Giá nhà tăng, lợi nhuận doanh nghiệp địa ốc vẫn teo tóp: Điều gì xảy ra?

(Dân trí) - Theo HoREA, hầu hết các doanh nghiệp bất động sản gặp khó khăn, hàng loạt giảm doanh thu, lợi nhuận. Trong khi đó, giá nhà tăng, đông đảo người có thu nhập trung bình, thấp khó tiếp cận nhà ở.

Giá nhà tăng, lợi nhuận doanh nghiệp địa ốc vẫn teo tóp: Điều gì xảy ra? - 1

Ông Lê Hoàng Châu - Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TP.HCM (HoREA) cho rằng, thị trường bất động sản như con chim báo bão, nếu bị khủng hoảng sẽ kéo theo sự khủng hoảng của nền kinh tế.

Hàng loạt doanh nghiệp doanh thu, lợi nhuận sụt giảm

Theo Bộ Xây dựng, thị trường bất động sản có liên quan đến hơn 90 ngành nghề, sử dụng hàng ngàn sản phẩm của nền kinh tế, tạo việc làm cho hàng triệu người lao động và cung ứng nhiều loại hình sản phẩm bất động sản, đặc biệt là nhà ở.

Chính vì vậy, ông Lê Hoàng Châu - Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TP.HCM (HoREA) cho rằng, thị trường bất động sản như con chim báo bão, nếu bị khủng hoảng sẽ kéo theo sự khủng hoảng của nền kinh tế. Nhưng đồng thời thị trường này cũng như “con chim én báo mùa xuân về”, khi thị trường bất động sản hồi phục sẽ kéo theo sự phục hồi của nền kinh tế, có tính lan tỏa rất lớn.

Hiện nay, tại TP.HCM có khoảng 415.000 doanh nghiệp, trong đó có gần 15.000 doanh nghiệp bất động sản. Trong số gần 9.000 doanh nghiệp lớn của thành phố, thì có đến hơn 30% là doanh nghiệp bất động sản.

Theo lãnh đạo HoREA, dù chỉ chiếm 2% tổng số doanh nghiệp nhưng doanh nghiệp bất động sản chiếm hơn 70% tổng số vốn đăng ký và đóng góp hơn 80% đối với khu vực kinh tế tư nhân của thành phố.

“Mặc dù có vị thế quan trọng trong các thành phần kinh tế của thành phố, nhưng lĩnh vực bất động sản vẫn gặp nhiều khó khăn ngày càng khắc nghiệt hơn. Tăng trưởng bình quân của lĩnh vực trong giai đoạn 2015-2019 chỉ đạt 4,3%, thấp hơn tốc độ tăng trưởng GRDP và hiện nay tỷ trọng đóng góp trong GRDP cũng thuộc hàng thấp nhất trong 09 ngành dịch vụ chủ yếu của thành phố”, lãnh đạo HoREA cho biết.

Theo ông Lê Hoàng Châu, khó khăn đối với doanh nghiệp bất động sản từ năm 2018. Trong 2 năm 2018-2019, hầu hết các doanh nghiệp bất động sản gặp khó khăn, quy mô thị trường và nguồn cung giảm mạnh, hàng loạt doanh nghiệp giảm doanh thu và lợi nhuận, giá nhà tăng, đông đảo người có thu nhập trung bình và người có thu nhập thấp đô thị, người nhập cư ngày càng khó tạo lập nhà ở.

Năm 2019, chỉ có 04 dự án nhà ở thương mại được công nhận chủ đầu tư, giảm 24 dự án; chỉ có 16 dự án nhà ở thương mại được chấp thuận đầu tư, giảm 64 dự án; trong đó, chỉ có 07 dự án được chấp thuận đầu tư mới; ngoài ra, chỉ có 47 dự án được xác nhận đủ điều kiện để huy động vốn, giảm 30 dự án so với năm 2018.

Đối với các doanh nghiệp bất động sản niêm yết trên sàn chứng khoán năm 2019, ông Lê Hoàng Châu cho biết, hàng loạt doanh nghiệp đều có kết quả kinh doanh sụt giảm.

