Môi giới bất động sản: Phần lớn hoạt động chui

Cả nước có khoảng 300.000 môi giới bất động sản nhưng chỉ có khoảng 30.000 môi giới có chứng chỉ hành nghề. Theo Phó Tổng Thư ký hội Bất động sản Việt Nam, việc môi giới bất động sản hành nghề chui, vi phạm pháp luật chưa được quản lý, kiểm soát diễn ra vẫn diễn ra khá phổ biến.

Môi giới bất động sản: Phần lớn hoạt động chui - 1

Có tới 90% môi giới bất động sản hoạt động hiện nay chưa có chứng chỉ hành nghề. Ảnh: P.Nhung

Tại hội thảo “Môi giới bất động sản Việt Nam - chuyên nghiệp và hội nhập quốc tế” vừa tổ chức mới đây, lần đầu tiên, Hội môi giới bất động sản Việt Nam công bố, cả nước có khoảng 300.000 người hoạt động trong lĩnh vực môi giới bất đống sản, trong đó có khoảng 30.000 người có chứng chỉ hành nghề. Trong vòng 3 năm gần đây, mức độ tăng trưởng của môi giới bất động sản trên thị trường đạt trung bình khoảng 15%.

Trước số liệu đáng giật mình này, trao đổi với PV Lao Động, ông  Nguyễn Văn Đính, Tổng thư kí Hội Môi giới Bất động sản Việt Nam cho rằng, việc quá nhiều môi giới chưa có chứng chỉ hành nghề nhưng đã vội vã tham gia thị trường đã tạo ra nhiều hệ lụy.

“Việc thiếu nghiêm túc trong hoạt động môi giới, chạy theo hoa hồng, bỏ mặc quyền lợi khách hàng, thậm chí thổi giá, lừa đảo chính là nguy cơ và mầm mống dẫn đến những biến động bất thường của thị trường như giai đoạn trước đây. Hệ quả là hình ảnh của rất nhiều môi giới chuyên nghiệp cũng bị sai lệch trong con mắt của người dân, trở thành các "cò đất””, ông Đính nhấn mạnh.

Cùng quan điểm, ông Trần Minh Hoàng - Phó Tổng thư ký Hội môi giới Bất động sản Việt Nam - cho biết, hiện nay hoạt động môi giới bất động sản đan xen giữa các hoạt động chuyên nghiệp và tự phát, nghiệp dư, hỗn độn, phức tạp.  Việc hành nghề chui, vi phạm pháp luật chưa được quản lý, kiểm soát.

“Hiện  môi giới bất động sản còn yếu về chuyên môn, xem nhẹ trách nhiệm đạo đức, coi thường các quy định quản lý. Trên 90% tin rao bán bất động sản nhà ở riêng lẻ thiếu chính xác, có sai lệch thông tin hoặc về vị trí, giá cả hoặc thông tin về pháp lý bất động sản, quy hoạch. Gần 100% giao dịch BĐS riêng lẻ, giao dịch bất động sản trên thị trường thứ cấp không đóng thuế thu nhập từ hoạt động môi giới bất động sản.

Ngoài ra, hoạt động thông tin ảo, đồn thổi giá, sai lệch quy hoạch diễn ra khá nhiều trên thị trường bất động sản.Thực trạng thị trường cho thấy người hành nghề môi giới bất động sản chân chính chưa được bảo vệ, trong khi kinh doanh chộp giật, vi phạm luật pháp diễn ra khá phổ biến”, ông Hoàng nhấn mạnh.

Trong khi đó, ông Phạm Lâm, Chủ tịch DKRA Việt Nam (một công ty nghiên cứu thị trường bất động sản) cho rằng, còn rất nhiều quy định, cơ chế pháp luật chưa rõ ràng cho ngành nghề này khiến nghề môi giới chưa được nhìn nhận đúng và chuyên nghiệp, gây thất thoát cho khách hàng, doanh nghiệp và thị trường.

“Sự chuyên nghiệp nghề môi giới người ta thường hay nói đến phạm trù đạo đức. Nhưng, theo tôi, cứ phải luật hóa, theo quy định pháp luật mà làm cho rõ ràng”, ông Lâm nói.

Trên thực tế, vào cuối tháng 3 vừa qua, trong cao điểm sốt đất Quảng Nam, Đà Nẵng, nhiều môi tại hai địa phương này đã bất chấp nhiều thủ đoạn để tung tin sai lệch hòng trục lợi như làm giả văn bản của Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam về phê duyệt dự án để đẩy giá đất, hay thông tin thành lập quận mới tại Đà Nẵng.

Mặc dù sau những thông tin này, chính quyền hai tỉnh ra sức cảnh báo tuy nhiên, đến nay, lực lượng chức năng vẫn chưa tìm ra tung tích môi giới tung những tin đồn này.

Theo T. Chí

Lao động