Không gian làm việc linh hoạt bùng nổ, thay đổi cục diện thị trường văn phòng cho thuê
(Dân trí) - Những không gian làm việc linh hoạt được dự báo đang và sẽ tiếp tục dẫn đầu nguồn cầu thuê văn phòng trong thời gian sắp tới.
Báo cáo tổng quan thị trường bất động sản quý I/2018 của CBRE Việt Nam đã chỉ ra một hiện tượng rất đáng lưu ý là sự nổi lên của các không gian làm việc linh hoạt (Co-working space) đang dần thay đổi cơ cấu khách thuê của khối văn phòng truyền thống.
"Những không gian làm việc linh hoạt đang và sẽ tiếp tục dẫn đầu nguồn cầu thuê văn phòng trong thời gian sắp tới. Theo các giao dịch được thu thập bởi CBRE trong năm 2018 thì các giao dịch từ không gian làm việc linh hoạt chiếm tỷ lệ cao nhất với 22% trong tổng số tổng các khách hàng đã giao dịch", CBRE cho biết.
Theo CBRE, sự gia tăng nhanh chóng của nguồn cung tại thị trường này đã giúp giải quyết được các vấn đề về “nơi làm việc” của rất nhiều công ty khởi nghiệp, doanh nghiệp vừa và nhỏ, người làm nghề tự do hay thậm chí là các công ty lớn và những tập đoàn.
Số liệu thống kê cho thấy, tại TPHCM, tính đến năm 2018, tổng nguồn cung theo diện tích sàn của không gian làm việc linh hoạt đã lên đến hơn 37.000 m2, tăng 109% so với năm 2017. Mức tăng trưởng ấn tượng này được góp phần chủ yếu bởi sự mở rộng của các đơn vị vận hành đang hiện hữu như Toong, Up, Dreamplex, Regus, và một công ty mới từ Mỹ gia nhập vào thị trường vào tháng 12 năm qua.
Sự bùng nổ mạnh mẽ của không gian làm việc linh hoạt cũng tỷ lệ thuận với tình hình hoạt động của mô hình này. Trong quý IV/2018, tỷ lệ lấp đầy trung bình của không gian làm việc chung tại TPHCM đạt xấp xỉ 80%, theo một khảo sát của CBRE. Nguồn cung không gian làm việc linh hoạt dự kiến sẽ tiếp tăng lên trong năm 2019.
Tương tự, tại Hà Nội, không gian làm việc chung đã nổi lên như một nguồn cầu chính. Các khách thuê này chiếm đến 31% các giao dịch cho thuê trên 1.000 m2 ghi nhận bởi CBRE.
Quá trình bùng nổ của không gian làm việc linh hoạt khiến giới chuyên môn đặt ra câu hỏi về sự lấn át của mô hình này với loại hình văn phòng truyền thống.
Tuy nhiên, trao đổi với báo chí trước đó, Phó Giám đốc Bộ phận Nghiên cứu – Tư vấn Savills Hà Nội Đỗ Thu Hằng cho rằng, Co-working space thực ra đáp ứng nhóm nhu cầu còn thiếu của văn phòng truyền thống. Do đó, loại hình này không phải là mối đe dọa đối với các văn phòng truyền thống hiện hữu.
"Văn phòng truyền thống chủ yếu đáp ứng nhu cầu diện tích sàn đều khá lớn, trong khi đó mảng thị trường diện tích nhỏ hoặc vừa phải chiếm tỷ trọng cao. Không gian co-working space khác với văn phòng truyền thống ở chỗ nó là không gian mở, có tính sáng tạo nhiều hơn cho người làm việc và cho quá trình giao lưu (net working)…", bà Hằng cho biết.
Theo vị chuyên gia, một số người có thể hoài nghi về tốc độ tăng trưởng chóng mặt của co-working, nhưng rõ ràng mô hình này đã và đang đáp ứng một nguồn cầu chưa được thỏa mãn trên thị trường văn phòng. Trái với số lượng doanh nghiệp vừa và nhỏ và doanh nghiệp mới khởi nghiệp rất lớn, số lượng không gian làm việc chung hiện là một phần rất nhỏ của hoạt động cho thuê văn phòng, cho thấy có cơ hội để mô hình này phát triển hơn nữa.
"Co-working chắc chắn phát triển tuân theo các chu kỳ kinh tế và biến đổi, để phù hợp với những thay đổi trong cách làm việc của thế hệ lao động mới. Tại các thị trường phát triển, mô hình này vẫn đang bùng nổ và dần được tích hợp vào các loại hình bất động sản khác như mặt bằng bán lẻ và khách sạn thành thị...", bà nói thêm.
Phương Dung