Khách sạn, resort “bức tử” bờ biển miền Trung

Không chỉ lấn sát biển, các chủ khách sạn, nhà hàng, resort nghỉ dưỡng còn tự ý xây dựng các công trình can thiệp thô bạo...

Khách sạn, resort “bức tử” bờ biển miền Trung - Ảnh 1.

Biển Cửa Đại (Hội An, Quảng Nam) sạt lở nghiêm trọng được kè bằng bao cát (Trong ảnh: Sạt lở bờ biển phía trước Hoi An Beach resort) - Ảnh: Vĩnh Nhân


Tự ý xây kè gây sạt lở diện rộng

Những ngày đầu năm, ghi nhận của PV Báo Giao thông tại xã Vinh Hải (huyện Phú Lộc, Thừa Thiên - Huế), cả một đoạn bờ biển dài bị sóng đánh sạt lở nham nhở. Những hàng quán gần bờ biển thôn 3 (xã Vinh Hải) bị sóng biển "áp sát". Người dân đã đóng hàng loạt cọc tre, gia cố hàng trăm bao cát, nhưng những đợt sóng lớn dồn dập khiến cả một đoạn bờ biển dài tiếp tục bị xâm thực nặng. Sạt lở tiếp tục ăn sâu vào dưới nền móng khiến nhiều hàng quán tại đoạn bờ biển này sắp đổ sập.

Bộ NN&PTNT có trách nhiệm phòng chống xói lở bờ biển do thiên tai; Bộ TN&MT có trách nhiệm quản lý bờ biển và thềm lục địa, ngoài ra còn có UBND cấp tỉnh, thành phố trực tiếp quản lý địa bàn. Do vậy, đối với những trường hợp bờ biển bị xâm hại bởi "nhân tai", Bộ TN&MT phải có trách nhiệm hướng dẫn địa phương cấp phép, kiểm tra và xử lý vi phạm.

Ông Tăng Quốc Chính, Vụ trưởng Vụ Kiểm soát an toàn thiên tai, Tổng cục Phòng chống thiên tai

Đoạn bờ biển qua thôn 4 (xã Vinh Hải) dù đã được gia cố bằng kè rọ đá, một số vị trí cũng đang bị xói lở nham nhở. Trong khi đó, ngay phía Bắc mỏm đá núi gần cửa biển Tư Hiền, đoạn bờ biển cuối xã Vinh Hải cũng đang bị sóng biển xâm thực từng ngày. Tương tự, bờ biển đoạn qua xã Vinh Thanh (huyện Phú Lộc) cũng đang tiếp tục chống chọi với tình trạng sạt lở. Biển động, những hàng quán kinh doanh tại bãi tắm Vinh Thanh tạm thời "vườn không nhà trống". Trong khi đó, cả một đoạn bờ biển dài phía 2 đầu bãi tắm này đang bị sạt lở nham nhở, những cây phi lao rừng phòng hộ bị sóng đánh trơ gốc, ngã xuống bờ biển.

Tại TP Đà Nẵng, dọc theo các tuyến đường Hoàng Sa, Võ Nguyên Giáp, Trường Sa… nước biển đã xâm thực vào sát các nhà hàng. Một số khu vực như bãi tắm Sao Biển (quận Ngũ Hành Sơn), bãi tắm công cộng Sơn Thủy (quận Ngũ Hành Sơn) hầu như ngưng hoạt động.

Điển hình nhất tại bờ biển Cửa Đại (TP Hội An, Quảng Nam) sau một năm được đặt trong tình trạng an toàn bởi lớp kè mềm bao vải địa, những ngày qua sạt lở tiếp diễn trở lại, chủ yếu ở đoạn 200m trước khách sạn Hội An Beach (đường Cửa Đại) đến giáp dự án khách sạn Marriott Hội An. Nhiều bao vải địa chứa cát kè sóng trước đây đã bị sóng biển xé toạc; nhiều bức tường kè chắn và bậc cấp dẫn từ nhà hàng xuống bãi biển bị đổ sập. Ở một số đoạn, biển đã "ngoạm" vào sâu hơn 5m khiến toàn bộ hoạt động kinh doanh buôn bán của gần 10 nhà hàng nơi đây bị ngưng trệ. Nhiều vị trí bao cát bị sóng biển đánh tả tơi, rách toạc khiến bãi biển thêm nhếch nhác.

