Hướng đi nào cho bất động sản công nghiệp tại Việt Nam?

(Dân trí) - Quỹ đất sạch tại các thị trường bất động sản lớn ngày càng khan hiếm khiến nhiều doanh nghiệp bất động sản phải mở rộng ra các tỉnh, thành khác để phát triển. Trong bối cảnh này, việc Chính phủ cho phép phát triển khu công nghiệp - đô thị - dịch vụ chính là lời giải cho bài toán quỹ đất đang ngày càng hạn hẹp.

Bài toán của thị trường BĐS công nghiệp

Theo nhận định của các chuyên gia, năm 2019 bất động sản công nghiệp sẽ là xu hướng chủ đạo. Lý giải cho điều này, các chuyên gia cho biết Việt Nam có nhiều triển vọng nhờ việc chuyển dịch nhà máy sản xuất tới Việt Nam của các Tập đoàn đa quốc gia sau căng thẳng thương mại Mỹ - Trung, cùng với đó là sự tăng trưởng mạnh mẽ của nền kinh tế Việt Nam. Từ nhu cầu thuê mặt bằng sản xuất, kinh doanh, kho bãi, bất động sản công nghiệp nhanh chóng trở thành phân khúc được quan tâm trong kế hoạch đầu tư của nhiều doanh nghiệp Việt Nam.

Thêm vào đó, sau Nghị định 82/2018/NĐ-CP quy định về quản lý khu công nghiệp và khu kinh tế (có hiệu lực 10/07/2018), việc quy hoạch khu công nghiệp - đô thị - dịch vụ là mô hình mới đang được các chủ đầu tư bất động sản quan tâm.

Hướng đi nào cho bất động sản công nghiệp tại Việt Nam? - 1
Phát triển các khu công nghiệp dịch vụ là hướng đi sáng suốt cho loại hình BĐS công nghiệp

Mô hình khu công nghiệp đô thị dịch vụ là mô hình kết hợp giữa phát triển công nghiệp với dịch vụ, đảm bảo sự phát triển bền vững của khu công nghiệp (KCN). Trong mô hình này, ngoài khu chức năng là khu sản xuất công nghiệp còn có các khu chức năng khác, như: Trung tâm nghiên cứu và phát triển (R&D), trung tâm ươm tạo doanh nghiệp, giáo dục, y tế, vui chơi giải trí, nhà hàng, cà phê, các dịch vụ chăm sóc sức khỏe... để đáp ứng nhu cầu riêng cho nguồn lao động chất lượng cao như các chuyên gia nước ngoài, quản lý cấp cao, chuyên viên kỹ thuật,...

Mô hình này có những tiêu chí cụ thể như khi quy hoạch khu công nghiệp phải gắn với phát triển cơ sở hạ tầng, phải được quy hoạch và xây dựng đồng bộ, hiện đại đáp ứng tiêu chuẩn của mô hình mới.

Tỉnh nào sẽ là “thủ phủ” của ngành công nghiệp trong thời gian tới?

Cách sân bay Quốc tế Nội Bài 50km, cách trung tâm Thành phố Hà Nội 70km… Thái Nguyên được xem là cửa ngõ giao lưu kinh tế - xã hội của vùng trung du miền núi với Đồng bằng Bắc Bộ, là "đầu tàu" kinh tế của vùng Đông Bắc bao gồm Hà Giang, Cao Bằng, Bắc Kạn, Tuyên Quang, Thái Nguyên, Lạng Sơn, Bắc Giang...

Thái Nguyên được biết đến là cái “nôi” của ngành công nghiệp nặng Việt Nam. Đây là địa phương mũi nhọn của cả nước trong phát triển công nghiệp luyện kim và khai khoáng, với trữ lượng Florit đứng đầu thế giới, vonfram đứng thứ 2 thế giới, than đứng thứ 2 cả nước, ngoài ra còn có sắt, thiếc, chì, kẽm, vàng, đồng, titan… và các loại khoáng sản làm vật liệu xây dựng đều có trữ lượng cao.

Với sự phát triển mạnh mẽ nghành công nghiệp trong vài năm trở lại đây, Thái Nguyên đã phát triển nhiều khu công nghiệp lớn như: Khu công nghiệp Sông Công I (195ha), Khu công nghiệp Sông Công II (250ha), Khu công nghiệp Nam Phổ Yên (120ha), Khu công nghiệp Yên Bình (400ha), Khu công nghiệp Điềm Thụy (350ha), Khu công nghiệp Quyết Thắng (105ha)... Trong đó, có 4 khu công nghiệp đã đi vào hoạt động là Sông Công I, Nam Phổ Yên, Yên Bình và Điềm Thụy, hiện có đến 128 dự án đặt trên địa bàn. Tổng vốn đầu tư đăng ký hơn 7,5 tỷ USD, đã giải ngân gần 7 tỷ USD.

Hướng đi nào cho bất động sản công nghiệp tại Việt Nam? - 2
Thái Nguyên đang từng bước đầu tư hạ tầng để bắt kịp sự phát triển kinh tế xã hội của tỉnh

Từ 2008 - 2018, GDP của tỉnh Thái Nguyên có sự tăng trưởng ổn định. Theo số liệu của Cục Thống kê Thái Nguyên, tốc độ tăng trưởng kinh tế năm 2018 trên địa bàn đạt 10,44%. Năm 2018 Thái Nguyên thu ngân sách 15.003 tỷ đồng, tăng gấp đôi so với năm 2015, tỉnh cũng hướng tới tự cân đối thu chi vào năm 2020.

Bên cạnh thu hút đầu tư nước ngoài, nhiều doanh nghiệp đánh giá Thái Nguyên có sự đầu tư, xây dựng cơ sở hạ tầng đồng bộ. Từ năm 2009, tỉnh xây mới nhiều tuyến đường quan trọng, kết nối với các khu công nghiệp và những tỉnh thành lân cận. Có thể kể đến như đường nối quốc lộ 3 mới, tuyến Thái Nguyên - Bắc Kạn, Hà Nội - Thái Nguyên... Ngoài ra, tỉnh đang tiếp tục triển khai một số dự án trọng điểm như Cầu Dẽo, đường vành đai V rút ngắn thời gian di chuyển vào Hà Nội.

Năm 2018, Ngân hàng Thế giới đã chi khoản tín dụng trị giá 80 triệu USD nhằm nâng cao chất lượng đô thị Thái Nguyên. Ngoài ra, chính quyền cũng đối ứng nguồn vốn 20 triệu USD, nâng tổng chi phí dự án ước tính 100 triệu USD.

Bên cạnh đó, Thái Nguyên cũng là một trong các địa phương tạo điều kiện cho nhà đầu tư về thuế, thủ tục hành chính, giải phóng mặt bằng.

Khi quỹ đất ngày càng hạn hẹp, việc quy hoạch và phát triển Khu công nghiệp - Dịch vụ trong chính các khu công nghiệp chính là “điểm mở” từ chính sách giúp nhà đầu tư có thêm cơ hội sở hữu quỹ đất. Đặc biệt, xu hướng xây dựng khu đô thị trong khu công nghiệp mới chỉ phát triển, đây chính là mảnh đất màu mỡ để các nhà đầu tư bất động sản khai thác, nắm bắt cơ hội đầu tư sinh lời vượt trội.