Lễ hội ném đậu "đuổi quỷ, mời may mắn" trẻ em Nhật thích nhất
(Dân trí) - Tháng hai tại Nhật Bản là tháng của một trong những lễ hội với tập tục độc đáo nhất và được trẻ em yêu thích nhất: lễ hội Setsubun.
Tùy theo lịch mỗi năm, lễ hội Setsubun được tổ chức vào mùng 2, hoặc mùng 3, mùng 4 tháng hai. Từ setsubun để chỉ ngày cuối cùng của mỗi mùa. Lễ hội Setsubun no Hi để mừng ngày cuối cùng của mùa đông, ngày người Nhật mừng mùa đông qua đi, chào đón mùa xuân đến.
Dù tháng hai là một trong những tháng lạnh nhất tại Nhật, nhiều khu vực trên đất nước vẫn có tuyết rơi, nhưng lễ hội Setsubun no Hi (hay còn gọi là lễ hội ném đậu) vẫn được tổ chức tưng bừng tại nhiều gia đình, trường học, các điểm công cộng, đền chùa tại Nhật.
Người Nhật quan niệm rằng quỷ oni thường xuất hiện vào thời điểm giao mùa. Do đó, người Nhật có tập tục ném đậu tương khô và hô "Đuổi quỷ đi, mời may mắn vào" để xua đuổi lũ quỷ vào ngày setsubun cuối mùa đông.
Tập tục ném đậu tương này được gọi là mame-maki. Tại các gia đình, thường người cha sẽ đeo mặt nạ quỷ oni và dọa lũ trẻ. Tại các trường học, giáo viên thường sẽ đóng giả quỷ oni.
Trước ngày setsubun, các siêu thị, cửa hàng tiện lợi tại Nhật bày bán các túi đựng đậu tương kèm theo món quà là mặt nạ quỷ oni. Trong ngày này, bên cạnh tập tục ném đậu, người Nhật còn có truyền thống ăn số hạt đậu tương tương ứng với số tuổi để cầu may mắn và sức khỏe trong năm.
Tập tục ném đậu thường được tổ chức trang trọng tại các đền chùa, cùng nhiều nghi lễ khác. Nhiều ngôi chùa tại Nhật Bản tổ chức ném đậu tương vào đám đông du khách. Những hạt đậu tương tượng trưng cho may mắn nên đám đông thi nhau bắt thật nhiều đậu tương để gặp nhiều may mắn trong năm mới, tạo nên khung cảnh sôi động tại các đền chùa trên khắp Nhật Bản dịp đầu năm.
Người Nhật còn có nhiều tập tục thú vị khác trong ngày hội Setsubun như ăn những cuộn eho-maki. Đây là những cuộn sushi maki. Tuy nhiên, vào dịp này, người Nhật sẽ ăn cả cuộn maki to chứ không cắt thành lát mỏng như bình thường.
Người Nhật được dừng lại hoặc cắt nhỏ khi ăn cuộn eho-maki, để tượng trưng cho may mắn đến không ngừng. Các nguyên liệu trong cuộn eho-maki cũng là 7 loại thực phẩm tượng trưng cho 7 vị thần may mắn của Nhật Bản.
Truyền thống ăn eho-maki bắt nguồn từ vùng Kansai, nhưng hiện đã phổ biến trên khắp Nhật Bản. Vào ngày Setsubun, những cuộn eho-maki được bày bán tại nhiều siêu thị ở Nhật.
Một truyền thống từ xa xưa hiện không còn phổ biến trong ngày Setsubun là treo những cành nhựa ruồi có cắm đầu cá sardine ở lối vào nhà. Người Nhật tin rằng mùi cá sardine sẽ xua đuổi ma quỷ. Ngày nay, nhiều ngôi nhà tại các thành phố lớn ở Nhật không còn giữ thói quen trưng vật đuổi tà ma này vào ngày Setsubun.