HoREA: Lễ trao 1.000 “sổ hồng” không thực sự cần thiết và tốn kém

Quế Sơn

(Dân trí) - Theo Chủ tịch HoREA, lễ trao 1.000 “sổ hồng” cho chủ đầu tư không thực sự cần thiết và tốn kém thêm ngân sách nhà nước, vì các doanh nghiệp và người mua nhà chỉ mong được sớm được nhận “sổ hồng”.

Hiệp hội Bất động sản TPHCM (HoREA) vừa có văn bản gửi đến UBND TPHCM tiếp tục kiến nghị sớm giải quyết thủ tục “tiền sử dụng đất” để sớm cấp “sổ hồng” cho người mua nhà tại các dự án nhà ở trên địa bàn thành phố.

Trước đó, ngày 15/9, Sở Tài nguyên và Môi trường TPHCM (TN – MT) đã tổ chức lễ trao 1.000 giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản gắn liền với đất (sổ hồng) cho 16 doanh nghiệp. Việc trao sổ này giúp 1.000 khách hàng mua nhà yên tâm và được đảm bảo các quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng.

HoREA: Lễ trao 1.000 “sổ hồng” không thực sự cần thiết và tốn kém - 1
Lẽ ra phải được cấp “sổ hồng” sớm hơn, nhưng đến nay mới được cấp

Ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch HoREA cho rằng, Sở TN-MT tổ chức lễ trao 1.000 “sổ hồng” cho chủ đầu tư là chuyển động tích cực bước đầu. Qua đó, kỳ vọng Sở TN – MT sẽ tiếp tục xem xét, giải quyết nhanh và kịp thời các nhu cầu của người dân và doanh nghiệp có liên quan đến chức năng, nhiệm vụ của Sở.

Một số chủ đầu tư được nhận “sổ hồng” lần này cho biết, là dự án của công ty có đầy đủ thủ tục pháp lý, lẽ ra phải được cấp “sổ hồng” sớm hơn, nhưng đến nay mới được cấp.

Theo ông Châu, việc tổ chức lễ trao 1.000 “sổ hồng” cho chủ đầu tư không thực sự cần thiết và tốn kém thêm ngân sách Nhà nước, vì các doanh nghiệp và người mua nhà chỉ mong được sớm được nhận “sổ hồng”.

HoREA: Lễ trao 1.000 “sổ hồng” không thực sự cần thiết và tốn kém - 2
Lễ trao 1.000 “sổ hồng” không thực sự cần thiết và tốn kém

Tại buổi lễ trao “sổ hồng”, ông Nguyễn Toàn Thắng, Giám đốc Sở TN-MT cho biết, trong 8 tháng đầu năm 2020 trên toàn địa bàn TPHCM đã có tổng cộng 291.644 trường hợp đăng ký đất đai, trong đó đăng ký biến động là 282.591 trường hợp (bao gồm tổ chức: 14.999 trường hợp, cá nhân: 267.592 trường hợp), đăng ký ban đầu là 9.053 GCN (bao gồm tổ chức: 448 GCN, cá nhân: 8.605 GCN). Như vậy, tính đến tháng 8/2020 toàn TPHCM đã cấp được 1.558.821 GCN, đạt 97,91%.

Tuy nhiên, HoREA phản biện, trong 8 tháng rưỡi đầu năm 2020, Sở TN-MT mới chỉ cấp “sổ hồng” cho 8.605 cá nhân (bao gồm 1.000 “sổ hồng” vừa được trao) là khách hàng mua nhà tại các dự án nhà ở thương mại.

Nếu so sánh với số liệu 30.402 căn nhà chưa được cấp “sổ hồng” mà HoREA đã báo cáo, thì tỷ lệ cấp “sổ hồng” chỉ đạt 27,4%. Nếu tính đầy đủ trên số lượng nhà ở của hơn 100 dự án mà Sở TN-MT còn đang thụ lý thì tỷ lệ cấp “sổ hồng” còn thấp hơn nữa.

Ngoài ra, với tỷ lệ 97,91% mà Sở TN-MT cung cấp, HoREA cho rằng, đây chỉ là số lượng cộng dồn, lũy kế từ năm 1993 đến nay, tính trên tổng số thửa đất của thành phố. Số liệu này không liên quan trực tiếp đến việc đánh giá hiệu quả và chất lượng công tác giải quyết cấp “sổ hồng” dự án nhà ở tại Sở TN-MT.

HoREA: Lễ trao 1.000 “sổ hồng” không thực sự cần thiết và tốn kém - 3
Ngày 15/9, Sở Tài nguyên và Môi trường TPHCM (TN – MT) đã tổ chức lễ trao 1.000 sổ hồng cho 16 doanh nghiệp

Với hơn 30.402 căn nhà chưa được cấp “sổ hồng” mà Hiệp hội đã báo cáo thì số lượng nhà chậm được cấp “sổ hồng” chiếm tỷ lệ lên đến hơn 72,6%. Kết quả này đặt ra yêu cầu đối với Sở TN-MT phải rất nỗ lực và phối hợp tốt với các cơ quan chức năng, để thực hiện kịp thời công tác cấp “sổ hồng” cho người mua nhà tại các dự án.

“Cùng một mặt bằng pháp luật như nhau, nhưng các tỉnh và thành phố trực thuộc Trung ương vẫn giải quyết thông suốt việc cấp “sổ hồng” các dự án nhà ở thương mại, chỉ “vướng” tại TPHCM, thể hiện “bất cập” trong công tác “thực thi pháp luật”. Việc này cần được UBND thành phố ban hành “quy trình chuẩn” về xác định giá đất, thẩm định giá đất, ban hành quyết định tiền sử dụng đất, để các Sở, ngành phối hợp thực hiện công tác tính tiền sử dụng đất dự án nhà ở thương mại”, ông Lê Hoàng Châu cho hay.