Ngoại trừ một số “ông lớn" đạt doanh thu và lợi nhuận rất tốt, các doanh nghiệp còn lại chỉ đạt mức tăng trưởng bình quân doanh thu 07% và lợi nhuận sau thuế chỉ tăng 11%, thấp hơn rất nhiều so với mức tăng trưởng lợi nhuận lên đến 47% của năm 2018.

Tồn kho tăng mạnh

Điều đáng quan ngại theo ông Lê Hoàng Châu là tổng giá trị hàng tồn kho của các doanh nghiệp bất động sản niêm yết trên sàn chứng khoán lên đến 223.474 tỷ đồng, tăng 38% so với năm 2018.

Trong đó, có đến 24 doanh nghiệp có giá trị hàng tồn kho trên 1.000 tỷ đồng; có 04 tập đoàn có giá trị hàng tồn kho từ 4.200 tỷ đồng đến 7.397 tỷ đồng; riêng 02 tập đoàn hàng đầu lại có lượng hàng tồn kho chiếm đến 63% tổng giá trị hàng tồn kho.

Lãnh đạo HoREA cho rằng, nếu hàng tồn kho theo kế hoạch sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp và trong quá trình phân phối lưu thông sản phẩm là điều bình thường, thậm chí có thể là một lợi thế của doanh nghiệp.

Tuy nhiên, hàng tồn kho bất động sản sẽ trở thành gánh nặng cho doanh nghiệp và cho nền kinh tế, nếu hàng tồn kho đó là bán thành phẩm (như do vướng mắc về pháp lý nên dự án bị dừng triển khai, không ra được sản phẩm làm tăng gánh nặng chi phí, lãi vay…), hoặc là thành phẩm nhưng không bán được hoặc chưa bán được, không có tính thanh khoản, có thể dẫn đến nguy cơ phá sản.

Theo báo cáo của Công ty CP Báo cáo Đánh giá Việt Nam (Vietnamreport), từ cuối quý I/2019, rủi ro bắt đầu tăng khi trên thị trường chứng khoán đã có gần 100 doanh nghiệp kinh doanh bất động sản có giá trị hàng tồn kho trên 1.000 tỷ đồng.

Trong số 40 doanh nghiệp BĐS đang tồn kho lớn nhất thị trường thì có tới 20 doanh nghiệp tồn kho trên 2.000 tỷ đồng.

Vietnamreport cũng cho rằng, tồn kho tăng cao trong bối cảnh lãi suất ngân hàng biến động gây nên những diễn biến đáng lo ngại của thị trường bất động sản.

Dẫn thông tin tại buổi làm việc với các doanh nghiệp bất động sản ngày 22/02/2020, ông Châu cho biết: Một trong những nguyên nhân dẫn đến tình hình nêu trên là do các quy định pháp luật về đầu tư, nhà ở, đất đai, quy hoạch đô thị chưa có sự thống nhất trong quá trình chuyển tiếp và ban hành.

Cùng với đó, nhiều dự án đang trong quá trình thanh tra, kiểm tra, kiểm toán, rà soát lại thủ tục pháp lý, điều này dẫn đến việc đùn đẩy giải quyết của các cơ quan quản lý nhà nước, chưa đảm bảo một quy trình liên thông, đồng bộ.

“Những điều này, nếu không được giải quyết kịp thời sẽ tác động trực tiếp đến sự phát triển của thị trường, gây khó khăn cho các doanh nghiệp, làm giảm nguồn thu ngân sách”, ông Lê Hoàng Châu nói.

Thị trường bất động sản đang gặp rất nhiều khó khăn trong 02 năm qua, nay lại chịu thêm tác động của dịch cúm Covid - 19 nên theo HoREA, tính chất khó khăn càng trầm trọng hơn.

"Nếu các cơ quan có thẩm quyền của Trung ương và địa phương giải quyết nhanh các vướng mắc về pháp lý và quy trình thủ tục hành chính, thì sẽ giúp cho thị trường bất động sản sớm hồi phục và tăng trưởng trở lại, thu hút được thêm nhiều nguồn vốn đầu tư nước ngoài, tạo việc làm cho rất nhiều người lao động, sẽ tác động tích cực đến phát triển kinh tế của đất nước và góp phần đảm bảo an sinh xã hội về nhà ở", lãnh đạo HoREA cho biết.

Nguyễn Mạnh