TPHCM:

Mặt bằng cho thuê vẫn ế dài

Cuối năm thường là thời điểm kinh doanh, tiêu dùng sôi động nhất nhưng theo ghi nhận của phóng viên, nhiều mặt bằng ở các tuyến đường trung tâm TPHCM vẫn đóng cửa im ỉm suốt nhiều tháng qua.

Nhiều căn nhà mặt tiền dọc tuyến đường Bùi Viện, Ngô Đức Kế, Hồ Tùng Mậu, Đông Du, Trần Quang Khải (quận 1); Hai Bà Trưng, Nguyễn Đình Chiểu (quận 1, quận 3); Phan Xích Long, Lê Văn Sỹ (quận Phú Nhuận)… bên ngoài dán chi chít bảng cho thuê kèm số điện thoại nhưng hầu hết là số của môi giới.

Gọi đến một số điện thoại dán trước căn nhà mặt tiền đường Hồ Tùng Mậu, phóng viên nhận được một giọng nữ khá gay gắt, tự xưng là chủ nhà: "Nếu là môi giới thì đừng hỏi, tôi chỉ muốn tìm người có nhu cầu thuê thật, chứ không tìm cò". Trao đổi với những người bán hàng xung quanh, chúng tôi được biết căn nhà này trước đây kinh doanh mỹ phẩm, spa giá thuê gần 140 triệu đồng/tháng. Khách thuê trả lại 7-8 tháng nay nhưng chủ nhà chưa tìm được khách mới.

Mặt bằng cho thuê vẫn ế dài - 1

Một căn nhà mặt tiền ở quận 1, TP HCM chi chít bảng cho thuê

Tuyến đường Trần Quang Khải, mặt bằng cho thuê có giá mềm hơn nhưng vẫn ít khách thuê. Một căn nhà 1 trệt 2 lầu, diện tích 5m x 20m, nhà sạch mới, có lề để xe rộng, phù hợp làm văn phòng, spa, thẩm mỹ, cửa hàng... năm ngoái có giá thuê 50-60 triệu đồng/tháng, còn hiện tại chỉ 35 triệu đồng/tháng vẫn không ai thuê.

Theo số liệu từ bộ phận nghiên cứu thị trường của Savills Việt Nam, mặt bằng kinh doanh nhà phố đang trải qua làn sóng giảm giá thuê rất mạnh suốt 3 quý của năm 2020. Nguyên nhân bởi tổng diện tích sàn cả căn nhà từ 200-400 m2 trở lên, tính tổng giá thuê nhà tốn quá nhiều chi phí, nhiều khách thuê có ngân sách thấp không thể chi trả. Trong khi khách thuê hiện nay rất thận trọng khi quyết định thuê mặt bằng mới. Đặc biệt, khách thuê thuộc ngành hàng ăn uống, thời trang có xu hướng thu nhỏ diện tích để giảm bớt chi phí. Những điều này khiến thị trường thuê nhà giảm.

Ông Nguyễn Hồng Hải, Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng Giám đốc Công ty VNO, cho rằng thông thường 3 tháng cuối năm hầu như không ai thuê mặt bằng để làm ăn. Một số cửa hàng nếu không hiệu quả, khách thuê sẽ chủ động trả mặt bằng để giải quyết cho xong bài toán thu chi, lời lỗ. Đó là lý do mà lượng nhà phố cho thuê ngày càng tăng, người cho thuê nhiều hơn người đi thuê, trong khi giá thuê thì ngày càng giảm.

"Phải đợi sau Tết âm lịch, vắc-xin Covid-19 phổ biến hơn, dịch bệnh được kiểm soát tốt hơn và các chuyến bay quốc tế được mở thì người kinh doanh mới lên kế hoạch thuê mặt bằng trở lại" - ông Hải dự báo.