiền Trung Quốc tại các địa điểm du lịch của Việt Nam, hay việc đưa lao động Trung Quốc sang Việt Nam trái luật.

- Xin cảm ơn Giáo sư!

Ông Tô Văn Hùng - Giám đốc Sở TN&MT TP Đà Nẵng:

Để hạn chế tình trạng “núp bóng” sở hữu đất đai ở các khu vực nhạy cảm, các cơ quan cần rà soát các luật có liên quan như Luật Đất đai, Luật Đầu tư, Luật Nhà ở… đảm tính thống nhất và chặt chẽ trong hoạt động đầu tư có yếu tố nước ngoài. Trong công tác giao đất, cho thuê đất, quản lý hoạt động xây dựng, cần phải đảm bảo phù hợp với quy hoạch sử dụng đất, quy hoạch phân khu, quy hoạch chi tiết… Đặc biệt, thực hiện nghiêm túc việc lấy ý kiến các Bộ, ngành đối với khu vực ven biển, khu vực cần đảm bảo an ninh quốc phòng khi giao đất, cho thuê đất. 

LS Nguyễn Tiến Lập - Trọng tài viên Trung tâm Trọng tài quốc tế Việt Nam (VIAC):

Đối với sự quan ngại về bảo vệ an ninh, quốc phòng, điều cần kiểm soát không phải là sở hữu của cá nhân người nước ngoài mà chính là sở hữu của chính quyền, nhà nước nước ngoài đối với đất đai, BĐS tại Việt Nam. Theo ý nghĩa này, rất có thể nhà nước nước ngoài sẽ núp bóng công dân người ngoài để sở hữu nhà ở Việt Nam và tiếp theo, người nước ngoài sẽ núp bóng công dân Việt Nam để đứng tên sở hữu. Một khi điều đó xảy ra mới là tình huống nguy hiểm đáng lo ngại thật sự. Kinh nghiệm của các nước là yêu cầu người nước ngoài muốn mua nhà buộc phải giải trình rất chi tiết các nguồn tiền đó là hợp pháp (tiền sạch). Bởi nếu tiền không sạch, rất có thể việc mua và sở hữu nhà ở Việt Nam sẽ là một cách để người nước ngoài rửa tiền hay biến đất nước chúng ta thành mảnh đất để phạm tội.

Theo Lê Sáng

Diễn đàn Doanh nghiệp