Có bắt buộc phải đăng ký tài sản gắn liền với đất trong sổ đỏ?

Ninh An

(Dân trí) - Tài sản gắn liền với đất không bắt buộc phải ghi nhận trong sổ đỏ mà được đăng ký theo yêu cầu của chủ sở hữu

Sau khi Luật Đất đai 2024 được ban hành và có hiệu lực từ ngày 1/8, các vấn đề liên quan đến giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (sổ đỏ) được nhiều người quan tâm. Một trong những vấn đề được nhiều người quan tâm là việc đăng ký tài sản gắn liền với đất trong sổ đỏ.

Điều 131 Luật này có quy định đăng ký đất đai là bắt buộc đối với người sử dụng đất và người được giao đất để quản lý. Đối với tài sản gắn liền với đất là nhà ở, công trình xây dựng được đăng ký theo yêu cầu của chủ sở hữu.

Theo đó, đăng ký đất đai, tài sản gắn liền với đất bao gồm đăng ký lần đầu và đăng ký biến động, được thực hiện bằng hình thức đăng ký trên giấy hoặc đăng ký điện tử và có giá trị pháp lý như nhau.

Như vậy, tài sản gắn liền với đất không bắt buộc phải ghi nhận trong sổ đỏ mà được đăng ký theo yêu cầu của chủ sở hữu. Tuy nhiên, nếu không đăng ký tài sản gắn liền với đất vào sổ đỏ thì chủ sở hữu chưa được ghi nhận quyền sở hữu đối với tài sản đó.

Những thông tin về tài sản gắn liền với đất

Những thông tin cần đăng ký được quy định cụ thể tại quy định tại Thông tư 10/2024 của Bộ Tài nguyên và Môi trường, bao gồm tên tài sản, đặc điểm của tài sản, hình thức sở hữu, thời hạn sở hữu, địa chỉ tài sản, hạn chế quyền đối với tài sản.

Điều 10 của thông tư quy định, tên tài sản gắn liền với đất có 2 trường hợp. Trường hợp tài sản là nhà ở mà không phải là căn hộ chung cư được thể hiện là "Nhà biệt thự" hoặc "Nhà ở liền kề" hoặc "Nhà ở độc lập". Đối với nhà ở riêng lẻ được xây dựng theo dự án thì thể hiện tên nhà ở theo dự án đầu tư xây dựng nhà ở.

Có bắt buộc phải đăng ký tài sản gắn liền với đất trong sổ đỏ? - 1

Một dự án biệt thự tại Hà Nội (Ảnh: Trần Kháng).

Trường hợp nhà chung cư mà chủ đầu tư chưa bán và có nhu cầu cấp giấy chứng nhận cho cả tòa nhà thì thể hiện tên nhà chung cư theo dự án đầu tư xây dựng nhà ở đã được cơ quan có thẩm quyền chấp thuận hoặc quyết định chủ trương đầu tư;

Trường hợp tài sản là căn hộ chung cư, căn hộ du lịch, căn hộ văn phòng kết hợp lưu trú, văn phòng làm việc, cơ sở thương mại, dịch vụ thì tên tài sản do chủ sở hữu tài sản xác định hoặc được ghi trong hợp đồng mua bán. Thông tư lấy ví dụ cụ thể như căn hộ du lịch số 1306 - Tòa CT1 hoặc Gian thương mại số 02, Sàn tầng 2 - Tòa CT5".

Đối với  thông tin về đặc điểm của tài sản, trường hợp là nhà ở riêng lẻ thì thể hiện các thông tin gồm diện tích xây dựng, diện tích sử dụng, số tầng, kết cấu, cấp công trình.

Đối với tài sản là căn hộ thuộc sở hữu của chủ đầu tư hoặc được bán cho bên mua thì thể hiện thông tin diện tích sàn xây dựng và diện tích sử dụng, cấp công trình theo hợp đồng mua bán.

Đối với công trình xây dựng khá, phần thông tin gồm diện tích xây dựng, diện tích mặt bằng xây dựng của công trình, diện tích sử dụng (hoặc công suất), số tầng, kết cấu, cấp công trình. Ví dụ thông tin ghi là máy nhiệt điện: 3.000 MW, sân vận động: 20.000 ghế.

Thông tin về hình thức sở hữu tài sản được thể hiện  hình thức "Sở hữu riêng" đối với trường hợp tài sản của một chủ sở hữu; thể hiện hình thức "Sở hữu chung" đối với trường hợp tài sản của từ 2 chủ sở hữu trở lên. Trường hợp tài sản có phần sở hữu riêng và có phần sở hữu chung thì thể hiện lần lượt từng hình thức sở hữu và diện tích tương ứng.

 Thông tin về thời hạn sở hữu tài sản gắn liền với đất được thể hiện ngày tháng năm hết hạn được sở hữu theo hợp đồng mua bán, thời điểm kết thúc thời hạn được thuê, hợp tác kinh doanh hoặc hình thức khác với người sử dụng đất;

Thông tin về địa chỉ tài sản gắn liền với đất cần ghi tên công trình hoặc tên tòa nhà nếu có; số nhà, căn hộ, ngõ, ngách, tên đường, phố nếu có, tên điểm dân cư, tên đơn vị hành chính các cấp xã, huyện, tỉnh.

Cuối cùng là thông tin về hạn chế quyền sở hữu tài sản gắn liền với đất. Trường hợp tài sản gắn liền với đất không có hạn chế quyền sẽ được ghi là "-/-".