Góc nhìn mới từ vụ Thủ Thiêm: Đề xuất nâng cọc, bỏ đấu giá bằng lời nói
(Dân trí) - HoREA cho rằng không nên áp dụng hình thức "đấu giá trực tiếp bằng lời nói tại cuộc đấu giá" đối với đấu giá quyền sử dụng đất nhằm mục đích thực hiện dự án đầu tư kinh doanh bất động sản, khu đô thị.
Lãnh đạo Hiệp hội Bất động sản TPHCM (HoREA) vừa có văn bản gửi Ủy ban Thường vụ Quốc hội kiến nghị sớm sửa đổi, bổ sung các quy định về đấu giá quyền sử dụng đất để thực hiện dự án đầu tư kinh doanh bất động sản, nhà ở, khu đô thị.
Cần thiết sớm sửa đổi, bổ sung một số quy định đấu giá
Theo HoREA, các cuộc đấu giá 4 lô đất thuộc Khu đô thị mới Thủ Thiêm ngày 10/12/2021 đã cho thấy rõ các "bất cập" và sự cần thiết phải sớm sửa đổi, bổ sung một số quy định của Luật Đấu giá tài sản 2016 và các pháp luật có liên quan.
Đặc biệt, đối với các quy định về đấu giá quyền sử dụng đất để thực hiện dự án đầu tư kinh doanh bất động sản, nhà ở, khu đô thị thì càng cần sửa đổi nhằm xây dựng môi trường đầu tư minh bạch, công bằng, không để bị lợi dụng đấu giá để trục lợi bất chính.
Ông Lê Hoàng Châu - Chủ tịch HoREA - nhấn mạnh, đấu giá quyền sử dụng đất nhằm mục đích thực hiện dự án đầu tư kinh doanh bất động sản, nhà ở, khu đô thị hoàn toàn khác biệt với đấu giá từng nền nhà, từng căn hộ hoặc đấu giá một bức tranh, một món đồ cổ, hay đấu giá tài sản thanh lý…
Do vậy, cần xây dựng hoàn thiện các quy định pháp luật về đấu giá quyền sử dụng đất để thực hiện dự án đầu tư kinh doanh bất động sản, nhà ở, khu đô thị nhằm lựa chọn được nhà đầu tư có năng lực.
Lãnh đạo HoREA nhấn mạnh, Nhà nước cần phải kiểm soát, quản lý 3 vấn đề quan trọng sau đây: Đánh giá chất lượng dự án đầu tư theo đề xuất của nhà đầu tư, mà hiện nay Luật Đấu giá tài sản 2016 chưa có quy định này; Đánh giá năng lực của nhà đầu tư; Ngăn ngừa việc lợi dụng đấu giá để thổi giá đất, tạo mặt bằng giá đất "ảo" để đầu cơ đất đai làm nhiễu loạn thị trường, trục lợi bất chính.
HoREA cho rằng, tùy theo loại tài sản đấu giá mà cơ quan nhà nước có thẩm quyền lựa chọn áp dụng hình thức đấu giá phù hợp. Riêng, đối với trường hợp đấu giá quyền sử dụng đất nhằm mục đích thực hiện dự án đầu tư kinh doanh bất động sản, nhà ở, khu đô thị thì phù hợp nhất là áp dụng hình thức "đấu giá bằng bỏ phiếu trực tiếp tại cuộc đấu giá", hoặc hình thức "đấu giá bằng bỏ phiếu gián tiếp" trên cơ sở nghiên cứu vận dụng tương tự phương thức "đấu thầu 02 giai đoạn 02 túi hồ sơ".
Trong đó giai đoạn 1 là cơ quan có thẩm quyền xem xét "Báo cáo khả thi dự án đầu tư" do nhà đầu tư đề xuất, để chọn ra "danh sách ngắn" các nhà đầu tư có đề xuất có tính khả thi và đạt chuẩn điểm số theo hồ sơ mời đấu giá (có thể đạt từ 70 điểm trở lên như quy định của pháp luật về đấu thầu).
Giai đoạn 2 là tổ chức cuộc đấu giá đối với các nhà đầu tư trong "danh sách ngắn" theo hình thức "đấu giá bằng bỏ phiếu trực tiếp tại cuộc đấu giá", hoặc "đấu giá bằng bỏ phiếu gián tiếp" để lựa chọn nhà đầu tư trúng đấu giá.
