Nhan nhản dự án “ôm” đất vàng rồi bỏ hoang: Hà Nội tiếp tục rà soát, thu hồi

(Dân trí) - Một trong các nhiệm vụ trong tâm 6 tháng cuối năm 2019 được lãnh đạo Hà Nội nhắm tới đó là việc rà soát, kiên quyết xử lý các vi phạm đối với các dự án sử dụng đất chậm triển khai.

Nhan nhản dự án “ôm” đất vàng rồi bỏ hoang: Hà Nội tiếp tục rà soát, thu hồi - 1
“Đất vàng” Hoàn Kiếm siêu đắt đỏ, doanh nghiệp “ôm” vào rồi quây tôn bỏ không.

Nhan nhản dự án “treo”

Trong tổng hợp kiến nghị cử tri gửi tới lãnh đạo Hà Nội trước và sau kỳ họp thứ 7 HĐND TP khoá XV, rất nhiều bức xúc liên quan tới các dự án chậm triển khai được phản ánh.

Các dự án “treo” nhan nhản khắp từ các quận, huyện ngoại thành Hà Nội cho đến các khu vực quận nội đô – nơi đất đai được ví như “vàng”.

Nguyên nhân dẫn đến dự án chậm tiến độ cũng “muôn hình, muôn vẻ” như chủ đầu tư không đủ năng lực (tài chính, kinh nghiệm); thủ tục phê duyệt dự án, quy hoạch, giấy phép xây dựng... kéo dài; thị trường thay đổi, nếu cứ theo phương án đầu tư cũ trước khi giao đất thì thua lỗ; vướng mắc trong công tác bồi thường giải phóng mặt bằng…

Theo quy định tại Luật Đất đai, nếu dự án quá 1 năm không sử dụng đất hoặc chậm tiến độ quá 24 tháng theo tiến độ được duyệt thì sẽ bị thu hồi, nhưng trên thực tế, số dự án thu hồi được rất ít.

Trong văn bản hồi đáp ý kiến cử tri, UBND Thành phố Hà Nội cho biết trong tổng danh mục 383 dự án có sử dụng đất chậm tiến độ trên địa bàn Thành phố, đến nay đã chấm dứt hoạt động 30 dự án, đang thực hiện thủ tục chấm dứt hoạt động của 5 dự án.

Như vậy, còn tới hơn 300 dự án “treo” rải khắp thủ đô khiến bộ mặt thành phố trở nên nhếch nhác, người dân sống trong vùng chịu ảnh hưởng quy hoạch dự án gặp nhiều khó khăn, lãng phí tài nguyên đất…

“Đề nghị Thành phố đôn đốc các chủ đầu tư dự án đẩy nhanh tiến độ thực hiện và có biện pháp kiên quyết thu hồi đối với các dự án chậm thực hiện”, cử tri huyện Hoài Đức, Đan Phượng đã đề nghị như vậy trong kiến nghị gửi lãnh đạo TP.

Cùng chung “cảnh ngộ”, người dân ở Quốc Oai cũng đề nghị Thành phố chỉ đạo rà soát giải quyết, xử lý dứt điểm những dự án treo trên địa bàn (trong đó có dự án khu đô thị Sudico Tiến Xuân chậm triển khai hơn 10 năm) để khai thác thế mạnh của địa phương, tạo thêm công ăn việc làm cho người dân địa phương.

Tại quận Tây Hồ, người dân cũng bức xúc với một loạt các dự án chậm tiến độ gây ảnh hưởng tới cuộc sống các hộ gia đình nằm trong quy hoạch các dự án. Trong số này, có dự án kéo dài tới hơn 20 năm như dự án khu đô thị mới Nam Thăng Long (giai đoạn 2).

Tại một số tuyến phố đất đai thuộc hạng “siêu” đắt đỏ như phố Hàng Bài, Lý Thường Kiệt, cũng vẫn xuất hiện tình trạng “ôm” đất vàng rồi bỏ không.

Trong số này, có Dự án xây dựng công trình hỗn hợp, thương mại, văn phòng và nhà ở tại số 22-24 phố Hàng Bài và số 25-27 phố Hai Bà Trưng, chủ đầu tư Công ty Cổ phần thời đại mới T&T.

Hay một dự án sở hữu “đất vàng” khác cũng ì ạch tiến độ tới 17 năm, đó là Dự án đầu tư xây dựng dải đất phía Nam Đại Cồ Việt quận Hai Bà Trưng được UBND thành phố Hà Nội chính thức ban hành quyết định phê duyệt từ 1/4/2002 và giao cho Công ty CP Tu Tạo và phát triển nhà làm chủ đầu tư.

Xử lý thế nào?

Lãnh đạo UBND Thành phố Hà Nội cho biết, đã ban hành Kế hoạch số 02/KH-UBND ngày 02/01/2019 rà soát các dự án có sử dụng đất trên toàn địa bàn thành phố từ năm 2008 đến nay bao gồm cả các dự án chưa triển khai, đang triển khai từ trước năm 2008.

“Hiện nay các sở, ngành đã tổng hợp danh mục 2.532 dự án, các sở ngành, UBND các quận huyện, thị xã đang tổ chức thực hiện rà soát từng dự án cụ thể theo danh mục. Dự kiến hoàn thành trong tháng 6/2019 theo Kế hoạch đề ra”, lãnh đạo TP Hà Nội cho biết.

Mới đây, tại Công văn số 3106/UBND-KHĐT về việc triển khai thực hiện nhiệm vụ trọng tâm 6 tháng cuối năm 2019 do Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Đức Chung ký, một trong các nhiệm vụ trọng tâm được đặt ra là xử lý các dự án chậm triển khai.

Cụ thể, UBND TP giao Sở Kế hoạch và Đầu tư tiếp tục chỉ đạo rà soát, xử lý các dự án có sử dụng đất chậm triển khai trên địa bàn theo các kế hoạch của UBND TP đã ban hành; kiên quyết xử lý các trường hợp vi phạm.

Đồng thời chủ trì đôn đốc tháo gỡ khó khăn, vướng mắc và thực hiện quyết liệt các giải pháp, nhất là các thủ tục đầu tư, giải phóng mặt bằng để đẩy nhanh tiến độ thi công, giải ngân vốn đầu tư xây dựng cơ bản.

Nhiều chuyên gia cho rằng, việc Hà Nội đẩy mạnh rà soát, xử lý hàng loạt dự án ôm đất suốt nhiều năm rồi bỏ hoang là điều cần thiết. Tuy nhiên, Hà Nội cũng cần có sẵn đáp án cho bài toán sau thu hồi hoặc quyết định hủy bỏ các dự án “ôm đất” gây lãng phí, mất mỹ quan đô thị. Theo đó, tránh trường hợp thu hồi đất xong lại để nhiều năm không sử dụng sẽ tiếp tục gây lãng phí nguồn tài nguyên đất...

Một số ý kiến khác cho rằng, việc xử lý các dự án “treo” tại Hà Nội cũng như các địa phương khác cần một chế tài phù hợp và kiên quyết hơn. Thay vì thu hồi đất thì “tốt nhất nên có chế tài xử phạt thật nặng đối với chủ đầu tư”. Theo cách này, ngân sách nhà nước vừa được lợi rất lớn trong khi đó, nhà đầu tư không có tiền nộp sẽ phải tự tìm cách chuyển nhượng dự án cho nhà đầu tư khác có năng lực để triển khai.

Nguyễn Mạnh