Kịch kabuki - Nghệ thuật truyền thống trường tồn với thời gian
(Dân trí) - Dù vẫn có chỗ đứng riêng qua nhiều thế kỷ nhưng kịch kabuki vẫn là loại hình nghệ thuật không dành cho nữ giới ở xứ Phù Tang.
Nhắc tới nghệ thuật truyền thống của Nhật Bản không thể bỏ qua nghệ thuật sân khấu kịch với lịch sử lâu đời. Sân khấu không đơn giản chỉ là nơi hội tụ những màn trình diễn đỉnh cao của các nghệ sĩ, nó còn chứa đựng tinh túy của cả một nền văn hóa, là ước muốn, câu chuyện của thế hệ đi trước truyền lại.
Kabuki là một trong 3 loại hình nghệ thuật sân khấu chính của Nhật Bản, cùng với kịch noh và kịch rối bunraku. Bộ môn nghệ thuật này bắt nguồn từ điệu múa do một cô gái khởi xướng vào khoảng những năm 1600. Trải qua hơn 400 năm lịch sử, kịch kabuki vẫn có chỗ đứng vững chắc trong lòng khán giả Nhật Bản.
Bằng sự kết hợp giữa nghệ thuật diễn xuất, múa và âm nhạc, kabuki là môn nghệ thuật hết sức độc đáo và hiện được công nhận là một trong những loại hình kịch nghệ truyền thống vĩ đại của thế giới. Để có một màn trình diễn hay, kabuki phải đạt được sự hài hòa và đặc sắc của nhiều yếu tố bao gồm diễn viên, trang phụ, cốt truyện, nội dung truyền tải, những điệu múa…
Điểm khác biệt lớn nhất của kabuki so với noh hay các vở kịch phương Tây chính là đôi khi cá tính của diễn viên được xem trọng hơn vai diễn trong vở kịch. Trong kabuki, đôi lúc giữa vở kịch diễn viên sẽ ngừng diễn xuất, thay vào đó là chào hỏi khán giả với tư cách diễn viên. Diễn viên không chỉ hóa thân vào vai diễn mà hơn thế nữa, họ cần phải biết cách phát huy cá tính của mình như thế nào đó để đem lại những điều thú vị cho khán giả. Đây là một đặc trưng hiếm thấy ở những loại hình kịch khác.
Người ta cho rằng sư tổ của kabuki là bà Izumo-no-okuni, nhân vật theo sử sách đứng đầu một nhóm người gồm hầu hết là phụ nữ, tổ chức diễn kịch mà chủ yếu là múa và các vở hài ngắn quanh khu vực Kyoto vào năm 1603. Bà sáng tạo ra kabuki dựa trên kịch noh - một loại hình kịch cổ mang mặt nạ của Nhật Bản) và hu-ryu - hoạt động trong lễ hội phát sinh từ sự bất mãn trước những cuộc chiến tranh vào cuối thế kỷ 16, đầu thế kỷ 17, có đặc trưng mạnh mẽ, hoa mỹ, nhằm quên đi sự đau khổ.
Thuở sơ khai, kabuki có hai hình thức, onna kabuki là các buổi biểu diễn toàn các diễn viên nữ và yaro kabuki do các diễn viên nam đảm trách. Tuy nhiên, trong thời gian đó, kabuki bị đánh giá là những tác phẩm chỉ mang tính mua vui vì thường được biểu diễn bởi những cô gái làng chơi và điệu múa của họ bị cho là rất nhạy cảm. Vào năm 1692, Mạc phủ đã cấm các diễn viên nữ lên sân khấu biểu diễn nhằm ngăn chặn sự suy đồi về mặt đạo đức trong xã hội. Tuy nhiên, ngay cả khi các diễn viên nam thay thế cho diễn viên nữ, những công kích và sự chỉ trích vẫn tiếp tục tồn tại. Từ đó cho tới ngày nay, các diễn viên kabuki luôn là những người đàn ông lớn tuổi và đảm nhận tất cả các vai diễn của họ.
Những năm 1700, kabuki là bộ môn nghệ thuật biểu diễn chỉ dành cho một nhóm những gia đình nghệ sĩ danh giá. Đối với những người muốn học kabuki, cách duy nhất có thể làm là xuất thân từ một trong những nhóm gia đình này.
Thế kỷ thứ 18 được cho là thời kỳ hoàng kim và phát triển nhất của sân khấu kịch kabuki do nhận được sự ủng hộ nhiệt tình của tầng lớp thị dân. Trải qua nhiều thăng trầm trong lịch sử, nội dung, cách biểu diễn của Kabiki đã có nhiều biến đổi và quy tắc nhất định, chúng dần dần trở nên chính thức hóa, truyền tải nhiều thông điệp ý nghĩa hơn nên dần trở thành món ăn tinh thần không thể thiếu của người dân xứ hoa anh đào.
Sân khấu kịch kabuki đã được tổ chức ở rất nhiều nơi trên thế giới. Cho tới ngày nay, loại hình nghệ thuật này vẫn rất được ưa chuộng và được UNESCO công nhận là di sản văn hóa phi vật thể của nhân loại.