Mặt bằng cho thuê "ế" dài vì... để qua Tết rồi tính

Quế Sơn

(Dân trí) - Thị trường cho thuê mặt bằng trên địa bàn TPHCM chưa thực sự trở lại sau dịch. Nhiều khu vực mặt bằng nằm ở vị trí đắc địa nhưng vẫn... ế.

Dịch Covid-19 bùng phát đã làm cho nhiều ngành nghề bị ảnh hưởng nặng nề. Riêng thị trường bất động sản bị ảnh hưởng lớn, trong đó có phân khúc cho thuê mặt bằng khi nhiều doanh nghiệp, cơ sở dịch vụ… phải tạm ngưng hoạt động, tháo chạy.

Đến nay, khi thị trường bất động sản đang dần ổn định, khởi sắc hơn về cuối năm. Thế nhưng, phân khúc cho thuê mặt bằng vẫn không mấy sáng sủa. Tại nhiều tuyến đường ở TPHCM, không ít mặt bằng dán bảng cho thuê suốt nhiều tháng liền nhưng vẫn không có khách hàng.

Mặt bằng cho thuê ế dài vì... để qua Tết rồi tính - 1
Nhiều mặt bằng bỏ trống đã lâu nhưng vẫn không có người thuê

Ghi nhận của phóng viên, tại đường Nguyễn Văn Trỗi (quận 3 và Phú Nhuận) dù có vị trí đắc địa nhưng vẫn còn rất nhiều mặt bằng trống.

Tại khu đô thị Phú Mỹ Hưng (quận 7), ở thời điểm dịch bệnh mặt bằng khu vực này bị trả lại rất nhiều. Thế nhưng đến thời điểm này, nhiều mặt bằng vẫn chưa có người thuê, bị bỏ trống. Tương tự, tại khu vực quận Bình Thạnh, Gò Vấp… vẫn ghi nhận tình trạng mặt bằng ế ẩm trong nhiều tháng qua.

Chị Hùynh Thị Thu (chủ một mặt bằng ở đường Nguyễn Tri Phương, quận 5) cho biết, gần vào cuối năm việc cho thuê mặt bằng sẽ còn khó khăn hơn. Người thuê sẽ mất thời gian và chi phí để "decor" (trang trí), nhưng thời gian kinh doanh còn lại rất ít khi Tết cận kề. Ai cũng có tâm lý để qua Tết rồi tính.

"Tôi có 3 mặt bằng cho thuê nhưng đến giờ mới chỉ có một mặt bằng có người thuê. Mặt bằng còn lại dù đã giảm giá nhưng vẫn ế. Có vài khách hỏi rồi nhưng lại thôi. Nếu cho thuê rẻ quá thì sẽ ảnh hưởng về sau này… còn bỏ không thế này cũng thất thu. Chưa bao giờ cho thuê nhà khó khăn như hiện nay", chị Thu chia sẻ.

Mặt bằng cho thuê ế dài vì... để qua Tết rồi tính - 2
Càng về cuối năm, kiếm được khách thuê mặt bằng càng khó khăn

Anh Hoàng Văn Đức (môi giới bất động sản) cho biết, nhu cầu cho thuê mặt bằng hiện nay rất lớn. Thế nhưng, để tìm kiếm được khách hàng thuê là điều không dễ. Nguyên nhân là bên cho thuê và người thuê vẫn chưa cùng nhìn về một hướng. Khi người thuê yêu cầu chủ nhà tiếp tục giảm giá sâu hơn nữa với lý do kinh tế chưa phục hồi, buôn bán còn khó khăn.

"Tiền thuê mặt bằng chiếm tỷ lệ vốn lớn bao gồm tiền thuê hàng tháng và tiền cọc thế chân. Đối với doanh nghiệp vừa và nhỏ, hoặc hộ buôn bán kinh doanh thì khó mà chịu đựng nổi. Vì vậy, nhiều người chọn giải pháp bán hàng online hoặc phải tìm giá cho thuê thật sự mềm mới xuống tiền. Càng gần Tết thì càng khó kiếm người thuê hơn…", anh Đức nói.

Trên thực tế, tình trạng mặt bằng "khát" người thuê không chỉ diễn ra ở những khu vực, tuyến đường trung tâm TPHCM. Tại một số quận huyện vùng ven như: Bình Chánh, Nhà Bè, quận 12, Hóc Môn tình trạng mặt bằng bị bỏ trống cũng không ít.

Bà Võ Khánh Trang, Trưởng bộ phận Nghiên cứu Công ty Savills Việt Nam cho hay, trong 9 tháng đầu năm, số lượng mặt bằng nhà phố chào thuê ra thị trường ngày càng nhiều nhưng tốc độ lấp đầy rất chậm. Xu hướng khách thuê giảm số lượng cửa hàng hoặc giảm diện tích và chuyển đổi sang thương mại điện tử vẫn tiếp tục diễn ra.

Bà Trang dự báo, cuối năm 2020, thị trường dự kiến có thêm hơn 50.000 m2 từ 7 dự án mới, trong đó khu vực ngoài trung tâm chiếm hơn 80%. Tuy nhiên, nhiều nhãn hàng nước ngoài hiện tạm hoãn kế hoạch gia nhập thị trường và nhiều doanh nghiệp hạn chế mở rộng thị trường có thể ảnh hưởng đến công suất thuê.

Còn báo cáo thị trường quý III/2020 của CBRE Việt Nam cũng cho hay, tỷ lệ mặt bằng bán lẻ trống trung bình vẫn cao hơn năm trước do các thương hiệu bán lẻ, chủ yếu là thời trang và ăn uống trong nước trả lại mặt bằng.

Một số chủ đầu tư vẫn giữ chính sách ưu đãi cho các khách thuê hiện hữu và khách thuê mới, tuy rằng số lượng dự án có chính sách ưu đãi không nhiều như trong đợt Covid-19 hồi đầu năm.