Kỳ lạ chàng trai Bắc Ninh rong ruổi kiếm rác về xây quán cà phê
(Dân trí) - 2 tháng, 3 chàng trai, 1 chiếc xe tải rong ruổi khắp các tỉnh thành từ Hà Nội, Phú Thọ, Bắc Ninh, Hòa Bình… kiếm rác về “xây nhà”. Câu chuyện tưởng đùa nhưng có thật của chủ quán cà phê tái chế mang tên Nguyễn Văn Thơ.
Nằm sâu trong con ngõ nhỏ phố Hàng Tre, thuộc khu phố cổ Hà Nội, quán cà phê tái chế nổi bật, hấp dẫn du khách bởi nó không giống ai. 95% vật liệu trong quán sử dụng là đồ tái chế, nhiều khách hay tếu táo gọi vui đây là quán "đồng nát, sắt vụn".
Tuy nhiên, đằng sau đó là cả câu chuyện về hành trình kiến tạo cuộc sống xanh, khát vọng bảo vệ môi trường của chàng trai 8X Nguyễn Văn Thơ.
“Tôi sinh ra và lớn lên ở những ngôi làng được mệnh danh là ô nhiễm nhất Việt Nam, nhiều người ra đi khi tuổi đời còn quá trẻ với căn bệnh ung thư. Nên với tôi, được sống đã là điều diệu kỳ nhưng được sống xanh, sống sạch là khao khát cả đời” – anh Thơ nói.
Ý tưởng xây nên quán cà phê tái chế giữa lòng Hà Nội bắt đầu từ những ước mong giản dị. Trước đây, anh Thơ là hướng dẫn viên du lịch, vốn là người hay được đi, được trải nghiệm ở nhiều nơi nên anh thấy việc bảo vệ môi trường là cấp thiết.
"Mỗi lần dẫn các đoàn khách nước ngoài đến Việt Nam du lịch, nhìn thấy họ giữ gìn môi trường mà “thèm”. Từ những việc nhỏ nhất như bỏ rác vào thùng, phân loại rác, hạn chế sử dụng túi nilon, họ đều rất có ý thức.
Ngược lại, khi sang các nước bạn, tôi để ý trẻ con ngay từ nhỏ đã được giáo dục việc sống xanh và bảo vệ môi trường. Điều này khiến tôi rất ngưỡng mộ", anh Thơ nói.
Từ đó, chàng trai 8X luôn ấp ủ trong mình một dự định dài hơi, có ý nghĩa nhân văn và làm thay đổi nhận thức của cộng đồng.
Sau khi nghiên cứu, anh Thơ chia sẻ ý tưởng của mình với 2 người bạn và mọi người rất hào hứng. Hành trình rong ruổi kiếm rác về xây quán cà phê được chính thức khởi động.
2 tháng, 3 chàng trai, 1 chiếc xe tải chạy dọc các tỉnh thành từ Hà Nội, Phú Thọ, Bắc Ninh, Hòa Bình kiếm rác về “xây tổ” khiến mọi người đều ngỡ ngàng.
Anh Thơ cho hay, lý do khiến anh lựa đồ tái chế để xây quán thay vì mua các vật dụng mới bởi anh muốn truyền tải thông điệp “hãy tái chế khi vật còn hữu ích”. Ngoài ra, đó còn là cách kêu gọi mọi người sử dụng đồ dùng một cách tiết kiệm, tránh lãng phí và thải ra môi trường.
“Một chiếc túi nilon thải ra môi trường sẽ mất 500 - 1.000 năm để phân hủy, gây ảnh hưởng tới nguồn nước và sức khỏe con người. Thay vì tiện, nhanh, kém an toàn, tại sao chúng ta không chọn cách phát triển bền vững, sống xanh” – anh tâm sự.
Thế nên, toàn bộ ống hút, vật dụng trong quán cà phê, anh Thơ đều nói không với đồ nhựa. Khách muốn mang đồ uống về buộc phải mang cốc, chai đến đựng, quán nhất quyết không sử dụng loại cốc nhựa dùng 1 lần.
Trung bình mỗi ngày anh Thơ đón 150-200 lượt khách đến quán cà phê, trong đó hơn 60% là người nước ngoài. Khách đến quán đều là người rất yêu môi trường, thích tái chế và khám phá những giá trị tiềm ẩn từ đồ đồng nát.
Anh chia sẻ thêm, kinh doanh thì phải hướng đến lợi nhuận nhưng điều khiến anh hạnh phúc nhất chính là sự thay đổi về cách nghĩ, cách hành động về bảo vệ môi trường, giữ gìn thiên nhiên trong mỗi người.
“Một cánh én nhỏ sẽ chẳng làm nên mùa xuân nhưng có nhiều cánh én nhỏ sẽ tạo nên một mùa xuân vĩnh cửu. Và tôi luôn nghĩ hành động đẹp sẽ luôn sống mãi và lan tỏa” – anh Thơ cho hay.
An Chi