Ông Nguyễn Văn Dũng, Chủ tịch UBND TP Hội An cho biết, có khoảng 7km bờ biển Hội An bị sạt lở, trong đó khoảng hơn 3km sạt lở nặng. Theo ông Dũng, có rất nhiều nguyên nhân gây sạt lở bờ biển Cửa Đại như: Nạo vét hút cát, các dòng hải lưu chuyển dòng… Trong đó, việc các khu nghỉ dưỡng, resort xây kè theo cách của riêng mình, không đồng bộ cũng là tác nhân gây sạt lở. "Sau này khi có giải pháp tổng thể của Nhà nước về kè sạt lở thì các bờ kè của các khu nghỉ dưỡng, resort cũng phải tháo dỡ để làm đồng bộ", ông Dũng thông tin.

Theo tìm hiểu của PV, hiện Hội An có 9 khách sạn, resort đang tiến sát biển. Trước tình trạng bị xói lở, có 3 chủ khách sạn, resort xây dựng kè chắn sóng là Victoria Hội An, Sunrise Hội An, Golden Sunset Hội An. Ngoài ra, Vinpearl Hội An cũng chuẩn bị làm kè chắn sóng mềm bằng bao cát. Tuy nhiên, ghi nhận thực trạng khu vực trước Hoi An Beach Resort cho thấy, kè kiên cố bằng bê tông cũng bị sóng đánh vỡ, nhiều khối đá nằm chông chênh dưới mép nước. Một đoạn dài sóng vượt qua bờ kè đánh sâu trong bãi cát tạo hàm ếch. Mỗi đợt sóng đánh mạnh vào bãi càng khoét sâu hơn, gây xói lở.

Khách sạn, resort “bức tử” bờ biển miền Trung - Ảnh 3.

Kè bờ biển phía trước Resort Ana Mandara (thị trấn Thuận An, huyện Phú Vang, Thừa Thiên- Huế) phía Bắc khu vực bãi tắm Thuận An - Ảnh: Duy Lợi

Do lấn biển, can thiệp thô bạo

Trao đổi với PV Báo Giao thông, ông Tăng Quốc Chính, Vụ trưởng Vụ Kiểm soát an toàn thiên tai, Tổng cục Phòng chống thiên tai (Bộ NN&PTNT) cho biết: Những năm gần đây, tình hình xói lở bờ biển các tỉnh miền Trung từ Nghệ An đến Bình Thuận diễn biến rất phức tạp và có xu thế gia tăng cả về phạm vi và mức độ nguy hiểm. Qua theo dõi và báo cáo của các địa phương, dọc bờ biển miền Trung hiện nay xuất hiện 45 khu vực xói lở với tổng chiều dài khoảng 80km. Trong đó có 25 khu vực sạt lở đặc biệt nguy hiểm, tổng chiều dài 44km, uy hiếp nghiêm trọng đến tính mạng, tài sản của dân, cơ sở hạ tầng. Điển hình là bờ biển huyện Phú Lộc (Thừa Thiên - Huế); bờ Bắc Cửa Đại (Hội An, Quảng Nam); bờ biển qua Xóm Rớ (Tuy Hòa, Phú Yên); bờ biển huyện Tuy Phong, TP Phan Thiết hay TX La Gi (tỉnh Bình Thuận)…

Trước mắt, để bảo vệ bờ biển Cửa Đại, UBND tỉnh Quảng Nam đã có công văn đề nghị Văn phòng Chính phủ và các bộ ngành liên quan xem xét trình Thủ tướng ưu tiên hỗ trợ đầu tư từ nguồn dự phòng ngân sách để thực hiện chống xói lở khẩn cấp bờ biển Cửa Đại, Hội An số tiền 700 tỷ đồng.

