Hà Nội lên tiếng về "siêu dự án" Sông Hồng City "treo" 28 năm

Trần Kháng

(Dân trí) - Cử tri quận Tây Hồ đề nghị UBND TP Hà Nội trả lời cụ thể, rõ hơn việc giải quyết những vướng mắc trong triển khai dự án Sông Hồng City trên địa bàn.

Trả lời cử tri, UBND TP Hà Nội cho biết, việc ngừng triển khai dự án Sông Hồng City do nguyên nhân khách quan và chủ quan. Trong đó có sự thay đổi quy định pháp luật Nhà nước về quy hoạch đê điều, quy hoạch thoát lũ, quy hoạch phân khu qua các thời kỳ. 

Cụ thể, về chủ quan, giai đoạn 1997-2001, do ảnh hưởng và tác động của khủng hoảng kinh tế khu vực châu Á, thị trường bất động sản suy thoái, nhà đầu tư gặp khó khăn tài chính dẫn đến dự án Sông Hồng City bị ngừng triển khai.

Hà Nội lên tiếng về siêu dự án Sông Hồng City treo 28 năm - 1

Dự án Sông Hồng City được phê duyệt quy hoạch chi tiết, tỷ lệ 1/500 từ năm 1995 nhưng đến nay vẫn... "nằm trên giấy" (Ảnh: Nguyễn Mạnh).

Về khách quan, từ năm 2001, dự án Sông Hồng City bị ngừng triển khai do chưa phù hợp quy định của Pháp lệnh Đê điều (hiệu lực từ 1/1/2001). Sau khi Luật Đê điều có hiệu lực thi hành từ ngày 1/7/2007, dự án thuộc quy hoạch thoát lũ.  

Thành phố đã triển khai lập quy hoạch phòng, chống lũ chi tiết của các tuyến sông có đê để làm cơ sở cho việc lập, điều chỉnh quy hoạch sử dụng đất, quy hoạch xây dựng hai bên bờ Sông Hồng (theo quy định tại Nghị định số 113/2007 của Chính phủ ngày 28/6/2007 và Quyết định số 92/2007 của Thủ tướng Chính phủ ngày 21/6/2007 phê duyệt Quy hoạch phòng chống lũ hệ thống Sông Hồng và Sông Thái Bình).

Ngày 18/2/2016, Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Quy hoạch phòng chống lũ và quy hoạch đê điều hệ thống sông Hồng, sông Thái Bình tại Quyết định số 257. UBND thành phố đã giao Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn lập quy hoạch phòng chống lũ chi tiết, trình HĐND Thành phố thông qua. Tuy nhiên, việc lập quy hoạch tạm dùng để xin ý kiến hướng dẫn đảm bảo phù hợp Luật Quy hoạch (có hiệu lực từ ngày 1/1/2019).  

Vị trí khu đất dự án nằm trong vùng cảnh quan hai bên sông Hồng thuộc khu vực UBND thành phố đang triển khai lập quy hoạch phân khu R4. Tại văn bản số 5601 ngày 6/7/2011, UBND thành phố chỉ đạo trong thời gian chờ quy hoạch phân khu được cấp có thẩm quyền phê duyệt không triển khai các đồ án, dự án quy hoạch xây dựng mới có tính chất kinh doanh bất động sản. Ngày 25/3/2022 UBND thành phố có Quyết định 1045 phê duyệt Đồ án Quy hoạch phân khu sông Hồng tỷ lệ 1/5.000 (đoạn từ cầu Hồng Hà đến cầu Mễ Sở). 

UBND thành phố cho biết, sẽ tiếp tục chỉ đạo các Sở Kế hoạch và Đầu tư, Quy hoạch Kiến trúc và các sở ngành có liên quan tiếp tục rà soát căn cứ quy định của pháp luật và thực tiễn triển khai dự án, đề xuất phương án giải quyết phù hợp.

Hà Nội lên tiếng về siêu dự án Sông Hồng City treo 28 năm - 2

Dự án Sông Hồng City liên tục vướng quy hoạch đê điều, thoát lũ... (Ảnh minh họa: Trần Kháng).

Được biết, Công ty Phát triển đô thị được thành lập theo Giấy phép đầu tư số 1059/GP do Ủy ban Nhà nước về Hợp tác và Đầu tư cấp ngày 29/11/1994 và giấy phép đầu tư điều chỉnh số 1059/GPDC do Bộ Kế hoạch và Đầu tư cấp ngày 19/8/1997.

Dự án có mục tiêu là xây dựng một quần thể công trình bao gồm khu nhà ở, khu nhà văn phòng thương mại, khách sạn và các công trình tiện ích công cộng để cho thuê tại Nghĩa Dũng, phường Phúc Xá, quận Ba Đình với diện tích 51.300 m2.

Tổng vốn đầu tư dự án là 240 triệu USD. Dự án có tiến độ trong vòng 8 năm kể từ ngày 29/11/1994 và thời hạn dự án là 45 năm từ ngày 29/11/1994.

Về tình hình triển khai UBND thành phố cho biết, nhà đầu tư đã ký hợp đồng thuê đất ngày 18/4/1995 và được cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (Quyết định số 3299 của UBND TP Hà Nội ngày 5/9/1995, thời hạn sử dụng 45 năm kể từ ngày 29/11/1994 đến 29/11/2039). UBND quận Ba Đình và Tây Hồ đã thành lập Hội đồng đền bù giải phóng mặt bằng.

Về quy hoạch, UBND thành phố thông tin, dự án được UBND thành phố phê duyệt quy hoạch chi tiết 1/500 tại Quyết định số 2767 ngày 1/8/1995.