Hà Nội: Bất lực trước những khu chung cư cũ chờ sập
Hiện Thành phố Hà Nội đã giao 19 nhà đầu tư lập quy hoạch chi tiết 1/500 để thực hiện cải tạo, xây dựng lại 28 khu chung cư cũ trên địa bàn phố.
Tuy nhiên, đến giờ vẫn chưa có sự thống nhất đảm bảo hài hòa lợi ích giữa người dân có nhà chung cư bị phá dỡ xây dựng lại với doanh nghiệp tham gia cải tạo xây dựng lại nhà chung cư, vậy nên người dân vẫn phải sống chung với những nguy hiểm rình rập.
Do số lượng nhà chung cư cũ trên địa bàn hiện quá lớn, tình trạng sở hữu, sử dụng đa dạng thuộc nhiều cơ quan, đơn vị quản lý. Điều này dẫn đến việc khó tiếp cận, kiểm đếm, rà soát chất lượng; chậm xây dựng, ban hành kế hoạch thực hiện cải tạo, xây dựng lại nhà chung cư.
Mới đây nhất, UBND Thành phố Hà Nội yêu cầu UBND quận Ba Đình khẩn trương hoàn thành việc di dời các chủ sở hữu căn hộ ra khỏi nhà chung cư cũ nguy hiểm cấp độ D - Tập thể Bộ Tư pháp, quận Ba Đình.
Hơn nữa, đa số nhà chung cư cũ tập trung tại khu vực nội thành, thuộc khu vực hạn chế phát triển về mật độ, tầng cao và đặc biệt là dân số. Trong khi đó, việc điều chỉnh quy hoạch lại thuộc thẩm quyền của Thủ tướng Chính phủ.
Trong khi một số quy định của pháp luật về trình tự, thủ tục trong cải tạo, xây dựng lại nhà chung cư còn mâu thuẫn, chồng chéo khó áp dụng để thực hiện trên thực tế như việc quy định phải có phương án bồi thường trước khi được lựa chọn chủ đầu tư. Trong khi đó, phải được lựa chọn làm chủ đầu tư thì chủ đầu tư mới lập quy hoạch 1/500 và căn cứ vào đó để xây dựng được phương án bồi thường hỗ trợ tái định cư. Người dân thì đòi bồi thường cao, không chịu bàn giao mặt bằng, trong khi đó, chủ đầu tư thì lại muốn lợi nhuận cao chi phí bỏ ra thấp. Do vậy, cũng làm chậm quá trình thực hiện dự án cải tạo, xây dựng lại nhà chung cư.
Trao đổi với phóng viên Báo điện tử Xây dựng, bà Nguyễn Thanh Loan - người dân ở khu tập thể Khương Thượng (Đống Đa, Hà Nội) cho biết: “Các chung cư cũ cần Nhà nước quan tâm, cải tạo cho chỗ ở thì tốt quá. Tại khu chung cư này đã nhiều lần có chủ đầu tư đến xem xét đo đạc rồi lại không thấy có ý kiến gì nữa. Người dân chúng tôi không biết vướng mắc ở đâu mà không thấy triển khai. Chúng tôi mong muốn được chính quyền tổ chức họp dân để cùng họp bàn và hiểu rõ hơn về vấn đề này”.
Bác Thanh Hằng, một người dân sống tại khu tập thể cũ tại Hà Đông chia sẻ rằng: “Tôi đã gắn bó với căn hộ hơn 30 năm. Giờ biết là xuống cấp nghiêm trọng, có thể sập đổ bất cứ lúc nào nhưng lương hưu chỉ có mấy triệu một tháng sinh hoạt chi tiêu, không có cách nào có tiền để mua căn hộ mới được. Tất cả trông chờ vào chính sách và sự quan tâm của Nhà nước để chúng tôi được hướng dẫn làm theo. Thời gian càng kéo dài, cuộc sống của chúng tôi càng nguy hiểm, giữa thủ đô, giữa thời xã hội phát triển, đô thị hiện đại thông minh nhưng chung cư tập thể cũ không biết khi nào mới được cải tạo, không được xem xét kịp thời hậu quả biết trước nghĩ đến sẽ đau xót nhưng đành bất lực”.
Để cải tạo chung cư cũ, hầu hết các đơn vị, doanh nghiệp hiện cho rằng, nếu được điều chỉnh nâng tầng, tăng thêm chiều cao thì doanh nghiệp sẽ có cơ hội để chung tay cùng Nhà nước đẩy nhanh tiến độ cải tạo các dự án chung cư cũ.
Nhiều chuyên gia trong lĩnh vực bất động sản cũng cho rằng, một trong những khó khăn lớn khi cải tạo chung cư cũ là quy định khống chế chiều cao, hạn chế mật độ dân số tại các dự án xây mới. Trong khi đó, theo quy định việc cải tạo không được tăng chiều cao, yêu cầu phải giữ quy mô dân số hiện hành thì doanh nghiệp không có kinh phí để thực hiện dự án. Cho nên, phương án điều chỉnh đề xuất nâng tầng, tăng thêm chiều cao là phương án được nhiều đơn vị nhắc đến.
Hình ảnh phóng viên ghi nhận được tại một số khu chung cư cũ trên địa bàn Thành phố Hà Nội: