Kịch Noh: Loại hình nghệ thuật kinh điển của Nhật Bản

Chi Chi

(Dân trí) - Kịch Noh là một trong những loại kịch lâu đời nhất ở xứ mặt trời mọc mà vẫn còn được biểu diễn cho tới nay.

Kịch Noh hay Nogaku là một thể loại kịch truyền thống của Nhật Bản, bắt đầu xuất hiện từ thế kỷ XIV. Đây là một trong những loại kịch lâu đời nhất ở xứ mặt trời mọc mà vẫn còn được biểu diễn cho tới nay. 

Nguồn gốc kịch Noh

Từ "Noh" nghĩa là kỹ năng, kỹ xảo, tài năng và nó thường được dùng một mình hoặc gắn với "gaku" (vui vẻ, âm nhạc) để tạo thành từ Nogaku. Noh là một kịch truyền thống cổ điển được rất nhiều người đánh giá cao từ xưa đến nay. Khi được dùng một mình, Noh thường khiến người ta nghĩ đến thể loại trình diễn bắt nguồn từ sarugaku vào giữa thế kỷ XIV và vẫn tiếp tục được trình diễn cho tới ngày nay.

Kịch Noh: Loại hình nghệ thuật kinh điển của Nhật Bản - 1

Noh là một kịch truyền thống cổ điển ở Nhật Bản (Ảnh: Japan Travel). 

Sarugaku du nhập vào Nhật Bản từ Trung Quốc từ thế kỷ thứ VIII. Lúc đó, thuật ngữ "Sarugaku" dùng để chỉ các loại hình biểu diễn khác nhau bao gồm nhào lộn, nhảy theo điệu nhạc cũng như các thể loại kịch ngắn hài hước. Sau khi đã thích ứng với xã hội Nhật Bản, nó đã dẫn tới sự đồng hóa các hình thức nghệ thuật truyền thống khác.

Các kiểu trình diễn khác nhau trong Sangaku như Dengaku (biểu diễn trong lễ hội của nông thôn liên quan đến trồng lúa), Sarugaku (hình thức giải trí phổ biến bao gồm nhào lộn, tung hứng, và kịch câm), Shirabyōshi (điệu múa truyền thống của các vũ nữ ở triều đình trong thế kỷ thứ 12) và Gagaku (nhạc cổ điển và điệu múa được biểu diễn trong triều đình bắt đầu từ thế kỷ thứ VII) đã tiến hóa thành Noh và kyōgen (hài kịch).

Kịch Noh: Loại hình nghệ thuật kinh điển của Nhật Bản - 2

Trong thời kỳ Edo, Noh tiếp tục là hình thức nghệ thuật quý tộc (Ảnh: Japan Travel). 

Các nghiên cứu về phả hệ của các diễn viên kịch Noh trong thế kỷ XIV cho thấy họ là thành viên của các gia đình chuyên về nghệ thuật biểu diễn. Họ biểu diễn nhiều nghệ thuật truyền thống khác nhau qua nhiều thế hệ.

Một học thuyết khác bởi Shinhachiro Matsumoto cho rằng Noh có nguồn gốc từ những kẻ cố gắng giành được vị thế xã hội cao hơn bằng cách trình diễn kịch Noh cho những người có quyền lực - giai cấp samurai.

Kịch Noh: Loại hình nghệ thuật kinh điển của Nhật Bản - 3

mỗi vở kịch Noh có thể được chia thành ba phần (Ảnh: Japan Travel). 

Việc chuyển Mạc phủ từ Kamakura tới Kyoto vào đầu giai đoạn Muromachi đánh dấu sự gia tăng sức mạnh của tầng lớp samurai, tăng cường mối quan hệ giữa Mạc phủ và triều đình. Bởi vì kịch Noh là một loại kịch được Mạc phủ yêu thích nên nó có thể đã trở thành một hình thức nghệ thuật để giao lưu đối với mối quan hệ mới được hình thành này và giúp nó có được vị trí là hình thức nghệ thuật sân khấu xuất sắc nhất mọi thời đại.

Thời kỳ Tokugawa

Trong thời kỳ Edo, Noh tiếp tục là hình thức nghệ thuật quý tộc được Mạc phủ, các lãnh chúa phong kiến (Daimyō) và các thường dân giàu có ủng hộ. Trong khi Kabuki và Joruri phổ biến đối với tầng lớp trung lưu và tập trung vào các chủ đề giải trí mới mẻ, kịch Noh vẫn tiếp tục duy trì các tiêu chuẩn cao của mình và mang tính xác thực lịch sử rất lớn, hầu như không thay đổi trong suốt thời đại.

Kịch Noh: Loại hình nghệ thuật kinh điển của Nhật Bản - 4

Kịch Noh có nhiều kiểu trình diễn khác nhau (Ảnh: Japan Travel). 

Noh hiện đại sau Minh Trị Duy Tân

Sự sụp đổ của Mạc phủ Tokugawa vào năm 1868 và sự hình thành của một chính phủ hiện đại dẫn đến sự chấm dứt hỗ trợ tài chính của chính phủ cho kịch Noh và các đoàn kịch Noh rơi vào khủng hoảng tài chính trầm trọng. Sau cách mạng Minh Trị, số lượng các nghệ sĩ kịch Noh và sân khấu kịch Noh đã giảm đi rất nhiều. Nhưng cuối cùng, nhờ sự ủng hộ của chính phủ lẫn các nhà ngoại giao nước ngoài, kịch Noh cũng dần vực dậy được sau cơn khủng hoảng.

Năm 1957, Chính phủ Nhật đã công nhận Nogaku là di sản văn hóa phi vật thể quan trọng. Nhà hát Noh Quốc gia được thành lập bởi chính phủ vào năm 1983 tổ chức các buổi trình diễn thường xuyên và mở các khóa học để đào tạo các diễn viên Nogaku hàng đầu. Kịch Noh được UNESCO công nhận là Di sản Văn hóa phi vật thể của UNESCO vào năm 2008.

Kịch Noh: Loại hình nghệ thuật kinh điển của Nhật Bản - 5

Kịch Noh được UNESCO công nhận là Di sản Văn hóa phi vật thể (Ảnh: Japan Travel). 

Mặc dù các thuật ngữ Nōgaku và Noh đôi khi được hoán đổi cho nhau, nhưng nōgaku bao gồm cả kịch Noh và kịch kyōgen. Kịch Kyōgen là thể loại kịch hài được biểu diễn giữa khoảng thời gian nghỉ của các màn kịch Noh. So với Noh, kyōgen ít khi sử dụng mặt nạ và có nguồn gốc từ các vở kịch hài hước của sangaku.

Jo-ha-kyū

Jo có nghĩa là bắt đầu, ha có nghĩa là phá vỡ, kyū có nghĩa là nhanh chóng. Thuật ngữ này có nguồn gốc từ Gagaku, âm nhạc cung đình cổ đại, chỉ ra nhịp độ tăng dần và đạt đến độ cao trào của vở kịch.

Jo-ha-kyū được kết hợp trong 5 màn diễn của một vở kịch Noh. Màn kịch đầu tiên là jo, màn hai ba bốn là ha và màn thứ năm là kyū. Trên thực tế, mỗi vở kịch Noh có thể được chia thành ba phần, phần giới thiệu, phần phát triển và phần kết. Một vở diễn bắt đầu với nhịp điệu chậm rãi ở phần jo, nhanh dần ở phần ha, sau đó lên đến đỉnh điểm ở kyū.

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm