"Lối thoát" cho chung cư cũ

Sở Xây dựng Hà Nội vừa có văn bản đề nghị UBND các quận Ba Đình, Đống Đa khẩn trương di dời người dân, tài sản ra khỏi chung cư cũ nguy hiểm trên địa bàn Hà Nội.

Các doanh nghiệp cho rằng để đẩy nhanh tiến độ cải tạo chung cư cũ, việc ưu tiên đầu tiên là cần sửa luật và các văn bản quy phạm pháp luật liên quan để hài hòa lợi ích của Nhà nước, các hộ dân, nhà đầu tư.

Lối thoát cho chung cư cũ - 1

Chỉ khoảng 1,14% tổng số nhà chung cư cũ tại thành phố Hà Nội được cải tạo, xây dựng lại.

Vướng cơ chế bồi thường

Số liệu từ Viện Nghiên cứu phát triển kinh tế - xã hội Hà Nội cho biết, hiện nay, trên địa bàn thành phố có 1.579 nhà chung cư cũ, có quy mô từ 2-5 tầng, chủ yếu được xây dựng từ năm 1960 đến cuối năm 1980, tập trung chủ yếu ở khu vực nội đô lịch sử. Trong đó, có 200 nhà nguy hiểm cấp C, 137 nhà cấp B và 7 nhà thuộc diện nguy hiểm cấp D.

Từ năm 2007 đến nay, Thành phố đã có 18 dự án chung cư cũ được xây dựng lại, đã đưa vào sử dụng, chiếm khoảng 1,14% tổng số nhà chung cư cũ cần cải tạo, xây dựng lại; 13 dự án triển khai theo quy định của Luật Nhà ở, Nghị định 101/2015/NĐ-CP.

Trao đổi với DĐDN, ông Nguyễn Quốc Hiệp - Chủ tịch Hiệp hội các nhà thầu Việt Nam cho biết, việc cải tạo chung cư cũ còn nhiều khúc mắc bởi Luật Nhà ở, Nghị định số 101/2015 như: Quy định cải tạo, xây dựng lại nhà chung cư phải được triển khai theo nguyên tắc toàn khu; phải có kết quả kiểm định chất lượng là nhà chung cư nguy hiểm (cấp độ D) mới đưa vào kế hoạch cải tạo, xây dựng lại; chưa quy định những chính sách cụ thể về bồi thường hỗ trợ tái định cư, tạm cư, khó khăn hơn nữa khiến doanh nghiệp không thể triển khai nổi là phải có 100% dân cư đồng ý mới được triển khai. Điển hình như dự án ở Nguyễn Công Trứ đang khiến nhà đầu tư phải chấp nhận thua thiệt để vì lợi ích của xã hội.

Đặc thù của Hà Nội

Trên cơ sở nhiều tồn tại từ luật và thực tế tại khu chung cư cũ hiện nay, đặc biệt là Thủ đô Hà Nội, ông Hiệp cho rằng, việc sửa đổi Nghị định 101 cần tập trung ở một số điểm như: Thứ nhất, để cải tạo một khu chung cư cũ nên cần 70% cư dân đồng ý là thực hiện cải tạo, thêm vào đó không nên dùng tỷ lệ số chủ sở hữu đồng ý mà nên dùng tỷ lệ diện tích của các chủ sở hữu đồng ý thì sẽ hiệu quả hơn. Thứ hai, Thành phố cần xem xét lại chiều cao, mật độ cho phép đối với những khu không có chỗ tái định cư, tiếp đó thống nhất được hệ số đền bù có lợi cho cả các bên, đây cũng là vấn đề then chốt hiện nay.

Trong khi, ông Nguyễn Thế Điệp, Phó Chủ tịch Thường trực Câu lạc bộ BĐS Hà Nội chia sẻ, cải tạo chung cư cũ là một lĩnh rất khó, nhiều cư dân trong chung cư cũ là cán bộ, gia đình chính sách được nhà nước phân nhà từ những thời kỳ trước, nếu làm không tốt vấn đề xã hội sẽ không thể thực hiện được.

Ngoài ra, việc đánh đồng tất cả các dự án như nhau là chưa hợp lý, khi xây dựng lại toàn khu thì độ phức tạp hơn nhiều do có đa dạng đối tượng sở hữu nhà, quy mô lớn nên cần phải có thống nhất về cơ chế chính sách ngay từ đầu, quy định về thời gian thống nhất về phương án đền bù đối với các chủ sở hữu nhà phải kéo dài hơn các dự án đơn lẻ.

Hiện nay, Việc áp dụng hình thức đầu tư theo phương thức BT, nay không được áp dụng hình thức này nữa, Nhà nước cần sớm có phương án xã hội hóa khác thay thế phù hợp để khuyến khích nhà đầu tư.