Người nước ngoài lách luật mua đất đắc địa: Thu hồi cách nào?

(Dân trí) - Việc cá nhân, tổ chức nước ngoài trong đó chủ yếu là doanh nghiệp Trung Quốc sử dụng nhiều cách thức để sở hữu đất nhận được sự quan tâm rất lớn từ phía dư luận thời gian qua.

Người nước ngoài lách luật mua đất đắc địa: Thu hồi cách nào? - 1

Để hạn chế tình trạng người nước ngoài “núp bóng” sở hữu đất đai, chuyên gia cho rằng cần sớm rà soát các quy định pháp luật liên quan đến quyền sử dụng đất.

Trong phần trả lời kiến nghị cử tri mới đây, Bộ Quốc phòng cho biết, từ năm 2011 đến 2015, trên địa bàn khu vực biên giới biển Đà Nẵng có 134 lô, 01 thửa đất liên quan đến cá nhân, doanh nghiệp người Trung Quốc.

Những cá nhân, doanh nghiệp này đang sở hữu, “núp bóng” sở hữu và thuê của UBND thành phố Đà Nẵng tại nhiều vị trí.

Đáng chú ý, theo Bộ Quốc phòng, hầu hết các lô đất đều ở vị trí các đường lớn, ven biển, đắc địa cho hoạt động kinh doanh và có ý nghĩa quan trọng trong khu vực phòng thủ.

Trao đổi với Dân trí, Luật sư Trương Anh Tuấn - Giám đốc Công ty Luật Trường Sơn - khẳng định, pháp luật Việt Nam hiện tại không cho phép người nước ngoài mua đất tại Việt Nam, họ chỉ được mua nhà ở.

Điều 5, Luật Đất đai năm 2013 quy định về Người sử dụng đất, không có quy định về đối tượng là “Người nước ngoài” được liệt kê. Do đó, cần xem xét tính pháp lý của diện tích đất được cho là đang thuộc “quyền sở hữu” của người Trung Quốc.

“Nếu như có người nước ngoài được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất tại Việt Nam, cần xem xét lại trình tự thủ tục hành chính này và xem xét trách nhiệm của cá nhân, tổ chức liên quan. Sau đó xử lý theo vụ việc hành chính, thu hồi lại Giấy chứng nhận (nếu đã được cấp)”, Luật sư Trương Anh Tuấn cho biết.

Chuyên gia Nguyễn Minh Đức, Phòng Pháp chế, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) cho rằng, về mặt pháp lý, doanh nghiệp có vốn nước ngoài được thành lập hợp pháp tại Việt Nam thì vẫn có quyền sử dụng đất tại Việt Nam để phục vụ hoạt động sản xuất kinh doanh. Tuy nhiên, Luật Đất đai quy định quyền này bị hạn chế hơn so với doanh nghiệp vốn trong nước.

Điều 5, Luật Đất đai năm 2013 cũng nêu rõ: Người sử dụng đất được Nhà nước giao đất, cho thuê đất, công nhận quyền sử dụng đất, nhận chuyển quyền sử dụng đất theo quy định của Luật này, bao gồm: Doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài gồm doanh nghiệp 100% vốn đầu tư nước ngoài, doanh nghiệp liên doanh, doanh nghiệp Việt Nam mà nhà đầu tư nước ngoài mua cổ phần, sáp nhập, mua lại theo quy định của pháp luật về đầu tư.”

Điều 184 của Luật Đất đai cũng xác định rõ quyền sử dụng đất hạn chế của doanh nghiệp doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài, liên doanh, doanh nghiệp mà được nhà đầu tư nước ngoài mua cổ phần, mua lại.

“Theo tôi được biết, dự thảo Luật Đầu tư và Luật Đất đai sửa đổi đợt tới dự định sẽ bổ sung quy định về an ninh quốc gia đối với dự án sử dụng đất ở những khu vực nhạy cảm. Chỉ khi nào có cơ sở pháp lý này thì mới có thể tuyên vô hiệu các giao dịch chuyển nhượng cổ phần, phần vốn góp tại các doanh nghiệp được giao sử dụng đất tại các khu vực nhạy cảm về an ninh quốc phòng”, ông Đức nói.

Dự án lách luật, Bộ ngành khó kiểm tra hết?

Cũng theo Luật sư Trương Anh Tuấn cho rằng, Bộ Kế hoạch và Đầu tư cần sửa đổi luật, khoanh vùng các dự án, ngành nghề mà nhà đầu tư nước ngoài không được phép đầu tư; hoặc đầu tư với mức tỷ lệ đầu tư, góp vốn nhất định của doanh nghiệp Trung Quốc tại các dự án của Việt Nam. Nếu như có sự khống chế về tỷ lệ góp vốn, sẽ tránh được sự lách luật của doanh nghiệp tại các dự án này.

Ngoài ra, các dự án có quy mô lớn, diện tích sử dụng đất nhiều, cần phải có sự đồng ý của không chỉ riêng Bộ Kế hoạch và Đầu tư mà còn có Bộ Quốc phòng, Bộ Ngoại giao để tránh được rủi ro tiềm tàng từ hoạt động đầu tư.

Ở góc độ quản lý nhà nước, ông Đào Trung Chính - Phó tổng cục trưởng Tổng cục Quản lý đất đai, Bộ Tài nguyên và Môi trường khẳng định, đối với những dự án dùng đất biên giới, đất hải đảo ven biển, phải có ý kiến của Bộ Quốc phòng, Bộ Công an.

Một số chuyên gia trong ngành bất động sản chỉ ra rằng, đất ven biển là những vùng nhạy cảm về chính trị. Việc chuyển nhượng lô đất này sẽ không được công nhận là hợp pháp, vì vi phạm điều cấm của pháp luật. Những giao dịch này vô hiệu, nên các bên phải hoàn lại nhau những gì đã nhận. Người nào vi phạm thì bị phạt theo quy định của Nhà nước. Nếu có dấu hiệu vi phạm pháp luật hình sự thì bị truy tố theo quy định của Bộ luật hình sự.

Trước đó, Bộ Quốc phòng cho biết để sở hữu các lô đất ở thành phố Đà Nẵng, Bộ Quốc phòng chỉ ra rằng: người Trung Quốc chủ yếu dựa theo hai hình thức. Thứ nhất, thành lập doanh nghiệp liên doanh với Việt Nam; ban đầu, người Trung Quốc góp vốn thấp hơn người Việt Nam (người Việt Nam góp vốn chủ yếu bằng đất), doanh nghiệp sẽ do người Việt Nam điều hành; sau một thời gian, bằng nhiều cách Trung Quốc tăng vốn giành quyền điều hành doanh nghiệp; do tài sản góp vốn là đất nên quyền sở hữu các lô đất rơi vào tay người Trung Quốc.

Thứ hai, là đầu tư tiền cho cá nhân người Việt Nam (chủ yếu người Việt gốc Hoa) để mua đất, đã phát hiện một số trường hợp kinh tế khó khăn nhưng đứng tên sở hữu nhiều lô đất như ông Lý Phước Cang 12 lô, ông Trác Ngọc Phúc 10 lô...

Nguyễn Khánh