Lật tẩy “chiêu” bán đất nền do ngân hàng thanh lý Kỳ 2: Bất chấp thủ đoạn kể cả “mạo danh”

(Dân trí) - Ngân hàng Sacombank xác nhận, ngân hàng này không có nhân viên nào tên Trung Tuấn và ngân hàng cũng không hề có sự hợp tác nào với Công ty CP Đầu tư Xây dựng và Phát triển Hoàng Hưng Thịnh tại Bình Dương.

Lật tẩy "chiêu" bán đất nền do ngân hàng thanh lý

“Mạo danh” nhân viên ngân hàng

Trong bài “Dối trá để đưa khách vào tròng” (Kỳ 1) mà báo Dân trí đã nêu thì có một nam nhân viên tự xưng là nhân viên hội sở Ngân hàng Sacombank tên Trung Tuấn gọi điện đến cho chúng tôi để quảng cáo đất nền giá rẻ tại quận Thủ Đức.

Thế nhưng, sau khi chúng tôi đến điểm hẹn là Trung tâm hội nghị Claris Palace (số 22, đường Hiệp Bình, quận Thủ Đức) thì Tuấn đột nhiên “mất hút” và thay vào đó là nhân viên Công ty CP Đầu tư Xây dựng và Phát triển Hoàng Hưng Thịnh tiếp cận chúng tôi.

Các nhân viên Công ty Hoàng Hưng Thịnh đã thay nhau quảng cáo về bất động sản Bình Dương và đưa chúng tôi thẳng xuống huyện Bàu Bàng.

Lật tẩy “chiêu” bán đất nền do ngân hàng thanh lý  Kỳ 2: Bất chấp thủ đoạn kể cả “mạo danh” - 1

Nhân viên Công ty Hoàng Hưng Thịnh đưa PV xuống tận huyện Bàu Bàng, tỉnh Bình Dương, trong khi quảng cáo là đất nền do ngân hàng thanh lý ở quận Thủ Đức. Ảnh: Đại Việt

Ngay sau khi tìm hiểu thông tin, chúng tôi đã liên hệ với đại diện Ngân hàng Sacombank để xác minh thông tin của người nhân viên tên Trung Tuấn.

Đại diện Ngân hàng Sacombank cho biết, hiện nay tại hội sở Sacombank không có cán bộ, nhân viên nào có tên Trung Tuấn và số điện thoại 0936808xxx như phóng viên đã nêu.

“Sacombank không có bất cứ liên kết, ký gửi bất động sản nào với Công ty Cổ phần Đầu tư Xây dựng và Phát triển Hoàng Hưng Thịnh địa chỉ tại 554 Đại lộ Bình Dương, phường Hiệp Thành, TP.Thủ Dầu Một, tỉnh Bình Dương”, phản hồi của Sacombank nêu rõ.

Theo đại diện Ngân hàng Sacombank, quy trình thanh lý bất động sản của Sacombank được thực hiện cơ bản như sau, hiện nay, Sacombank có 2 dạng tài sản thanh lý là tài sản nhận cấn trừ nợ  và tài sản bảo đảm nợ vay (tài sản thế chấp).

Cả hai loại tài sản này đều được Sacombank thanh lý thông qua bằng một trong các hình thức và thủ tục như: Bán thỏa thuận; Chào giá cạnh tranh công khai trên website Sacombank; Bán đấu giá thông qua tổ chức có chức năng như công khai trên website Sacombank, đăng báo công khai, niêm yết tại UBND xã/phường nơi có bất động sản.

Thông tin giả, thiệt hại thật

Trao đổi với PV Dân trí, ông Thành Đô, đại diện Công ty Hoàng Hưng Thịnh cho biết, ngoài việc phân phối sản phẩm của các dự án bất động sản thì công ty này cũng có những sản phẩm lẻ do người dân ký gửi.

“Người dân họ vay ngân hàng để mua bất động sản nhưng không có tiền đáo hạn hoặc không còn khả năng chi trả thì họ ký gửi cho công ty chúng tôi để bán”, ông Đô nói.

Ông Đô cũng thừa nhận, các bất động sản này không phải là của ngân hàng thanh lý mà chỉ là sản phẩm của người dân gửi đến công ty để bán ra thị trường.

Chúng tôi đặt câu hỏi “Việc nhân viên công ty tự xưng là nhân viên ngân hàng để tiếp cận khách hàng là chính sách của Công ty Hoàng Hưng Thịnh hay là chiêu thức do nhân viên tự nghĩ ra?”, ông Đô ấp úng và lảng tránh câu hỏi này.

Lật tẩy “chiêu” bán đất nền do ngân hàng thanh lý  Kỳ 2: Bất chấp thủ đoạn kể cả “mạo danh” - 2

Các công ty bất động sản đang làm đủ mọi cách, giở đủ "chiêu" để kiếm khách. Tuy nhiên, đang có những cách làm khiến người dân mất niềm tin vào thị trường bất động sản. Ảnh: Đại Việt

Bà Nguyễn Thanh Hương, chuyên gia ngành bất động sản tại TPHCM chia sẻ, khách hàng cần phải tỉnh táo trước những thông tin bán bất động sản do ngân hàng thanh lý.

“Hiện nay, nhiều cá nhân, tổ chức đang mạo danh các đơn vị kinh doanh bất động sản uy tín hoặc các ngân hàng để rao bán bất động sản. Việc này nhằm tiếp cận khách hàng một cách dễ dàng hơn. Tuy nhiên, nó cũng mang lại nhiều hệ lụy rất lớn cho ngành bất động sản”, bà Hương nói.

Theo bà Hương, hệ lụy lớn nhất chính là niềm tin của khách hàng bị ảnh hưởng. Khi khách hàng tiếp cận với những thông tin giả, không đúng sự thật sẽ tạo nên tâm lý đề phòng, bất an. Điều này sẽ tác động không nhỏ đến các doanh nghiệp bất động sản chân chính và ảnh hưởng đến toàn thị trường.

Cũng theo bà Hương, khi khách hàng nhận được những thông tin giới thiệu, quảng cáo bất động sản thì cần liên hệ với bộ phận chăm sóc khách hàng hay đường dây nóng của chủ đầu tư dự án hoặc ngân hàng (nếu quảng cáo bất động sản do ngân hàng thanh lý). Đây là cách nhanh nhất để nắm những thông tin ban đầu.

Thông thường, khi phát hiện các thông tin giả, mạo danh thì bộ phận pháp chế của các doanh nghiệp sẽ gửi văn bản đến các công ty, tổ chức mạo danh để xử lý.

Tuy nhiên, việc này chỉ có tác dụng đối với các công ty, tổ chức, còn đối với các cá nhân thì rất khó xử lý vì không quy được trách nhiệm và công tác xử lý thường đi đến “ngõ cụt”.

“Tôi nghĩ, các cơ quan chức năng cần có những biện pháp chế tài mạnh hơn nữa để xử lý các cá nhân, tổ chức mạo danh các doanh nghiệp uy tín để chuộc lợi, bởi việc này ảnh hưởng lớn đến khách hàng và các doanh nghiệp chân chính cũng như toàn thị trường bất động sản”, bà Hương nêu quan điểm.

Đại Việt