Khu đô thị quốc tế lớn nhất ở Hà Nội, ôm đất hơn 20 năm vẫn để “treo”

(Dân trí) - Kiến nghị cho tạm dừng việc quy hoạch thành đặc khu kinh tế; Nhan nhản dự án “ôm” đất vàng rồi bỏ hoang: Hà Nội tiếp tục rà soát, thu hồi; Hà Nội lý giải vì sao khu đô thị quốc tế lớn nhất ở Hà Nội ôm đất hơn 2 thập kỷ vẫn để “treo”... là những thông tin bất động sản nổi bật tuần qua.

Kiên Giang kiến nghị dừng quy hoạch Phú Quốc thành đặc khu kinh tế

Lãnh đạo UBND tỉnh Kiên Giang vừa có văn bản gửi Thủ tướng Chính phủ kiến nghị cho tạm dừng việc lập Quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội đảo Phú Quốc thành Đơn vị hành chính - Kinh tế đặc biệt cho tới khi Luật Đơn vị hành chính - Kinh tế đặc biệt được Quốc hội thông qua.

Đồng thời, cho phép tỉnh Kiên Giang được tổ chức triển khai lập mới Quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội đảo Phú Quốc theo hướng trở thành khu kinh tế Phú Quốc.

Nguồn kinh phí lập quy hoạch được lấy từ nguồn ngân sách địa phương và các nguồn huy động hợp pháp khác.

Khu đô thị quốc tế lớn nhất ở Hà Nội, ôm đất hơn 20 năm vẫn để “treo” - 1
Kiên Giang đề nghị dừng quy hoạch Phú Quốc thành đặc khu kinh tế.

Đất Gia Lâm tăng giá chóng mặt, cò đất mỗi tháng gom đôi tỷ

Nhận định về thị trường, ông Bùi Văn Thành, một môi giới BĐS, cho rằng, đất thổ cư thì không có sốt ảo. Đất Gia Lâm, đặc biệt là tại Đa Tốn, Kiêu Kỵ, Đông Dư đang hưởng lợi rất lớn từ siêu dự án của Vingroup nên có khả năng tăng tiếp.

Ông Thành cho hay, sản phẩm đất nền, đất thổ cư, shophouse được nhiều khách hàng quan tâm. Dự báo trong năm nay và một vài năm tới, giá đất nền ở Gia Lâm tiếp tục sẽ tăng và trở thành điểm hút của nhiều nhà đầu tư muốn nhanh kiếm lời.

Bà Nguyễn Hoài An, Giám đốc bộ phận tư vấn và nghiên cứu CBRE, nhận định việc sốt đất nền quanh các siêu dự án là điều dễ hiểu và cũng là điều chấp nhận được của thị trường bất động sản, tuy nhiên cần xem xét mức tăng giá của các lô đất nền trước và trong thời điểm có dự án. “Nếu đất nền thực sự tăng ở mức cao thì cũng cần xem xét, cẩn trọng nguy cơ sốt ảo”, bà An lưu ý.

Nhan nhản dự án “ôm” đất vàng rồi bỏ hoang: Hà Nội tiếp tục rà soát, thu hồi

T rong tổng hợp kiến nghị cử tri gửi tới lãnh đạo Hà Nội trước và sau kỳ họp thứ 7 HĐND TP khoá XV, rất nhiều bức xúc liên quan tới các dự án chậm triển khai được phản ánh.

Các dự án “treo” nhan nhản khắp từ các quận, huyện ngoại thành Hà Nội cho đến các khu vực quận nội đô – nơi đất đai được ví như “vàng”.

Nguyên nhân dẫn đến dự án chậm tiến độ cũng “muôn hình, muôn vẻ” như chủ đầu tư không đủ năng lực (tài chính, kinh nghiệm); thủ tục phê duyệt dự án, quy hoạch, giấy phép xây dựng... kéo dài; thị trường thay đổi, nếu cứ theo phương án đầu tư cũ trước khi giao đất thì thua lỗ; vướng mắc trong công tác bồi thường giải phóng mặt bằng…

Theo quy định tại Luật Đất đai, nếu dự án quá 1 năm không sử dụng đất hoặc chậm tiến độ quá 24 tháng theo tiến độ được duyệt thì sẽ bị thu hồi, nhưng trên thực tế, số dự án thu hồi được rất ít.

