Mất sổ đỏ hay sổ hồng có nguy hiểm không?

Ninh An

(Dân trí) - Sổ đỏ bị mất không nguy hiểm vì giấy chứng nhận bị mất nhưng quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở vẫn còn. Người dân có quyền được cấp lại giấy chứng nhận khi bị mất.

Sổ đỏ là cách gọi phổ biến của người dân đối với giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, giấy chứng nhận quyền sở hữu nhà ở và quyền sử dụng đất ở, giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất. Khi loại giấy tờ pháp lý này bị mất, nhiều người lo lắng sẽ mất tài sản liên quan như đất đai, nhà cửa.

Tuy nhiên theo quy định tại Điều 105 Bộ luật Dân sự 2014, tài sản là vật, tiền, giấy tờ có giá và quyền tài sản. Còn tại Điều 115 quy định rõ quyền tài sản là quyền trị giá được bằng tiền, bao gồm quyền tài sản đối với đối tượng quyền sở hữu trí tuệ, quyền sử dụng đất và các quyền tài sản khác.

Khoản 21 Điều 3 Luật Đất đai 2024 quy định về giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu tài sản gắn liền với đất là chứng thư pháp lý để Nhà nước xác nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu tài sản gắn liền với đất hợp pháp của người có quyền sử dụng đất, quyền sở hữu tài sản gắn liền với đất.

Tài sản gắn liền với đất được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu tài sản gắn liền với đất là nhà ở, công trình xây dựng gắn liền với đất theo quy định của pháp luật.

Như vậy, giấy chứng nhận chỉ là giấy tờ ghi nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu tài sản gắn liền với đất hợp pháp. Tài sản là quyền sử dụng đất, nhà ở, công trình xây dựng khác. Do đó, việc mất sổ đỏ chỉ là mất giấy tờ ghi nhận quyền tài sản chứ không mất tài sản.

Mất sổ đỏ hay sổ hồng có nguy hiểm không? - 1

Sổ đỏ là chứng thư pháp lý để Nhà nước xác nhận quyền sử dụng đất (Ảnh: IT).

Quy trình cấp lại sổ đỏ

Điều 39 Nghị định 101/2024 quy định khi bị mất giấy chứng nhận thì người sử dụng đất, chủ sở hữu tài sản gắn liền với đất có quyền đề nghị cấp lại.

Trình tự, thủ tục cấp lại sổ đỏ bị mất gồm:

Bước 1: Người sử dụng đất, chủ sở hữu tài sản gắn liền với đất có Giấy chứng nhận bị mất phải nộp đơn đăng ký biến động đất đai, tài sản gắn liền với đất theo Mẫu số 11/ĐK được ban hành kèm theo Nghị định 101/2024 đến cơ quan tiếp nhận hồ sơ: Bộ phận một cửa; Văn phòng/Chi nhánh Văn phòng đăng ký đất đai.

Bước 2: Sau khi tiếp nhận đơn thì Văn phòng đăng ký đất đai thực hiện:

- Kiểm tra thông tin về giấy chứng nhận đã cấp mà người sử dụng đất, chủ sở hữu tài sản gắn liền với đất khai báo bị mất trong hồ sơ địa chính, cơ sở dữ liệu đất đai;

- Trường hợp phát hiện thửa đất, tài sản gắn liền với đất được cấp giấy chứng nhận đã được chuyển quyền sử dụng đất, quyền sở hữu tài sản gắn liền với đất hoặc đang thế chấp tại các tổ chức tín dụng, tổ chức kinh tế khác hoặc cá nhân theo quy định của pháp luật thì thông báo, trả lại hồ sơ cho người sử dụng đất, chủ sở hữu tài sản gắn liền với đất;

- Nếu không thuộc trường hợp chuyển quyền thì văn phòng đăng ký đất đai chuyển thông tin đến Ủy ban nhân dân cấp xã nơi có đất; thực hiện đăng tin 3 lần trên phương tiện thông tin đại chúng ở địa phương trong thời gian 15 ngày về việc mất giấy chứng nhận đã cấp, chi phí đăng tin do người sử dụng đất, chủ sở hữu tài sản gắn liền với đất chi trả;

Bước 3: UBND cấp xã có trách nhiệm

Niêm yết công khai về việc mất giấy chứng nhận tại trụ sở và điểm dân cư nơi có đất trong 15 ngày; đồng thời tiếp nhận phản ánh trong thời gian niêm yết.

Trong vòng không quá 5 ngày kể từ ngày kết thúc thời gian niêm yết, UBND cấp xã lập biên bản kết thúc niêm yết gửi đến văn phòng đăng ký đất đai.

Bước 4: Văn phòng đăng ký đất đai hủy giấy chứng nhận đã cấp; đồng thời cập nhật, chỉnh lý hồ sơ địa chính, cơ sở dữ liệu đất đai; cấp lại giấy chứng nhận cho người được cấp.

Đối với trường hợp trang bổ sung của giấy chứng nhận đã cấp trước ngày Nghị định 101/2024 có hiệu lực thi hành bị mất thì người sử dụng đất, chủ sở hữu tài sản gắn liền với đất nộp đơn đăng ký biến động đất đai, tài sản gắn liền với đất theo Mẫu số 11/ĐK và bản gốc giấy chứng nhận đã cấp.

Văn phòng đăng ký đất đai kiểm tra thông tin của trang bổ sung trong hồ sơ địa chính, cơ sở dữ liệu đất đai; thực hiện cấp lại giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu tài sản gắn liền với đất với các thông tin cập nhật của giấy chứng nhận đã cấp và thông tin trên trang bổ sung.