Theo ông Chính, có rất nhiều nguyên nhân dẫn tới tình trạng xói lở bờ biển tại các tỉnh ven biển miền Trung. Ngoài nguyên nhân xói lở do tự nhiên, còn có nguyên nhân từ con người như đắp đập ngăn sông, khai thác cát, đào kênh tưới tiêu và thoát lũ, quai đê lấn biển, phá rừng ngập mặn… Đáng chú ý, việc hàng loạt khu nghỉ dưỡng tại Thuận An, Phú Hải (Thừa Thiên - Huế), Hội An (Quảng Nam), Mũi Né (Bình Thuận)… được xây dựng sát bờ biển đã làm mất khả năng trao đổi cát giữa bờ và biển gây xói lở. 

"Trước kia, chạy dọc bờ biển miền Trung thường là những cồn cát hoặc rừng phi lao phòng hộ. Do đó, dưới biển và trên bờ luôn có sự trao đổi cát qua lại cân bằng với nhau. Cho tới khi những khách sạn, nhà hàng, resort nghỉ dưỡng xây sát biển, thực trạng tự nhiên bị phá vỡ, tất cả bị san phẳng nhường cho bê tông hoặc bãi cỏ nhân tạo tiến ra sát mép biển. Vì vậy, chỉ còn sự trao đổi cát một chiều gây mất cân bằng dẫn tới hiện tượng xói lở", ông Chính lý giải. 

Chưa hết, theo ông Chính, các chủ khu nghỉ dưỡng ven biển còn tự ý xây dựng các công trình phòng chống xói lở không theo hướng dẫn của các cơ quan chuyên môn đã làm gia tăng tình trạng xói lở trong khu vực và lân cận. "Khi xảy ra xói lở, với tâm lý nhà ai người ấy giữ nên các chủ khách sạn, resort đã thực hiện xây kè đoạn bờ biển phía trước công trình. Chính hành vi này đã góp phần làm gia tăng xói lở sang các khu lân cận", ông Chính nhận định.

Tương tự, KTS Hồ Duy Diệm, Chủ tịch Hội Bảo vệ lưu vực và dải biển Việt Nam cũng nhận định, ngoài việc thủy điện ở thượng nguồn các con sông chặn dòng khiến lượng cát về hạ nguồn thiếu hụt thì việc xây dựng các resort, khách sạn quá sát biển là những tác nhân chính gây sạt lở. 

"Các bãi cát tự nhiên ven biển có độ dốc, khi sóng đánh vào sẽ giảm lực dần theo độ dốc rồi trở lại biển sẽ không gây xói lở. Nhưng khi xây dựng các kè chắn sóng sẽ khiến chuyển động bình thường của con sóng bị kìm hãm, sóng không đánh được chỗ này thì phải phá chỗ khác để cân bằng thủy động học. Khi xây các kè chắn sóng cũng có sai lầm là không có chỗ cho nước thoát ra. Sóng đánh vào trong chắn không có chỗ rút buộc nước phải ngấm xuống đáy kè để thoát ra. Khi đó, nước sẽ kéo theo cả cát dưới đáy kè. Lỗ hổng ngày càng lớn làm tường kè bị nghiêng, nứt. Về lâu dài sẽ bị sóng đánh vỡ, gây sạt lở", ông Diệm chia sẻ.

KTS Hồ Duy Diệm cũng cho rằng, để không sạt lở thì không nên làm bất cứ điều gì gây mất cân bằng sinh thái. "Đã liên quan đến dòng chảy cần hạn chế làm thủy điện, hạn chế ngăn sông đắp đập để thu hẹp dòng chảy và nhất là không nên lấn biển", vị KTS nhấn mạnh.

Khách sạn, resort “bức tử” bờ biển miền Trung - Ảnh 5.

Sạt lở bờ biển đoạn qua thôn 3, xã Vinh Hải, huyện Phú Lộc, Thừa Thiên - Huế - Ảnh: Duy Lợi

Theo Duy Lợi - Vĩnh Nhân - Tuyết Trịnh
Báo Giao thông

Khách sạn, resort “bức tử” bờ biển miền Trung - Ảnh 6.