Giá nhà ở xã hội Hà Nội lên mức gần 20 triệu đồng/m2

Mới đây, Sở Xây dựng Hà Nội thông báo dự án nhà ở xã hội trên quận Nam Từ Liêm, Hà Nội) với mức giá 19,5 triệu đồng/m2 (chưa bao gồm phí bảo trì), mức giá cao nhất các nhà ở xã hội.

Giá nhà ở xã hội Hà Nội lên mức gần 20 triệu đồng/m2 - 1

Dự án nhà ở xã hội tại Đại Mỗ được bán với giá 19,5 triệu đồng/m2

Dự án nhà ở xã hội tại quận Nam Từ Liêm có 427 căn để bán, 11 căn cho thuê với quy mô 1.630 người. Giá theo phê duyệt tạm tính của chủ đầu tư: Trung bình khoảng 19,5 triệu đồng/m2 (đã bao gồm thuế VAT và chưa bao gồm kinh phí bảo trì).

Còn tại dự án nhà ở xã hội IEC (Thanh Trì, Hà Nội) cũng đưa ra mức giá 16 triệu đồng/m2 (đã bao gồm VAT và phí bảo trì).

Dự án Ecohome 3 (Cổ Nhuế, Bắc Từ Liêm, Hà Nội) với giá 16.306.378 đồng/m2 (đã bao gồm AT nhưng chưa có phí bảo trì).

Trước đây, khi nhà ở xã hội được vay gói 30.000 tỷ đồng, nhà ở xã hội không vượt quá mức giá 15 triệu đồng/m2. Kết thúc gói tín dụng ưu đãi, giá nhà ở xã hội tăng dần.

Theo một lãnh đạo Sở Xây dựng, giá nhà ở xã hội không khống chế giá mà quy định lợi nhuận chủ đầu tư không được vượt quá 10%. Tuy nhiên, chủ đầu tư xây dựng nhà ở xã hội nhận được nhiều ưu đãi về thuê, tiền sử dụng đất so với nhà thương mại.

 Thống kê của Bộ Xây dựng, tính đến tháng 1/2020 trên địa bàn cả nước đã hoàn thành 207 dự án NƠXH, quy mô xây dựng khoảng hơn 85.810 căn, với tổng diện tích hơn 4.290.500 m2; đang tiếp tục triển khai 220 dự án với quy mô xây dựng khoảng 179.640 căn.

 Riêng trong năm 2019, bộ này đã hoàn thành 9 dự án NƠXH dành cho người thu nhập thấp, quy mô khoảng 4.110 căn hộ. Tuy nhiên, Bộ Xây dựng đánh giá kết quả trên chưa đạt yêu cầu đề ra trong Chiến lược phát triển nhà ở quốc gia đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030.

Ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp Hội Bất động sản TP.HCM cho rằng, người mua nhà ở xã hội đã gặp khó khi gói 30.000 tỷ đồng kết thúc, gói mới từ ngân hàng chính sách không dễ gì tiếp cận nên giờ giá bán cao nữa, người dân khó có cơ hội mua nhà.

Để thực hiện kế hoạch phát triển nhà ở xã hội, ông Châu đề nghị thành phố xem xét thấu đáo các đề xuất để ban hành quy trình các bước xét duyệt hợp lý đối với các dự án nhà ở xã hội có quỹ đất hỗn hợp do doanh nghiệp nhận chuyển nhượng, trong đó có phần đất rạch, đường, bờ đất thuộc Nhà nước quản lý xen kẹt trong dự án, theo hướng rút gọn quy trình xét duyệt đơn giản hơn (còn 4 bước) so với dự án nhà ở thương mại (5 bước).

Ngoài ra, ông Châu đề nghị UBND TP phối hợp với Bộ Kế hoạch Đầu tư và Bộ Xây dựng xem xét các đề xuất để ban hành tiêu chí đấu thầu lựa chọn chủ đầu tư dự án nhà ở xã hội đã có quỹ đất sạch do Nhà nước quản lý (Hiện nay, các quỹ đất này chưa được sử dụng do chưa có tiêu chí đấu thầu lựa chọn chủ đầu tư).

Đối với vấn đề nguồn vốn ngân sách Nhà nước hỗ trợ tín dụng để người mua trả góp nhà ở xã hội có thể được tiếp cận nguồn tín dụng với lãi suất hợp lý nhất.

Theo Ngọc Mai

Tiền Phong