Khu đô thị quốc tế lớn nhất ở Hà Nội, ôm đất hơn 20 năm vẫn để “treo” - 2
“Đất vàng” Hoàn Kiếm siêu đắt đỏ, doanh nghiệp “ôm” vào rồi quây tôn bỏ không.

Hà Nội sắp có quy hoạch phân khu đô thị sông Hồng

Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Đức Chung mới đây đã ký ban hành Công văn số 3106/UBND-KHĐT về việc triển khai thực hiện nhiệm vụ trọng tâm 6 tháng cuối năm 2019.

Theo đó, lãnh đạo UBND TP. Hà Nội yêu cầu Sở Quy hoạch - Kiến trúc chủ trì xây dựng và trình tập thể UBND TP xem xét, cho ý kiến hoặc thông qua: Quy chuẩn kỹ thuật quy hoạch kiến trúc tại 4 quận nội đô (Ba Đình, Hoàn Kiếm, Đống Đa, Hai Bà Trưng);

Quy hoạch phân khu Ga Hà Nội và phụ cận; Quy hoạch chung không gian xây dựng ngầm đô thị trung tâm - Thành phố Hà Nội đến năm 2030, tầm nhìn 2050;

Quy hoạch phân khu đô thị sông Hồng, tỷ lệ 1/5000 (R1-5); Quy hoạch phân khu đô thị sông Đuống (R6)...

Khu đô thị quốc tế lớn nhất ở Hà Nội: Vì sao ôm đất hơn 2 thập kỷ vẫn để “treo”? Cử tri quận Tây Hồ mới đây đã đề nghị UBND Thành phố Hà Nội chỉ đạo các cơ quan chức năng kiểm tra, rà soát lại các dự án còn tồn đọng đã lâu chưa được thực hiện trên địa bàn quận này nhằm xem xét, có biện pháp xử lý nhằm phát huy giá trị về đất; đồng thời ổn định đời sống cho các hộ gia đình nằm trong quy hoạch các dự án.

Một trong số các dự án “treo” tại quận Tây Hồ được đề cập, đó là Dự án khu đô thị mới Nam Thăng Long (giai đoạn 2). Dự này kéo dài đã lâu (khoảng 20 năm) nhưng chưa triển khai, điều này làm ảnh hưởng nhiều hộ dân nằm trong quy hoạch dự án.

Trả lời về vấn đề này, lãnh đạo UBND TP. Hà Nội cho biết, dự án Khu đô thị Nam Thăng Long thuộc địa bàn phường Phú Thượng, phường Nhật Tân và phường Xuân La, quận Tây Hồ và phường Đông Ngạc, phường Xuân Đỉnh, quận Bắc Từ Liêm do Công ty TNHH Phát triển khu đô thị Nam Thăng Long làm chủ đầu tư.

Khu đô thị quốc tế lớn nhất ở Hà Nội, ôm đất hơn 20 năm vẫn để “treo” - 3

Một trong số các dự án “treo” tại quận Tây Hồ được đề cập, đó là Dự án khu đô thị mới Nam Thăng Long (giai đoạn 2). Dự này kéo dài đã lâu (khoảng 20 năm) nhưng chưa triển khai, điều này làm ảnh hưởng nhiều hộ dân nằm trong quy hoạch dự án.

Hà Nội: Chuyển hồ sơ 7 công trình vi phạm phòng cháy chữa cháy sang Viện Kiểm sát

Theo báo cáo, trong số 79 công trình nhà chung cư cao tầng vi phạm quy định về phòng cháy chữa cháy trong đầu tư xây dựng đã đăng công báo năm 2017, tính đến nay, đã có 60 công trình khắc phục xong và được nghiệm thu về phòng cháy chữa cháy, còn 19 công trình chưa khắc phục xong.

UBND TP. Hà Nội cho biết, 19 công trình vi phạm đã được xử lý vi phạm hành chính về phòng cháy chữa cháy. Đã có tổng số 43 lượt xử lý hành chính với số tiền khoảng 1 tỷ đồng. 19/19 công trình đều ra quyết định đình chỉ hoạt động, trong đó, 6 quyết định đình chỉ đối với toàn bộ công trình, 13 quyết định đình chỉ đối với hạng mục thuộc công trình.

