Khó khăn bủa vây, đến đại gia bất động sản cũng phải than chuyện... tiền
(Dân trí) - Chủ đầu tư các dự án vướng phải rất nhiều khó khăn. Trong đó, kế hoạch kinh doanh bị phá vỡ nghiêm trọng, dòng tiền chật vật. Nhiều đại gia có dòng tiền kinh doanh âm vài nghìn tỷ đồng.
Chật vật vì dòng tiền
Theo các chuyên gia, thị trường bất động sản đang đối mặt với thách thức và khó khăn vô cùng lớn do dịch bệnh gây ra. Giãn cách xã hội kéo dài trên nhiều tỉnh thành, đặc biệt là TPHCM kéo dài làm doanh nghiệp buộc phải đóng cửa, chuyển sang chế độ làm việc từ xa, tạm dừng hoạt động.
Tuy nhiên, đối với các doanh nghiệp bất động sản, đặc thù là giao dịch trực tiếp do các yêu cầu chặt chẽ về mặt pháp lý và giá trị sản phẩm cao. Chính vì vậy việc giãn cách xã hội đã làm thị trường ngưng trệ.
Số liệu của batdongsan.com cho thấy, trong tháng 7, lượng tin đăng toàn trang giảm 22%, trong khi mức độ quan tâm giảm 12% so với tháng trước; giao dịch nhiều nơi giảm 60-70%.
Riêng thị trường TPHCM ghi nhận mức suy giảm mạnh do có số ca nhiễm lớn nhất cả nước. Trong khi lượng tin đăng giảm 52% thì mức độ quan tâm giảm 33% so với tháng trước, ở hầu hết loại hình bất động sản.
"Nhà đầu tư vẫn có sự quan tâm bất động sản tuy nhiên tỷ lệ quan tâm giảm xuống do tâm lý chờ đợi và thận trọng chờ tâm dịch qua đi. Ngoài yếu tố an toàn về sức khỏe, tình hình khó khăn chung của các doanh nghiệp là về dòng tiền, về công ăn việc làm và thu nhập cũng ảnh hưởng đến quyết định đầu tư của khách hàng trong giai đoạn này", bà Nguyễn Thị Thanh Hương, Tổng Giám đốc một doanh nghiệp bất động sản lớn ở TPHCM, nhận định.
Bà Hương cho biết, chủ đầu tư các dự án vướng phải rất nhiều khó khăn. Trong đó, kế hoạch kinh doanh bị phá vỡ nghiêm trọng. Các chủ đầu tư dự án đều phải điều chỉnh kế hoạch kinh doanh giảm từ 30% thậm chí cao hơn do bị ngưng trệ vì dịch bệnh.
"Doanh thu bán hàng sụt giảm nghiêm trọng trong khi chi phí đầu vào tăng dẫn đến hiệu quả hoạt động sẽ bị giảm sâu. Năm nay doanh nghiệp đạt được 50% kế hoạch đề ra là sự nỗ lực không đơn giản", bà Hương nhận định.
Chưa kể, áp lực về đồng tiền và khả năng trả nợ vay đối với các doanh nghiệp bất động sản hiện nay rất lớn. Hầu hết các chủ đầu tư đều sử dụng nguồn vốn vay từ Ngân hàng và hình thức huy động tài chính khác. Tỷ trọng nguồn vốn vay tùy thuộc vào quy mô dự án và năng lực tài chính của doanh nghiệp.
Theo ghi nhận, một loạt các doanh nghiệp địa ốc lớn như Hải Phát, Vinaconex, Cenland... âm dòng tiền nặng ở quý II. Trong đó, riêng Vinaconex không chỉ báo lỗ trong quý II mà dòng tiền lưu chuyển sử dụng vào hoạt động kinh doanh âm tới 2.676 tỷ đồng.
Ngán ngẩm vì vỡ kế hoạch
Vẫn cần dòng tiền lớn để duy trì hoạt động, song đầu ra của các doanh nghiệp bất động sản đang tắc nghẽn. Các sự kiện bán hàng bị tạm dừng. Hình thức bán hàng truyền thống của các doanh nghiệp thông qua các sự kiện bán hàng là chính.
Bên cạnh đó nhiều doanh nghiệp đã đầu tư cho nền tảng bán hàng trực tuyến nhưng rõ ràng không phải ai cũng bán được. Bởi giao dịch bất động sản khá đặc thù, người mua thường muốn trực tiếp đến xem rồi quyết định xuống tiền.
"Giãn cách xã hội nên không thể gặp mặt, tiếp xúc, tổ chức sự kiện nên không có nguồn khách hàng. Bên cạnh đó, giãn cách xã hội kéo khó khăn trong việc truyền tải thông tin dự án", ông Phạm Lâm - Phó Chủ tịch Hội môi giới bất động sản Việt Nam chia sẻ.
Theo vị này, các cơ quan Nhà nước, phòng công chứng, trung tâm đăng ký thủ tục đất đai… cũng ngưng hoạt động nên ảnh hưởng đến các thủ tục giao dịch. Mặc dù tổ chức bán hàng online nhưng thủ tục giao dịch cũng không thuận tiện do không được tiếp xúc trực tiếp.
Không quá lạc quan về thị trường, nhiều chuyên gia lo ngại khó khăn của doanh nghiệp bất động sản sẽ kéo dài hơn và khó có kịch bản phục hồi sớm trong quý cuối năm. Còn quá sớm để xác định thời điểm bất động sản phục hồi vì sức khỏe thị trường phụ thuộc hoàn toàn vào biến số dịch bệnh và chiến dịch tiêm vắc xin.
Nhiều doanh nghiệp đã lên phương án tiếp tục đối mặt với kịch bản khó khăn kéo dài và phải đến giữa năm 2022 thị trường mới phục hồi trở lại.