Hà Nội: Một dự án bỏ hoang hơn thập kỷ bất ngờ sốt "ảo", giá tăng "sốc"
(Dân trí) - "Siêu dự án" Kim Chung - Di Trạch bỏ hoang bất ngờ sốt ảo; Bộ trưởng Xây dựng giải trình lý do quy hoạch đô thị kém chất lượng... là những thông tin bất động sản nổi bật tuần qua.
Bất ngờ về "siêu dự án" Kim Chung - Di Trạch
Dự án Khu đô thị mới Kim Chung Di Trạch do Tổng Công ty CP Thương mại Xây dựng Vietracimex làm chủ đầu tư. Dự án được ra mắt thị trường từ năm 2008 thế nhưng nhiều năm nay dự án này bị bỏ hoang, phần lớn diện tích để hoang hóa chưa đầu tư hệ thống hạ tầng kỹ thuật chưa được xây dựng.
Đáng nói, hơn một thập kỷ bị đắp chiếu, thời gian gần đây dự án này bỗng được rao bán ồ ạt , thậm chí từ đầu tháng 11/2020, dự án còn được thổi giá gấp đôi, gấp 3 so với trước đây.
Cụ thể, tại phân khu shophouse Hinode Royal Park của dự án này được rao giá bán 50 triệu đồng/m2, tăng 40%, thậm chí ở khu vực gần mặt đường 17m, giá bán có thể lên tới 70 - 80 triệu đồng/m2, gấp 2,5 lần so với giá đầu thời kỳ hoàng kim.
Vì sao quy hoạch đô thị kém chất lượng?
Chiều 9/11, trong phiên chất vấn và trả lời chất vấn tại Quốc hội, vấn đề quy hoạch xây dựng kém chất lượng được các đại biểu nêu ra.
Trả lời chất vấn của đại biểu, Bộ trưởng Bộ Xây dựng Phạm Hồng Hà thừa nhận về tổng thể, công tác xây dựng quy hoạch còn hạn chế, chất lượng một số quy hoạch đô thị còn thấp.
“Chất lượng quy hoạch thấp biểu hiện chủ yếu ở tầm nhìn công tác dự báo còn thiếu tính khoa học và chưa khả thi, đặc biệt là các dự báo về dân số, đất đai, phát triển kinh tế - xã hội dẫn tới xác định không chính xác cấu trúc, định hướng phát triển không gian, chỉ tiêu áp dụng hệ thống hạ tầng kỹ thuật và hạ tầng xã hội.
Chưa tính toán đầy đủ và thiếu các điều kiện thực hiện, nhất là về nguồn lực và công tác giải phóng mặt bằng. Việc lập quy hoạch đô thị theo các cấp độ quy hoạch và theo các loại hình quy hoạch chưa đồng bộ theo quy định, vẫn còn có điểm chưa thống nhất, chưa ăn khớp, thậm chí còn mâu thuẫn giữa các loại quy hoạch và thời gian lập quy hoạch thường kéo dài” - Bộ trưởng Bộ Xây dựng nêu rõ.
Nhiều dự án, trụ sở chưa hết bảo hành đã xuống cấp
Cử tri phản ánh trong thời gian qua, một số công trình công cộng, trụ sở làm việc của một số cơ quan đơn vị khi đưa vào sử dụng thời gian chưa hết bảo hành đã xuống cấp.
Vấn đề nêu trên cho thấy việc quản lý giám sát chưa chặt chẽ, nguyên vật liệu kém. Cử tri đề nghị có giải pháp giám sát hữu hiệu hơn nữa để đảm bảo chất lượng công trình tránh gây thất thoát, lãng phí tiền của nhân dân.
Về vấn đề này, Bộ Xây dựng cho biết, về cơ bản, chất lượng công trình xây dựng đã được kiểm soát tốt, tuy nhiên vẫn còn một số ít các công trình, chủ đầu tư không thực hiện việc báo cáo thông tin, báo cáo hoàn thành thi công xây dựng công trình, đưa công trình vào khai thác, sử dụng khi chưa được cơ quan chuyên môn về xây dựng có ý kiến chấp thuận kết quả nghiệm thu theo quy định, chất lượng công trình thấp, xuống cấp nhanh như cử tri phản ảnh.
Giá bất động sản công nghiệp liên tục tăng, có lo “đại bàng” bỏ cuộc?
Ông John Campbell - Trưởng Bộ phận Bất động sản Công nghiệp, Savills Việt Nam - đã trao đổi với PV Dân trí về xu hướng phát triển của loại hình bất động sản công nghiệp.
Theo đó, ông John Campbell cho biết, tại một số địa điểm hoặc một số tỉnh, việc tăng giá thuê đất có thể ảnh hưởng đến tỷ lệ lấp đầy. Nếu giá thuê đất cao hơn trung bình, đây sẽ là một vấn đề. Tuy nhiên, thực tế tỷ lệ hấp thụ cũng phụ thuộc vào nhiều yếu tố.
Cũng có nhiều nhà đầu tư có giá trị cao như điện tử, công nghệ cao, họ lo ngại về giá thuê đất. Trong khi Việt Nam đang cố gắng thu hút nhiều nhà đầu tư với các khoản đầu tư giá trị cao.
Tuy nhiên, chúng ta cũng thấy hiện đang có nhiều khu công nghiệp hơn, nguồn cung quỹ đất sẽ tăng lên trong tương lai. Khi chúng đi vào hoạt động, điều đó sẽ ảnh hưởng nhiều đến thị trường, đặc biệt là giá thuê. Còn hiện tại, ở các tỉnh trọng điểm đã có tỷ lệ lấp đầy đồng nghĩa với việc quỹ đất còn lại sẽ có giá khá cao.