Khó khăn đang bủa vây các doanh nghiệp bất động sản
(Dân trí) - Chủ tịch Hiệp hội bất động sản TPHCM bày tỏ sự lo ngại trước tình hình sụt giảm quy mô thị trường bất động sản, sụt giảm nguồn cung dự án và nguồn cung sản phẩm nhà ở, nhất là loại căn hộ nhà ở thương mại có giá vừa túi tiền, căn hộ nhà ở xã hội.
Theo Hiệp hội bất động sản TPHCM (HoREA), trong 6 tháng đầu năm 2019, chỉ có 3 dự án nhà ở thương mại (mới) được Sở Xây dựng đề xuất UBND TP công nhận chủ đầu tư với quy mô diện tích chỉ có 2ha233 và 924 căn hộ, giảm 16 dự án (giảm 84,2%) so với cùng kỳ năm 2018.
Sở Xây dựng cũng đã đề xuất UBND TP chấp thuận đầu tư 10 dự án nhà ở thương mại, giảm 46 dự án (giảm 82,2%) so với cùng kỳ năm 2018.
Trong 6 tháng, chỉ có 24 dự án đủ điều kiện bán nhà hình thành trong tương lai, với tổng số 7.313 căn hộ (căn nhà), giảm 10 dự án (giảm 29,4%), giảm 2.336 căn (giảm 24,2%) so với cùng kỳ năm 2018.
Trong đó, phân khúc căn hộ cao cấp giảm đến 43,8% (2.227 căn so với 3.965 căn cùng kỳ năm 2018); căn hộ bình dân giảm 34,7% (1.249 căn so với 1.914 căn cùng kỳ năm 2018).
Sự sụt giảm của thị trường bất động sản tác động đến nguồn thu ngân sách thành phố. Kết quả thu ngân sách thành phố 6 tháng đầu năm 2019 chưa đạt 50% kế hoạch. Số thu tiền sử dụng đất trong 5 tháng đầu năm 2019 giảm khoảng 60% so với cùng kỳ năm 2018.
Ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch HoREA cho rằng, rất nhiều khó khăn, thách thức, rủi ro đang bủa vây các doanh nghiệp bất động sản.
Hiện nay, doanh nghiệp bất động sản đang đứng trước rủi ro về pháp lý do đã bỏ ra chi phí rất lớn để bồi thường, giải phóng mặt bằng dự án, nhưng không thể hoàn thành thủ tục pháp lý, hoặc không thể triển khai dự án, mà lỗi trong một số trường hợp không phải do chủ đầu tư.
Rủi ro về tài chính và tín dụng cũng đang như bóng ma phủ lên đầu các doanh nghiệp bất động sản.
Do doanh nghiệp đã bỏ ra chi phí rất lớn để giải phóng mặt bằng, thực hiện các bước chuẩn bị đầu tư, trả lãi vay, trả nợ và các chi phí quản lý doanh nghiệp, quản lý dự án, nhưng vẫn chưa đủ điều kiện để triển khai thực hiện dự án.
"Doanh nghiệp sẽ lâm vào hoàn cảnh cực kỳ khó khăn, thậm chí có nguy cơ phá sản, nếu dự án không hoàn tất các thủ tục pháp lý, không triển khai thực hiện được, hoặc bị dừng triển khai", ông Châu nói.
Hiệu ứng domino khi doanh nghiệp không thể tiên lượng được những rủi ro về mặt pháp lý, về thời gian thực hiện quy trình, thủ tục hành chính, dẫn đến không thực hiện được đúng cam kết với khách hàng theo hợp đồng đã ký kết.
"Doanh nghiệp vừa bị thiệt hại về tài chính, vừa bị tổn hại về uy tín thương hiệu nhất là đối với khách hàng, nhà đầu tư và với ngân hàng. Hệ quả là doanh nghiệp bỏ lỡ các cơ hội kinh doanh mà phần thiệt hại không thể đo đếm hết được", ông Châu khẳng định.
Ông Châu tiếp tục dẫn chứng về dự án Khu nhà ở cao tầng tại phường Phú Mỹ, quận 7 của Công ty Hưng Lộc Phát.
Theo ông Châu, hồ sơ pháp lý của dự án Khu nhà ở cao tầng tại phường Phú Mỹ, quận 7 của Công ty Hưng Lộc Phát khá đầy đủ.
Hiện dự án chỉ còn thiếu Quyết định của UBND TP về thu hồi đất, chuyển mục đích sử dụng đất, giao đất dự án, để Công ty có cơ sở đề nghị tính tiền sử dụng đất, thực hiện nghĩa vụ tài chính và được cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất.
Công ty đã nộp hồ sơ lên Sở Tài nguyên Môi trường xin được giao đất dự án từ ngày 04/06/2018, nhưng đến nay, Công ty chưa nhận được Quyết định của UBND TP về thu hồi đất, chuyển mục đích sử dụng đất, giao đất dự án để Công ty thực hiện nghĩa vụ tài chính với Nhà nước để được cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất.
Mới đây, UBND TP đã chỉ đạo thành lập Tổ kiểm tra để tiến hành kiểm tra trong 15 ngày đối với các hoạt động đầu tư xây dựng, sử dụng đất tại dự án Khu nhà ở cao tầng tại phường Phú Mỹ, quận 7 và chỉ đạo Sở Tài nguyên Môi trường rà soát hồ sơ đề xuất thu hồi đất, chuyển mục đích sử dụng đất, giao đất dự án cho Công ty Hưng Lộc Phát.
Công Quang