"Ông trùm” nhà ở xã hội Hoàng Quân: Dính nhiều bê bối, doanh thu xuống dốc

Công ty CP Tư vấn Thương mại Dịch vụ Địa ốc Hoàng Quân (mã CK: HQC) vừa công bố báo cáo tài chính hợp nhất quý 2/2019.

Báo cáo cho thấy, doanh thu bán hàng và cung cấp dịch vụ quý này đạt gần 99,6 tỷ đồng, giảm gần 60% so với cùng kỳ.

Doanh thu chủ yếu đến từ hoạt động bán bất động sản, ngoài ra là cung cấp dịch vụ. Trong kỳ này, địa ốc Hoàng Quân không ghi nhận doanh thu từ hoạt động xây dựng.

Sau khi trừ đi các chi phí, lợi nhuận sau thuế của địa ốc Hoàng Quân đạt gần 10,2 tỷ đồng, tăng không đáng kể so với cùng kỳ. Trong quý này, chi phí bán hàng, quản lý doanh nghiệp cũng như gia vốn bán hàng HQC giảm mạnh.

Khu đô thị quốc tế lớn nhất ở Hà Nội, ôm đất hơn 20 năm vẫn để “treo” - 4
Địa ốc Hoàng Quân là chủ đầu tư nổi tiếng với nhiều dự án trong phân khúc nhà ở xã hội trên khắp cả nước.

Dự án nghìn tỷ “đất vàng” ì ạch tiến độ 17 năm, lãnh đạo Hà Nội nói nguyên nhân

Dự án đầu tư xây dựng dải đất phía Nam Đại Cồ Việt quận Hai Bà Trưng được UBND thành phố Hà Nội chính thức ban hành quyết định phê duyệt từ 1/4/2002 và giao cho Công ty CP Tu Tạo và phát triển nhà làm chủ đầu tư.

Dự án được điều chỉnh nâng tổng mức đầu tư từ hơn 390,3 tỷ đồng lên hơn 1.073,4 tỷ đồng. Dự kiến xây dựng 7 tòa nhà chung cư cao từ 11 đến 24 tầng với tổng diện tích sàn xây dựng là 29.000m2 cùng các công trình công cộng, văn phòng làm việc của các cơ quan và các dịch vụ dân sinh, quỹ nhà phục vụ di dân...

Tuy nhiên, sau 17 năm đến nay dự án này vẫn là một trong những điểm “nóng” về chậm trễ tiến độ, gây bức xúc đối với người dân.

Khu đô thị quốc tế lớn nhất ở Hà Nội, ôm đất hơn 20 năm vẫn để “treo” - 5
Phối cảnh dự án đầu tư xây dựng dải đất phía Nam Đại Cồ Việt quận Hai Bà Trưng.

Cán bộ văn phòng đất đai đến công an xin… được bắt!

Chiều 30/7, VKSND tỉnh Đắk Nông cho biết đã phê chuẩn khởi tố vụ án, khởi tố bị can và lệnh bắt tạm giam 4 tháng đối với Cù Văn Soạn, cán bộ Văn phòng đăng ký quyền sử dụng đất huyện Đắk Song, tỉnh Đắk Nông để điều tra về hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản.

Theo điều tra ban đầu, từ năm 2017 đến nay, Soạn thỏa thuận với nhiều hộ dân tại huyện Đắk Song để làm giả giấy chứng nhận quyền sử dụng đất nhằm chiếm đoạt tài sản.

Cụ thể, Soạn nói với những hộ dân đứng tên trên giấy chứng nhận quyền sử dụng đất các thửa không phải của mình. Các lô đất này là đất rẫy, không có người sinh sống trên đất. Sau đó, người dân đưa chứng minh nhân dân, sổ hộ khẩu để Soạn lấy thông tin làm giấy chứng nhận quyền sử dụng đất.