Đề xuất đổi quy định nộp tiền đặt trước, đấu giá bằng lời nói
"Hiệp hội nhận thấy, không nên áp dụng hình thức "đấu giá trực tiếp bằng lời nói tại cuộc đấu giá" đối với trường hợp đấu giá quyền sử dụng đất nhằm mục đích thực hiện dự án đầu tư kinh doanh bất động sản, nhà ở, khu đô thị, như đã thực hiện trong thời gian qua vì không phù hợp", lãnh đạo HoREA nêu quan điểm.
Hiệp hội này cũng đề nghị sửa đổi quy định nộp "tiền đặt trước" để được tham gia đấu giá quyền sử dụng đất để thực hiện dự án đầu tư kinh doanh bất động sản, nhà ở, khu đô thị.
Cụ thể khoản 1 Điều 39 Luật Đấu giá 2016 quy định: "Người tham gia đấu giá phải nộp tiền đặt trước tối thiểu là năm phần trăm (5%) và tối đa là hai mươi phần trăm (20%) giá khởi điểm của tài sản đấu giá (…) Trường hợp trúng đấu giá thì khoản tiền đặt trước và tiền lãi (nếu có) được chuyển thành tiền đặt cọc để bảo đảm thực hiện giao kết hoặc thực hiện hợp đồng mua bán tài sản đấu giá hoặc thực hiện nghĩa vụ mua tài sản đấu giá sau khi được cơ quan có thẩm quyền phê duyệt…".
Vạch rõ bất cập, HoREA cho biết Luật Đấu giá 2016 chưa quy định nhà đầu tư phải chứng minh đã có sẵn tiền trong tài khoản của tổ chức tín dụng, hoặc phải nộp thêm "tiền đặt trước", hoặc phải chứng minh có giá trị tổng tài sản, hoặc phải có văn bản bảo lãnh thanh toán của tổ chức tín dụng để đảm bảo nghĩa vụ thanh toán tài sản trúng đấu giá đối với cuộc đấu giá quyền sử dụng đất để thực hiện dự án đầu tư kinh doanh bất động sản, nhà ở, khu đô thị, do các lô đất, khu đất đưa ra đấu giá thường có giá trị rất lớn.
"Do bất cập về quy định nộp "tiền đặt trước" có giá trị thấp hơn rất nhiều so với giá trúng đấu giá, nên trong thực tế đã có một số trường hợp nhà đầu tư trúng đấu giá quyền sử dụng đất nhưng sau cuộc đấu giá đã "xù" không thanh toán tiền trúng đấu giá, chấp nhận chịu mất tiền đặt trước, hoặc có trường hợp nhà đầu tư dây dưa kéo dài việc thanh toán", ông Lê Hoàng Châu cho biết.
Tân Hoàng Minh và những ví dụ
Ông Châu dẫn chứng ra các trường hợp đấu giá mặt bằng 23 Lê Duẩn, quận 1 TPHCM năm 2014 của Tập đoàn Tân Hoàng Minh, mãi đến năm 2017 mới chấp nhận thanh toán tiền trúng đấu giá và nộp phạt do chậm thanh toán và gần đây nhất là cuộc đấu giá lô đất 3.12 tại Khu đô thị mới Thủ Thiêm có giá khởi điểm chỉ là 2.942 tỷ đồng song tiền đặt trước là 588,4 tỷ đồng, còn giá trúng lên đến 24.500 tỷ đồng.
Sau đó Công ty Ngôi Sao Việt thuộc Tập đoàn Tân Hoàng Minh đã xin chấm dứt hợp đồng mua bán lô đất 3.12 và chấp nhận bị mất số tiền cọc, để lại các hệ lụy tiêu cực, ông Châu nhận định.
Ông Châu đề nghị xem xét sửa đổi, bổ sung quy định tiền đặt cọc đấu giá theo hướng quy định nhà đầu tư chỉ được trả giá lô đất đấu giá khi có đủ tiền trên tài khoản, hoặc khi có tổng tài sản cao hơn giá trị trả giá hoặc khi có bảo lãnh thanh toán của ngân hàng.
Đồng thời là giao trách nhiệm cho UBND cấp tỉnh quyết định "tiền đặt cọc đấu giá" phù hợp với cuộc đấu giá tài sản, nhất là trường hợp đấu giá quyền sử dụng đất để thực hiện dự án đầu tư kinh doanh bất động sản, nhà ở, khu đô thị, phù hợp với tình hình thực tế của địa phương.