Điểm tên 8 bộ ngành không chịu bàn giao trụ sở "đất vàng"

Tại phiên chất vấn của kỳ họp thứ 7 Quốc hội khóa XIV diễn ra hồi tháng 6, Đại biểu Nguyễn Thị Kim Thúy (Đoàn Đại biểu Quốc hội Đà Nẵng) đã nêu lên thực trạng các bộ, ngành có trụ sở mới vẫn tiếp tục sử dụng trụ sở cũ, tận dụng quỹ đất sau di dời làm cơ sở 2 như các bộ: Công an, Nội vụ, Tài nguyên và Môi trường, Khoa học và Công nghệ… 

Từ thực trạng trên, Đại biểu đặt câu hỏi với Bộ trưởng Phạm Hồng Hà: Liệu chủ trương trên có thực hiện được không? Xin nêu rõ lý do?.

Trả lời câu hỏi của Đại biểu Nguyễn Kim Thuý, Bộ trưởng Bộ xây dựng cho biết, thực hiện chủ trương di dời trụ sở các bộ, ngành, cơ quan Trung ương ra khỏi nội đô Hà Nội tại Nghị quyết số 16 năm 2008 của Chính phủ, Thủ tướng đã ban hành Quyết định số 130 về biện pháp, lộ trình di dời và việc sử dụng quỹ đất sau khi di dời cơ sở sản xuất công nghiệp, bệnh viện, cơ sở giáo dục đại học, cơ sở giáo dục nghề nghiệp và các cơ quan đơn vị trong nội thành Hà Nội.

Cận cảnh hàng loạt biệt thự bỏ hoang ở “phố nhà giàu” ngoại ô Hà Nội

Nằm ở phía Bắc quốc lộ 32 cách trung tâm Hà Nội khoảng 10 km về phía Tây, khu đô thị Bắc 32 (khu đô thị Lideco) do Công ty cổ phần phát triển đô thị Từ Liêm (Lideco) làm chủ đầu tư.

Dự án được khởi công từ năm 2007 và đưa vào bàn giao từ năm 2013.Dự án này có diện tích 38,9 ha, trong đó diện tích đất ở là 16,2 ha, quy mô dân số dự kiến 4.200 người.

Theo quy hoạch đã được phê duyệt, dự án có 694 căn biệt thự, được bố trí theo 2 trục Đông, Tây.

Diện tích mỗi lô nhà đất tại đây dao động quanh 160 - 500 m2, các lô nhà có kiến trúc mặt ngoài theo phong cách biệt thự Pháp nên dự án đã từng được mệnh danh là “phố nhà giàu” ở ngoại ô Hà Nội.

Tuy nhiên, do nhiều nguyên nhân, khu đô thị với hàng trăm biệt thự kiểu Pháp và được coi là dự án trọng điểm của Lideco vẫn vắng bóng người.

Khu đô thị quốc tế lớn nhất ở Hà Nội, ôm đất hơn 20 năm vẫn để “treo” - 6
Nằm ở phía Bắc quốc lộ 32, cách trung tâm Thủ đô khoảng hơn 10km về phía Tây, hàng trăm ngôi biệt thự kiểu Pháp bỏ hoang, chỉ lác đác vài người ở.

Chủ tịch Hà Nội Nguyễn Đức Chung: Thị trường bất động sản Hà Nội còn dư địa rất lớn

Phát biểu tại hội nghị gặp mặt hội viên toàn quốc Hiệp hội Bất động sản Việt Nam năm 2019 vừa diễn ra, ông Nguyễn Đức Chung, Chủ tịch UBND TP Hà Nội cho biết những năm gần đây, Hà Nội là một trong những thành phố có tốc độ đô thị hóa nhanh nhất của Việt Nam.

"Diện mạo Thủ đô thay đổi mạnh mẽ, ngày càng văn minh, hiện đại. Gắn liền với sự phát triển mạnh mẽ của Hà Nội là sự tăng trưởng vượt bậc của thị trường bất động sản, sự góp công không nhỏ của các nhà đầu tư; phát triển bất động sản", ông nói.

Theo ông Chung, Hà Nội được các nhà đầu tư lựa chọn bởi có cơ sở hạ tầng tốt, các khu công nghiệp hoàn thiện, giao thông thuận lợi... Đặc biệt ông Chung đánh giá, dân số Hà Nội đang tăng mạnh, tạo ra lực cầu về nhà ở lớn. Vì vậy bất động sản vẫn là kênh bỏ vốn hấp dẫn cho các nhà đầu tư trong và ngoài nước vì khả năng thanh khoản tốt.

Nguyễn Khánh (Tổng hợp)

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm